Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt xe máy

Theo VnExpress.net

(Tài chính) Theo các nhà đầu tư nước ngoài, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xe máy dung tích trên 125cc sẽ làm hạn chế sự phát triển của ngành.

 Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt xe máy
Áp thuế tiêu thụ xe máy dung tích trên 125cc đang gây áp lực cho nhà sản xuất. Nguồn: internet

Theo Quyết định 356 về quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng Việt Nam còn nhiều hạn chế, Chính phủ sẽ thực hiện khống chế lượng xe máy trên cả nước qua các biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật. Dự kiến đến năm 2020, lượng xe máy trên cả nước dừng ở 36 triệu chiếc.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về lượng xe máy lưu hành trên thị trường Việt Nam, song theo các nhà đầu tư nước ngoài, việc đề ra giới hạn đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp. "Vấn đề này ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh hiện tại và các kế hoạch đầu tư trong tương lai", nhóm công tác ôtô xe máy cho biết tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2013 ngày 3/12.

Trước đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Honda Việt Nam - đơn vị nắm thị phần xe máy lớn nhất cả nước cho biết năm 2012, lần đầu tiên lượng tiêu thụ xe máy giảm trong hơn một thập kỷ qua. Lượng tiêu thụ của 5 hãng lớn nhất chỉ đạt hơn 3,1 chiếc, giảm gần 7% so với năm 2011.

Với việc người dân Việt Nam coi xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu, đại diện nhóm công tác ôtô xe máy đề xuất Chính phủ cần công khai minh bạch, kịp thời và thường xuyên số liệu của ngành công nghiệp xe máy và những kế hoạch cần thiết để thị trường chạm ngưỡng 36 triệu xe. "Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể đưa ra các kế hoạch và hoạt động kinh doanh phù hợp", nhóm bày tỏ.

Ngoài ra, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt đang áp thuế suất 20% với xe máy dung tích 125cc trở lên cũng tạo áp lực với các nhà sản xuất, nên các nhà sản xuất kiến nghị không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này.

Trong khi đó, với ngành công nghiệp ôtô, dù đến nay đã có hơn 20 doanh nghiệp tham gia thị trường với 40 thương hiệu, song tăng trưởng toàn ngành vẫn không đạt mức mong muốn. Tổng sản lượng toàn ngành năm 2013 đạt khoảng 100.000 chiếc, trong đó 80% là nhập khẩu linh kiện về lắp ráp trong nước (CKD). Năng lực sản xuất toàn ngành thực tế chỉ xấp xỉ 20% trên tổng công suất.

"Thực tế này làm nhà đầu tư lo lắng, thậm chí đặt dấu hỏi về khả năng đầu tư mới trong tương lai", nhóm ôtô xe máy quan ngại.

Do vậy, nhóm đề xuất Chính phủ cần có sự ổn định, nhất quán trong chính sách để thu hút và tạo lòng tin cho người tiêu dùng cũng như nhà đầu tư, tránh việc nhiễu thông tin như thời gian qua, đặc biệt là về thuế. 

Với dự án xe chiến lược được nêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành ôtô đang được Bộ Công Thương xây dựng, nhóm cho rằng điều này sẽ làm tính cạnh tranh của hầu hết các thương hiệu trên thị trường hoặc các hãng chỉ tập trung làm xe chiến lược, dẫn tới thị trường Việt Nam nguy cơ chỉ còn vài mẫu xe.

"Chúng tôi tôn trọng chủ trương này nhưng cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc sự phù hợp của các tiêu chí, thời gian bắt đầu áp dụng và những nội dung khác về dự án xe chiến lược. Song, mong muốn Chính phủ chia sẻ thông tin phân tích về rủi ro, lợi ích của chính sách này một cách minh bạch với doanh nghiệp trước khi thông qua, triển khai áp dụng", nhóm cho hay.

Trước vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu kỹ quy hoạch phát triển ngành ôtô, trong đó có đề cập đến vấn đề mà nhóm đặt ra.