Nhìn từ cơ chế tài chính và cơ cấu nguồn lực tài chính

Những năm gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu về mở rộng cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhu cầu nguồn lực tài chính đầu tư cho ngành Giáo dục đào tạo nói chung và cho các trường đại học, cao đẳng công lập nói riêng ngày càng lớn. Năm 2007, Nhà nước đã tiến hành tăng định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho lĩnh vực này, thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Chính phủ với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, do biến động của lạm phát, tính đến thời điểm này, định mức phân bổ ngân sách nói trên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các trường. Đặc biệt, do nhu cầu học tập và quy mô học sinh, sinh viên ngày càng tăng, đòi hỏi phải không ngừng đầu tư lớn thì mức chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước (NSNN) chưa đáp ứng được yêu cầu về nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập.

Thêm một nguyên nhân khiến nguồn lực nhà nước đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng công lập chưa phát huy hiệu quả cao nhất còn xuất phát từ cách phân bổ ngân sách mà chúng ta xây dựng lâu nay. Hệ thống định mức phân bổ còn mang tính bình quân cho các ngành nghề đào tạo và các vùng, miền khác nhau trong cả nước. Việc xây dựng định mức dựa chủ yếu vào tiêu chí dân số trong độ tuổi đến trường. Như vậy, các tiêu chí được áp dụng khi xác định định mức này chưa gắn chặt với các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo (về giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất cho giảng dạy và học tập).  Hiện nay, nguồn NSNN chi cho giáo dục đào tạo được phân cấp như sau: các địa phương quản lý 74% NSNN chi cho giáo dục hàng năm, các bộ, ngành là 21%, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 5%. Các địa phương, bộ, ngành chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo về tình hình và hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm hạn chế việc đánh giá chi ngân sách cho giáo dục nói chung và đối với các trường cao đẳng, đại học công lập nói riêng.

Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn ngân sách chi thường xuyên, các trường đã đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự cân đối để đảm bảo hoạt động bằng nguồn thu sự nghiệp. Tuy nhiên, mức độ tự chủ của các trường còn thấp và không đồng đều do đặc thù của ngành nghề đào tạo khác nhau. Cụ thể, khi thực hiện quyền tự chủ về tài chính, chỉ có các trường đại học khối kinh tế, luật… là có khả năng tự bảo đảm trên 50% mức chi từ các nguồn thu sự nghiệp ngoài NSNN, số trường đại học khác chỉ bảo đảm dưới 50% mức chi. Thực tế có rất ít trường đại học, cao đẳng công lập vay tín dụng ngân hàng để mở rộng và nâng cao dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học cho đơn vị. Các nguồn tài trợ, viện trợ chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng số kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị và chưa được theo dõi, quản lý chặt chẽ theo yêu cầu công tác quản lý tài chính. Nguyên nhân chính là các trường chưa có chiến lược, kế hoạch và phương thức phù hợp để khai thác và mở rộng các nguồn tài chính.

Thực tế, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính đối với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập thời gian  qua chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Đó là do mức thu học phí còn thấp nên không có đủ nguồn lực để bổ sung thu nhập cho giáo viên, tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất giảng dạy và học tập để cải thiện chất lượng đào tạo. Các cơ sở giáo dục đại học không có đủ nguồn để cải thiện thu nhập cho giảng viên từ nguồn học phí chính quy, không thu hút và giữ được những giảng viên có trình độ tham gia giảng dạy. Các giảng viên đại học không có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp sư phạm... làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực.

