Để Luật Phá sản không bị “phá sản”

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam

(Tài chính) Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi lần này có nhiều quy định mang tính đổi mới thể hiện tính tích cực, cố gắng khắc phục những tồn tại trước đây. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề cần trao đổi để Luật Phá sản không bị “phá sản”.

Chúng ta biết rằng, mục đích ban hành Luật Phá sản là nhằm xử lý tình trạng doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) làm ăn thua lỗ trầm trọng, mất khả năng thanh toán, không còn khả năng hoạt động, được chấm dứt tồn tại về mặt pháp lý và xử lý hậu quả theo quy định pháp luật, tránh tình trạng tẩu tán tài sản hoặc siết nợ, bảo đảm quyền lợi cho các chủ nợ, người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế, do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, sức tiêu thụ kém, lãi suất ngân hàng tăng cao thời gian qua, khiến nhiều DN, HTX mất khả năng thanh toán, không thể tồn tại... Vì vậy, việc xây dựng Luật Phá sản lần này là rất cần thiết, nhằm khắc phục triệt để tình trạng nêu trên.

Dự thảo Luật Phá sản lần này đã bổ sung các quy định có tính khách quan, chặt chẽ hơn, đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/6/2005 và Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013–2020 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật phá sản của Việt Nam; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của Luật Phá sản với hệ thống pháp luật, không có sự xung đột giữa Luật Phá sản với các văn bản pháp luật khác, phù hợp với thực tiễn nền kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Phạm vi điều chỉnh cần mở rộng

Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được trao đổi, góp ý để Luật Phá sản được hoàn thiện hơn.

Dự thảo chưa mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Phá sản. Đối tượng áp dụng của Luật Phá sản cần được mở rộng hơn nữa theo hướng mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh và có đăng ký kinh doanh, không phân biệt loại hình tổ chức, quy mô kinh doanh và ngành nghề kinh doanh nếu lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì đều có thể bị đưa ra Toà để giải quyết theo thủ tục phá sản.

Đây là quy định cần thiết, bởi các chủ thể kinh doanh, trong đó có cá nhân, hộ gia đình... cần được bình đẳng với các chủ thể kinh doanh khác (DN) trong việc sử dụng các cơ chế do pháp luật quy định, trong đó có cơ chế phá sản. Nếu chẳng may thua lỗ thì các chủ thể này cũng có được một cơ chế xử lý nợ như các tổ chức sản xuất kinh doanh khác để có cơ hội trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình có quy mô kinh doanh lớn, làm ăn với cả doanh nhân nước ngoài nên Luật Phá sản cũng cần sửa đổi cho phù hợp với Luật Phá sản của thế giới, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trong số loại hình DN thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phá sản có công ty luật TNHH và theo Luật Luật sư năm 2006, loại DN này không có quy định về vốn, không ghi nhận vốn trên Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Về vấn đề trách nhiệm vô hạn, công ty hợp danh và DN tư nhân vẫn được phá sản, mặc dù theo quy định tại Điều 130, Luật DN 2005, thì Công ty hợp danh là DN có tư cách pháp nhân, nhưng các thành viên hợp danh phải “chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty”; và theo quy định tại khoản 1, Điều 141, Luật DN 2005, thì “DN tư nhân là DN do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của DN”, tức là chịu trách nhiệm vô hạn như cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình. Do đó, cần phải xem xét mở rộng đối tượng áp dụng đối với một số chủ thể khác như tổ hợp tác và hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.

Mức “phá sản” chưa hợp lý

Về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Căn cứ đưa ra mức khoản nợ không thể thanh toán từ 200 triệu đồng trở lên, trong thời gian 3 tháng theo yêu cầu của chủ nợ, thì lâm vào tình trạng phá sản.

Điều này chưa phù hợp với thực tế hiện nay vì nếu muốn tính khoản nợ quá hạn không thanh toán được thì phải dựa vào vốn đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều DN có vốn vài chục triệu đồng nhưng có DN có vốn vài ngàn hay vài trăm ngàn tỉ đồng mà quy định 200 triệu đồng nợ quá hạn đã lâm vào tình trạng phá sản là không có tính khả thi.

