Để ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển như kỳ vọng

ThS. Nguyễn Thị Xuân

Trong mấy năm gần đây, dù tình hình kinh tế rất khó khăn, ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng, “đỡ” nền kinh tế tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, trong nội bộ ngành Nông nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế. Tìm cho ra những lực đẩy để phát triển bền vững ngành Nông nghiệp Việt Nam đang là vấn đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.

Để ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển như kỳ vọng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Điểm sáng nông nghiệp

Sau 26 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho trước hết là khoảng 70% dân cư, là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế đất nước và ổn định chính trị - xã hội. 

Trong nội bộ nền kinh tế, nông nghiệp là Ngành có sức lan tỏa lớn nhất, có tính kết nối rất cao với nhiều ngành kinh tế khác. Ngành nông nghiệp cung cấp đầu vào cho công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến xuất khẩu; đồng thời, sử dụng sản phẩm của các ngành công nghiệp và dịch vụ, như: nhiên liệu, phân bón, hóa chất, máy móc cơ khí, năng lượng, tín dụng, bảo hiểm...

Ngoài ra, nông nghiệp còn liên quan mật thiết đến sức mua của dân cư và sự phát triển thị trường trong nước. Với 50% lực lượng lao động cả nước đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và 70% dân số sống ở nông thôn, mức thu nhập trong nông nghiệp sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sức cầu của thị trường nội địa và tiềm năng đầu tư dài hạn.

 Đặc biệt, nếu nhìn lại tốc độ tăng trưởng của ngành trong những năm gần đây, sẽ thấy sự giảm sút đáng ngại của nông nghiệp Việt Nam.

Gần đây,dù tình hình kinh tế rất khó khăn do bị tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới, ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục thể hiện vai trò cột trụ, “đỡ” nền kinh tế tiếp tục ổn định và có mức tăng trưởng hợp lý. Năm 2011, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt gần 25 tỷ USD, tăng trưởng 29% so với năm 2010. Thặng dư thương mại toàn Ngành năm 2011 đạt trên 9,2 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước; nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP và chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Năm 2012, nông nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng của năm 2011 với giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước ước tăng 3,4%, trong đó: nông nghiệp tăng 2,8%, lâm nghiệp 6,4%, thủy sản 4,5%. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành (GDP) đạt 2,7%.

Đặc biệt, năm 2012 chứng kiến sự thành công của xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm, thủy sản với 8 mặt hàng lọt vào “Câu lạc bộ 1 tỷ USD”, trong đó có 3 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD trở lên là: gạo, cà phê và đồ gỗ. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Ngành đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm trước.

Cùng với xuất khẩu, ngành Nông nghiệp cũng đạt được nhiều kết quả khích lệ trên các mặt trận sản xuất, phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Sản lượng lúa cả năm đạt mức kỷ lục với 43,7 triệu tấn. Công tác thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và tác động mạnh đến sản xuất. Nhiều phong trào, mô hình tốt như “Cánh đồng mẫu lớn”, “Cơ giới hóa trong nông nghiệp” cũng được các địa phương tích cực triển khai đạt hiệu quả cao.

Song, vẫn còn nhiều hạn chế

Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là, tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất (lao động, vốn, vật tư) và bóc lột đất đai. Sản xuất nông nghiệp đã và đang có dấu hiệu gây tác động tiêu cực đến môi trường, như: mất đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, đất đai bị bạc màu, thoái hóa do hóa chất, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. Vì vậy, chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm trong giai đoạn tới.

Trong tương lai, nguồn lực cho tăng trưởng nông nghiệp sẽ không còn được dồi dào, nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các ngành công nghiệp và dịch vụ khác. Chí phí sản xuất ngày càng cao cũng bắt đầu làm giảm khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam với vị thế nhà sản xuất “chi phí thấp” trên thị trường quốc tế.

"Xây dựng nông thôn mới" là chương trình lớn nhất từ trước đến nay trong ngành Nông nghiệp, nhiều kế hoạch, cơ chế chính sách đã được ban hành, nhưng nhiều nơi vẫn mới dừng lại ở quy hoạch, đề án.

