Để người dân được hưởng lợi từ cải cách thủ tục hành chính

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Với quyết tâm “chung tay cải cách hành chính”, các bộ, ngành đều có những nỗ lực trong cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực kiểm soát TTHC, chủ trì triển khai cải cách TTHC trên phạm vi toàn quốc, đồng thời là cơ quan Thường trực của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã có những cải cách TTHC mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tích cực thực hiện cải cách TTHC 

Để nâng cao hoạt động cải cách, kiểm soát TTHC, bên cạnh việc tham mưu, đề xuất giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo các bộ, ngành địa phương quan tâm thực hiện nhiệm vụ về cải cách, kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp đã ban hành 17 văn bản hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách, kiểm soát TTHC. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, công tác kiểm tra việc thực hiện cải cách, kiểm soát TTHC được Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm. Qua 36 cuộc kiểm tra tại 18 bộ, ngành, 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động làm tốt công tác này. Tính đến quý IV/2014, các bộ, ngành đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa 4.219 TTHC trong tổng số 4.712 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa tại 25 nghị quyết chuyên đề năm 2010. Bộ Tư pháp là một trong 5 Bộ hoàn thành 100% phương án đơn giản hóa.
 
Việc kiểm soát TTHC được Bộ Tư pháp quan tâm ngay từ trong dự thảo các văn bản QPPL; tham gia ý kiến, thẩm định văn bản, đề án, đặc biệt là văn bản QPPL có quy định TTHC. Trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 958 TTHC quy định tại 110 dự thảo văn bản QPPL quy định TTHC, trong đó, đề nghị bỏ 108 và sửa đổi 378 TTHC không cần thiết, không hợp lý.
 
Có thể khẳng định rằng, cùng với sự quyết tâm chung của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, Bộ Tư pháp đã có những bước tiến mạnh mẽ về TTHC trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực trợ giúp pháp lý, cải cách, đơn giản hóa các TTHC về công nhận và cấp, cấp lại thẻ cộng tác viên, thủ tục thay đổi, bổ sung hợp đồng cộng tác.
 
Đối với lĩnh vực công chứng, phạm vi công chứng được mở rộng, bên cạnh nhiệm vụ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, Luật Công chứng (sửa đổi) giao lại cho công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại. Bên cạnh đó, công chứng viên cũng được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực nhằm mở rộng sự lựa chọn của người dân và giảm tải công việc cho UBND cấp huyện, cấp xã.
 
Một trong những lĩnh vực được cắt giảm khá nhiều thủ tục đó là lĩnh vực hành chính - tư pháp. Luật Hộ tịch được xây dựng trên tinh thần cải cách TTHC theo hướng cung cấp số định danh cá nhân và xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Cùng với việc đổi mới về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch, Luật Hộ tịch có những quy định nhằm cắt giảm TTHC trong đăng ký hộ tịch (từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục) và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch theo yêu cầu. Luật cũng giao UBND cấp huyện đăng ký các việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ 14 tuổi trở lên, xác định lại dân tộc là nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, khắc phục tình trạng lợi dụng việc đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước hoặc trục lợi; khắc phục sự chồng chéo, bất cập khi cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch như hiện nay; tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân khi yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện cải cách, kiểm soát TTHC 

Để nâng cao cải cách và kiểm soát TTHC, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, giải pháp chủ yếu trong năm 2015 là tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ kiểm soát TTHC cho đội ngũ chuyên trách; thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện công bố, công khai và niêm yết TTHC tại nơi giải quyết TTHC; thường xuyên nắm bắt tình hình, kết quả giải quyết TTHC để có những kiến nghị kịp thời với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, cần phải thẩm định kỹ các dự án, dự thảo văn bản QPPL có quy định về TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện cải cách, kiểm soát TTHC. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan khi thực hiện thẩm định, thẩm tra văn bản QPPL có quy định về TTHC, bảo đảm chỉ ban hành những TTHC cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC, giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.
 
Là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, TTHC liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, đây cũng là lĩnh vực rất khó làm, phức tạp, có nhiều đụng chạm, đổi mới đã khó, cải cách còn khó hơn. Ghi nhận Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo động lực phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Song phó thủ tướng cũng rất thẳng thắn, kiểm soát và cải cách TTHC hiện còn nhiều hạn chế, TTHC trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, là lực cản đối với sự phát triển, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, đến người dân.
 
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC cũng như các nhiệm vụ liên quan đến cải cách TTHC, phó thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tiếp tục coi nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng đến công tác đơn giản hóa, công khai, minh bạch TTHC, bảo đảm giải quyết kịp thời thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra.
 
Đơn giản hóa các TTHC là cần thiết, song điều mà người dân, doanh nghiệp mong muốn có được là lợi ích thực sự từ việc đơn giản hóa, công khai, minh bạch các TTHC chứ không chỉ là việc cắt giảm các TTHC một cách đơn thuần.