Để Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không trở thành khẩu hiệu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới, phạm vi điều chỉnh đã được bổ sung khoản thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân với mục đích khuyến khích và nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, điều chỉnh như vậy có quá rộng và thiếu tính khả thi không?

Để Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không trở thành khẩu hiệu
Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) đã có sự điều chỉnh, đổi mới về trách nhiệm và chế tài xử lý đối với các hành vi gây lãng phí. Nguồn: internet

Theo đánh giá của các chuyên gia, dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) đã cơ bản kế thừa những nội dung, quy định của Luật hiện hành còn phù hợp và đã luật hóa các quy định dưới luật được thực hiện ổn định, có hiệu quả. Chẳng hạn, về phạm vi điều chỉnh của Luật, dự thảo đã kết cấu lại và bổ sung, làm rõ thêm phạm vi điều chỉnh đối với việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, vật tư, nguyên nhiên vật liệu, lao động và thời gian lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, tăng cường, nâng cao trách nhiệm, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Tuy nhiên, Luật gia Vũ Xuân Tiền băn khoăn, có nên bỏ khoản 3, Điều 1 của dự thảo: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân không? Bởi nếu không, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sẽ quá rộng, nhiều nội dung thiếu tính khả thi. Và, việc quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các doanh nghiệp không có vốn Nhà nước chủ sở hữu là chuyện đương nhiên. Vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí là do chủ mỗi doanh nghiệp quy định. Hơn thế, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cá nhân, do từng cá nhân quyết định, điều này phù hợp với quy định của Luật Dân sự: Nhà nước chỉ vận động, khuyến khích cá nhân làm theo, không nên quy định cứng trong luật.

Ngoài ra, dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) đã có sự điều chỉnh, đổi mới so với luật hiện hành về việc quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với các hành vi gây lãng phí. Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng, các quy định về chế tài xử lý được đưa ra trong dự thảo Luật còn quá chung chung, chưa đủ mạnh và không rõ ràng.

Nhiều ý kiến nhận định, việc giải trình trước cơ quan chức năng không phải là chế tài xử phạt mà là trách nhiệm đương nhiên của công chức, viên chức khi để xảy ra sai phạm. Việc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật là theo luật nào? Mức bồi thường sẽ là bao nhiêu, bồi thường toàn bộ thiệt hại hay bao nhiêu %?...  Dự thảo Luật quy định: tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật là quá mơ hồ. Các chuyên gia đề nghị, cần đưa vào dự thảo Luật những quy định cụ thể hơn về chế tài xử lý đối với các hành vi gây lãng phí và trách nhiệm trong việc ban hành các chính sách gây lãng phí thông qua bổ sung các chế tài mang tính định lượng, chi tiết hơn về xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính.

Đặc biệt, cần có những quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm bồi thường và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân hay người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí; quy định chi tiết cho từng loại hành vi gây lãng phí nhằm tránh tình trạng khó áp dụng, không biết quy trách nhiệm cho ai khi để xảy ra lãng phí.

Theo chương trình, dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu vào tháng 10 tới. Kế thừa những nội dung, quy định còn phù hợp, đã chứng minh được hiệu quả pháp lý, luật hóa các quy định dưới luật được thực tiễn kiểm chứng; cần tập trung làm rõ các quy định về lãng phí, chống lãng phí; xác định chống lãng phí là trọng tâm và thực hành tiết kiệm xuyên suốt trong quy định, trong tổ chức điều hành, thực thi luật.

Tuy nhiên, cần xem xét, cân nhắc kỹ, có quy định cụ thể, để khi được thông qua, Luật có thể đi vào cuộc sống, khắc phục được những hạn chế tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước. Luật phải điều chỉnh được các hành vi cụ thể. Nếu quy định theo kiểu định hướng thì Luật chỉ làm nhiệm vụ hô hào khẩu hiệu. Sửa đổi Luật lần này hướng đến một bộ luật gốc trong điều chỉnh các hành vi liên quan đến tiết kiệm, chống lãng phí; vừa bao quát, vừa cụ thể, có tầm xa hơn để thực sự trở thành công cụ quản lý có hiệu quả.