Đặc biệt, nếu nhìn lại tốc độ tăng trưởng của Ngành trong những năm gần đây, sẽ thấy sự giảm sút đáng ngại của nông nghiệp Việt Nam. Tốc độ tăng GDP nông nghiệp giai đoạn 1995 - 2000 đạt 4%/năm, giảm xuống còn 3,83%/năm trong giai đoạn 2001 - 2005 và 3,4%/năm trong giai đoạn 2006-2011. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng có xu hướng giảm, từ 66,35% năm 2000 xuống 57,6% năm 2011 (theo giá thực tế) và 45,6% năm 2000 xuống 38,3% năm 2011 (theo giá so sánh).

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm dần, không tương xứng với sự đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế. Nếu như năm 2000, tỷ trọng đầu tư vào ngành Nông nghiệp chiếm 13,85% tổng đầu tư của xã hội, thì tới năm 2005 chỉ còn 7,5%; năm 2008: 6,45%; năm 2009: 6,26%; năm 2010: 6,2%. Đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp cũng giảm, từ 21,5% năm 2006 xuống 21,3% năm 2010 trong tổng số. Đặc biệt, việc thống kê về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn rất khó bóc tách do có rất nhiều khoản chi cho công nghiệp, kết cấu hạ tầng quốc gia nằm trên địa bàn nông thôn.

Trong khi đó, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp luôn chịu độ rủi ro rất cao (tuy việc bảo hiểm nông nghiệp đã được đặt ra, nhưng mới chỉ ở giai đoạn thí điểm đối với một số loại cây và con) càng khiến các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài dè dặt khi đầu tư. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã giảm đáng kể, từ 8% năm 2001 xuống còn chỉ 1% năm 2010. Đầu tư của tư nhân trong nước chỉ chiếm từ 13-15% tổng số đầu tư mới của mỗi năm.

Hơn nữa, quá trình đổi mới và gia tăng giá trị của ngành Nông nghiệp có dấu hiệu chậm lại.Đối với những loại cây trồng quan trọng, tốc độ tăng năng suất đã chậm lại. Trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh tràn lan đang dẫn tới bất ổn về năng suất và thu nhập. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng có xu hướng giảm, từ 66,35% năm 2000 xuống 58,8% năm 2010 (theo giá thực tế) và 45,6% năm 2000 xuống 38,8% năm 2010 (theo giá so sánh).

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, trong khi hàng hóa thành phẩm được sản xuất ở nước khác và sau đó lại được nhập khẩu trở lại Việt Nam.

Công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn kém phát triển. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, trong khi hàng hóa thành phẩm được sản xuất ở nước khác và sau đó lại được nhập khẩu trở lại Việt Nam. Điều này phản ánh nông dân, doanh nghiệp Việt Nam đang tự làm thất thoát giá trị hàng nông sản trên thị trường quốc tế. Cho tới nay, chỉ có rất ít thương hiệu và chỉ dẫn địa lý nổi tiếng gắn với nông sản Việt Nam. Tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, ruộng đất bị xé lẻ, phần lớn nông hộ có diện tích đất nhỏ, rải rác làm tăng rủi ro, ngăn cản quá trình áp dụng công nghệ tiên tiến, khó bảo quản hàng hóa, tăng chi phí sản xuất, gây phức tạp cho quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, cản trở phát triển hợp tác nông-công do tính rủi ro khi ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản với hàng trăm nông hộ nhỏ, lẻ.

Để nâng “chất” cho nông nghiệp việt Nam

Trong thời gian tới,“ngành Nông nghiệp sẽ phải nâng cao vị thế cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn vệ sinh thực phẩm”, đó là nhấn mạnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Việt Nam. Điều này có thể đạt được thông qua tận dụng tiềm năng và cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng hàng nông sản, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Để làm được điều này, cần triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư vào phát triển nghiên cứu có chọn lọc; tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân nhằm phát huy tài nguyên con người và áp dụng khoa học - công nghệ có hiệu quả. Đây là động lực chính cho tăng trưởng nông nghiệp tương lai, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của nông sản; tăng khả năng cạnh tranh ở trong nước và ngoài nước.

Công nghệ cao là hướng đi duy nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa, khi mà các động lực khác cho phát triển như đất đai, lao động đều bị giới hạn. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không tham gia vào quá trình này e rằng sẽ khó thành công. Tuy nhiên, do nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro cao, phụ thuộc lớn vào vùng nguyên liệu và thời tiết…, nên Đảng và Chính phủ cần rà soát, ban hành đồng bộ các chính sách để thu hút doanh nghiệp về nông thôn.