Theo quan điểm của luật sư, quan trọng là loại hình DN và vốn kinh doanh và không nên quy định cụ thể số tiền nợ quá hạn trong dự luật mà cần quy định là mất toàn bộ khả năng thanh toán chứ mất khả năng thanh toán 200 triệu đồng thì không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tòa án tỉnh chỉ giải quyết trường hợp đặc biệt

Về chế định Quản tài viên: Đây là chế định mới, cần có những cơ sở lý luận chuyên sâu hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể này và cơ quan quản lý. Có thể nên mở rộng đối tượng Quản tài viên như giao cho cơ quan Thi hành án, Luật sư, cơ quan Thừa phát lại trên phạm vi cả nước làm công tác quản lý tài sản của DN, HTX khi tiến hành thủ tục tuyên bố phá sản nhằm xã hội hóa đối với hoạt động này.  

Về thẩm quyền giải quyết vụ án phá sản. Dự thảo quy định toàn bộ thẩm quyền giải quyết vụ án phá sản thuộc về Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, rút lại thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp huyện, là không hợp lý, đi ngược lại chủ trương cải cách tư pháp.

Vì vậy, cần xem xét theo hướng giao phần lớn các vụ việc phá sản cho Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp tỉnh tập trung vào việc xét xử phúc thẩm, để thật sự phát huy cơ chế phá sản DN, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Chỉ nên quy định Tòa án cấp tỉnh chỉ giải quyết một số trường hợp đặc biệt.

Bổ sung loại tài sản được miễn trừ

Bổ sung các loại tài sản được miễn trừ khỏi tài sản phá sản.

Theo quan điểm nhân đạo, nhiều nước trên thế giới đã cho phép con nợ là cá nhân được giữ lại một số tài sản, chủ yếu là những đồ dùng sinh hoạt thiết yếu hằng ngày nếu họ không có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không có hành vi gian lận trong quá trình quản lý, điều hành DN.

Theo thông lệ của các nước thì các tài sản, quyền về tài sản được miễn trừ bao gồm: Các đồ vật phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày mang tính chất tối thiểu của con nợ và các khoản trợ cấp cho con nợ do không còn khả năng lao động, do bệnh tật, do mất việc làm; tiền lương hưu, các khoản nhận được từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các khoản cấp dưỡng sau khi ly hôn, tiền bồi thường do sức khoẻ bị tổn hại do hành vi vi phạm pháp luật của người khác gây ra... 

Cơ chế Ủy ban chủ nợ

Cơ chế giám sát của chủ nợ trong việc giải quyết thủ tục phá sản. Theo nguyên tắc giải quyết phá sản của Ngân hàng Thế giới thì các quyền của chủ nợ phải được bảo đảm thông qua việc thiết lập một Ủy ban chủ nợ cho phép chủ nợ có khả năng tham gia vào thủ tục phá sản.

Do vậy, cần xây dựng cơ chế Ủy ban chủ nợ có thể giám sát hiệu quả đối với toàn bộ quá trình phá sản nhằm bảo đảm sự trung thực khách quan. Ủy ban chủ nợ sẽ hoạt động như một cầu nối trong việc cung cấp thông tin cho các chủ nợ khác và trong việc triệu tập các chủ nợ để đưa ra quyết định về những vấn đề quan trọng. Việc thành lập Ủy ban chủ nợ với tư cách là cơ quan thường trực của Hội nghị chủ nợ là một nhân tố cần thiết, thúc đẩy sự tham gia tích cực của chủ nợ vào quá trình giải quyết phá sản.

Đồng thời, cần quy định cơ chế hoạt động của Hội nghị chủ nợ một cách độc lập khỏi sự can thiệp của Toà án nhằm hạn chế tình trạng hành chính hoá quan hệ dân sự, kinh tế. Hội nghị chủ nợ phải được quyền cử người thay thế người quản lý và điều hành DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản trong trường hợp xét thấy người quản lý của DN, HTX hiện tại không có khả năng điều hành hoặc nếu tiếp tục điều hành hoạt động kinh doanh sẽ không có lợi cho việc bảo toàn tài sản của DN, HTX. Quy định việc thành lập Ủy ban chủ nợ với sự tham gia của một số chủ nợ nhất định nhằm tạo cơ chế tham gia một cách thường xuyên, liên tục của các chủ nợ vào quá trình giải quyết phá sản.