Để y tế góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Y tế là một nội dung quan trọng của lĩnh vực xã hội, mà phát triển xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tăng trưởng kinh tế. Về mặt này, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn một số vấn đề đáng chú ý.

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG NGÀNH Y TẾ TỪ NĂM 2013 ĐẾN NĂM 2005 (%)

 Để y tế góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê
1- Không tính số giường bệnh của trạm y tế xã/phường/thị trấn, cơ quan, xí nghiệp

Kết quả đạt được về y tế thể hiện trên nhiều mặt.

Rõ nhất là cơ sở vật chất của ngành Y tế đã tăng với tốc độ khá, cả về số bệnh viện, số giường bệnh, số giường bệnh/vạn dân. Phương tiện khám chữa bệnh đã được cải thiện một bước quan trọng, với nhiều chủng loại trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến. Số giường bệnh cũng tăng với tốc độ khá. Số giường bệnh bình quân/10.000 dân đã tăng tương đối cao.

Lực lượng cán bộ y tế tăng khá về số lượng bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh, dược sĩ cao cấp, trung cấp, dược tá và số bác sĩ bình quân/10.000 dân.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khám chữa bệnh đạt được kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh, kết nối thông tin, báo cáo và quản lý.

Bên cạnh hệ thống y tế công lập đã xuất hiện các cơ sở y tế ngoài công lập,vừa góp phần khai thác các nguồn lực của xã hội, vừa góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Những kết quả do ngành Y tế góp phần mang lại cũng thể hiện trên nhiều mặt đời sống xã hội.

Tốc độ tăng dân số đã giảm tương đối nhanh. So với năm 2005, tỷ suất sinh đã giảm từ 1,86% xuống còn 1,71% năm 2013. Tỷ lệ tăng tự nhiên giảm từ 1,33% xuống còn 1,05%, thuộc loại thấp so với các nước ở châu Á. Tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,11 (con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) xuống còn 2,1- tức là ở mức sinh thay thế. Đây là một trong những yếu tố góp phần đưa Việt Nam bước vào thời kỳ có “cơ cấu dân số vàng”.

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 1,78% xuống còn 1,53%. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 2,66% xuống còn 2,3%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng về cân nặng và chiều cao của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm tương đối nhanh: Tỷ lệ suy dinh dưỡng hiện chỉ còn bằng một phần ba, tỷ lệ suy dinh dưỡng về chiều cao hiện chỉ còn bằng một nửa cách đây vài chục năm. Tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh đã tăng từ 72,2 tuổi lên 73,1 tuổi, cao hơn mức 71 tuổi của khu vực Đông Nam Á (và đứng thứ 5/11 khu vực này); cao hơn mức 70 tuổi của châu Á (và đứng thứ 25/51); cao hơn mức 70 tuổi của thế giới (và đứng thứ 95/210). Tỷ lệ bà mẹ tử vong do thai sản của Việt Nam cũng giảm nhanh và hiện thuộc loại thấp so với nhiều nước. Tỷ lệ tiêm chủng trẻ em đạt loại cao; nhiều loại bệnh của trẻ em đã không còn xảy ra.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ của Việt Nam đạt 94,7%. Thứ bậc chỉ số về tuổi thọ và chỉ số về học vấn của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới, đã góp phần đưa thứ bậc về chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn thứ bậc về GDP bình quân đầu người.

Tỷ lệ dân số thực hiện bảo hiểm y tế đạt khá cao và đang hướng tới chế độ bảo hiểm toàn dân. Trẻ em dưới 6 tuổi chữa bệnh không mất tiền; người nghèo được bảo hiểm y tế…

Tuy nhiên, lĩnh vực y tế dù đạt được những kết quả như trên, nhưng cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết.

Về cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có khó khăn về hai phía. Tuyến trên thì còn quá thiếu số giường bệnh, tuyến dưới thì vừa thiếu phương tiện khám chữa bệnh hiện đại, vừa thiếu thầy thuốc giỏi. Đây là khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay. Giải quyết khó khăn, thách thức này đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ giữa vốn đầu tư với cơ chế của Nhà nước. Nếu không thì khó khăn lớn nhất hiện nay là “quá tải” sẽ không những không giảm mà còn tăng lên.

Về đội ngũ cán bộ y tế tuy tăng khá, nhưng hiện vẫn còn hai điểm đáng lưu ý.  Mức bình quân 10.000 dân vẫn còn ít. Trình độ chuyên môn và y đức của một số nhân lực y tế còn thấp.

Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước từ lâu đã được đề thành mục tiêu (40%) thì đến nay vẫn chưa đạt được; giá thuốc, nhất là giá thuốc nhập ngoại quản lý chưa tốt. Tăng dân số được thực hiện tốt, nhưng chất lượng dân số (nhất là cân bằng giới tính) còn hạn chế...