Cơ chế chính sách đối với việc thực hiện tự chủ tài chính trong các trường đại học, cao đẳng công lập còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số tiêu chuẩn, định mức về giờ giảng, chế độ thanh toán ngoài giờ... chậm được đổi mới. Bên cạnh nguyên nhân từ cơ chế quản lý của Nhà nước thì bản thân nhiều cơ sở đào tạo cũng thiếu sự chủ động trong các hoạt động của mình. Một số đơn vị khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ còn mang nặng tính hình thức, các quy định về mức chi chưa rõ ràng nên làm giảm tính minh bạch và hiệu quả của việc kiểm soát chi tiêu nội bộ.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, tăng mức đầu tư, hướng dẫn việc đẩy mạnh tự chủ, tạo điều kiện cho các trường tạo lập nguồn tài chính qua cơ chế tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, cần chi tiết hoá chế độ chính sách ưu đãi về miễn, giảm học phí ở các trường cao đẳng, đại học công lập; xem xét việc có nên tiếp tục miễn toàn bộ học phí đối với sinh viên ngành sư phạm hay không do rất khó kiểm soát được việc quản lý các sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này. Nhà nước cũng cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống đào tạo cao đẳng, đại học công lập để tránh sự phát triển chồng chéo, thiếu đồng bộ.

Thứ hai, các cơ quan quản lý ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo từ Trung ương đến địa phương và các bộ, ngành cần xem xét, thay đổi việc quản lý ngân sách theo phương thức đầu vào truyền thống. Tuy cơ chế này có ưu điểm là kiểm soát chặt chẽ các khoản mục chi tiêu, nhưng nó lại làm hạn chế tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của các trường. Đặc biệt, cơ chế kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động tạo lập, phân phối và sử dụng nguồn lực còn chưa chặt chẽ khi mới chỉ chú trọng tới kiểm soát tính mục đích của hoạt động chi tiêu, chưa đánh giá được hiệu quả của các hoạt động về mặt kinh tế và xã hội. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ NSNN cho các trường đại học, cao đẳng công lập của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực không phải là ít.

Thứ ba, các trường phải tăng tính chủ động trong việc tìm kiếm, huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, thu hút nhân tài, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, trong điều kiện Nhà nước sẽ không tăng chi cho giáo dục đào tạo mà Chính phủ chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá.

Thứ tư, cần đổi mới quan điểm về học phí và mức thu học phí. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, học phí là một nguồn thu hết sức quan trọng, là nguồn lực tài chính cơ bản để duy trì hoạt động và phát triển. Chủ trương Nhà nước hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập, hỗ trợ cho người học, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội nên học phí chưa được xác định là giá dịch vụ đào tạo mà chỉ là sự chia sẻ chi phí giữa người học với cơ sở đào tạo công lập. Bởi vậy, học phí mới đáp ứng một phần chi phí cần thiết để cung cấp dịch vụ đào tạo đại học, nên chưa tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng công tác đào tạo. Duy trì mức học phí thấp cũng chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học công lập phải xé rào, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu. Bởi vậy, cần thay đổi quan điểm về học phí để tăng thu học phí với những mức “trần” mới, giúp gỡ khó cho các đơn vị đào tạo.Việc tăng mức thu học phí cần căn cứ khả năng chi trả của người dân ở các khu đô thị khá lớn, dựa trên chính sách cải cách tiền lương trong giai đoạn vừa qua.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết đào tạo để tăng cường xã hội hoá giáo dục. Cần rút ngắn thời gian thẩm định các dự án FDI trong giáo dục đại học, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, tháo gỡ những khó khăn về đất đai, có chính sách khuyến khích các trường khai thác nguồn thu từ hoạt động trên để tăng tính tự chủ tài chính và nâng cao chất lượng đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

1. Kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị;

2. “Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009 - 2014”, Bộ Giáo dục và Đào tạo - 2009;

3. Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ban hành ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ,tổ chức bộ máy,biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

4. Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2010 quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015).

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 11-2012

Đề xuất về cơ chế tài chính đối với các trường cao đẳng, đại học công lập

ThS. Bùi Phụ Anh - Trường Đại học Tài chính - Kế toán

(Tài chính) Khai thác hợp lý các nguồn lực tài chính, phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo theo chủ trương xã hội hoá của Đảng và Nhà nước ta là nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học, cao đẳng công lập ở Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát thực trạng cơ chế, chính sách tài chính và cơ cấu nguồn lực tài chính đầu tư cho các trường thuộc khu vực này, bài viết nêu lên một số tồn tại vướng mắc và đề xuất kiến nghị để mục tiêu trên đạt hiệu quả cao hơn.

Xem thêm

Video nổi bật