Thứ hai, có chính sách bảo hộ hợp lý đối vối nông sản trên cơ sở tuân thủ các quy định của WTO cùng các chính sách hỗ trợ khác. Chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp gồm 2 loại: hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu. Nông dân Việt Nam vẫn cần tiếp tục nhận được những hỗ trợ khác để giúp đỡ họ trong phát triển sản xuất nông sản nhằm xóa đói giảm nghèo. Nhà nước cần hỗ trợ mạnh cho các hợp tác xã, hội nông dân để giúp các tổ chức này hoạt động tốt trong vai trò cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu, đào tạo, dạy nghề, cung cấp thông tin, hỗ trợ kinh phí, điều kiện sinh hoạt, buôn bán xuất khẩu nông sản, bảo vệ lợi ích của người nông dân.

Thứ ba, cần xem xét và thực hiện có hiệu quả chính sách dồn điền đổi thửa. Nghiên cứu cho thấy, diện tích ruộng đất bình quân ở Việt Nam chỉ có 0,6 ha/hộ vào loại thấp nhất thế giới. Tình trạng này dẫn đến sản xuất phân tán manh mún, năng suất không cao, không hiệu quả. Chính sách dồn điền đổi thửa cho phép xử lý vấn đề đất đai manh mún, song cần có những tác động hỗ trợ cần thiết của Chính phủ trong tiến trình này và nên tiến hành từng bước tích tụ ruộng đất gắn với phân công lại lao động trong nông thôn, nông nghiệp trên cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình.

Thứ tư, tạo điều kiện cho nông dân, khu vực kinh tế tập thể, doanh nghiệp nông nghiệp mở rộng sản xuất, Nhà nước cũng cần sớm rà soát, điều chỉnh để nâng cao chất lượng tín dụng nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn. Vì hiện nay, tuy đã có chính sách về vấn đề này, nhưng còn chưa đồng bộ, nhiều điểm thiếu hợp lý. Điển hình như Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thì nhiều nông dân sống ở các phường mới được đô thị hóa không được tiếp cận nguồn vốn này, vì Nghị định chỉ quy định cho nông dân ở xã mới được vay vốn. Hoặc, chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp quy định chỉ hỗ trợ nông dân mua các loại máy nông nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa từ 60% trở lên (Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg), nhưng thực tế, nông dân không muốn vay là do các máy móc có tỷ lệ nội địa hóa cao, thì chất lượng lại rất thấp, công suất và độ bền của thiết bị khi vận hành thường không ổn định, dễ gặp trục trặc hơn so với các máy móc nhập ngoại.

 Thứ năm, xây dựng các đô thị ngay bên trong nông thôn để tạo điều kiện cho người nông dân có thể tự tăng được thu nhập và có động lực ở lại làm giàu cho mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Để làm được điều đó, Chính phủ cần xây dựng kết cấu hạ tầng tốt, đào tạo dạy nghề tốt ở nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nhà máy ở nông thôn. Nếu tìm được những ngành nghề có ưu thế để phát triển (phát triển các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp sản xuất vật tư, thiết bị cho nông nghiệp và hàng tiêu dùng cho nông thôn...) cũng sẽ có thể hình thành nhiều đô thị ở nông thôn. Việc này vừa giúp tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, vừa giúp giảm áp lực dân nông thôn đổ dồn vào thành thị theo con đường di cư tự phát.
__________________

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Hữu Đức (2008). Phát triển thị trường nông sản nước ta trong điều kiện gia nhập tổ chức thương mại thế giới,Tạp chí Cộng sản, số 788 tháng 6, trang 60-64, 2008.

2. Ngân hàng Thế giới (2006). Báo cáo Thúc đẩy công cuộc phát triển nông thôn ở Việt Nam, 2006.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2012). Tài liệu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 2012 và Kế hoạch phát triển năm 2013.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2011). Dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Việt Nam.

5. Nguyễn Hồng Thư (2013). Phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nhật Bản- Kinh nghiệm cho Việt Nam, Trang web của Viện Khoa học, kỹ thuật, công nghệ miền Nam, truy cập tại http://iasvn.org/homepage/Phat-trien-Nong-nghiep,-nong-thon-cua-Nhat-Ban---kinh-nghiem-cho-Viet-Nam-2392.html.