Đi tìm thương hiệu xuất khẩu cho nông sản Việt Nam

Trang Trần

Nông sản xuất khẩu được nhận định là thế mạnh của Việt Nam với nhiều mặt hàng có khối lượng xuất khẩu vào Top đầu trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề thương hiệu nông sản xuất khẩu của Việt Nam ở đâu luôn là câu hỏi nhức nhối trong thời gian qua.

Nông sản xuất khẩu được nhận định là thế mạnh của Việt Nam. Nguồn: internet
Nông sản xuất khẩu được nhận định là thế mạnh của Việt Nam. Nguồn: internet

Chưa có chỗ đứng

Con số xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam tăng liên tục hàng năm, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng đến cả các nước có thị trường khó tính. Tuy nhiên những kết quả này chưa xứng với tiềm năng khi rất ít nông sản Việt Nam được quốc tế biết đến và xây dựng thương hiệu cho nông sản vẫn đang là một thách thức. Đây là bất lợi lớn cho nông sản hàng hóa của Việt Nam khi xuất ra nước ngoài.

Mặc dù Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới về nông sản như gạo, cà phê, thủy sản, hạt điều, tiêu… nhưng nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô. Do đó, giá nông sản xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn nông sản cùng loại xuất xứ từ các nước khác. Hiện nay, Việt Nam có tới 90% nông sản xuất khẩu phải mang thương hiệu nước khác. Điều nay làm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản giảm đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Nguyên nhân của tình trạng trên được các chuyên gia lý giải do mỗi liên kết giữa các bên trong quá trình thu mua, xuất khẩu nông sản chưa chặt chẽ. Doanh nghiệp thu gom sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không đồng đều; chuỗi cung ứng còn nhiều khâu trung gian dẫn đến giá trị nông sản ở trang trại thấp. Bên cạnh đó, nông sản Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát... Khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường… cũng là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Xây dựng thương hiệu riêng

Bàn về việc khắc phục khó khăn và xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam, một chuyên gia đã từng chia sẻ: “Sẽ không thể thành công nếu chỉ bán cái chúng ta có mà không bán cái mà thị trường cần”. Do vậy, trước hết, Việt Nam cần hạn chế tối đa xuất khẩu nông sản dạng thô, đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản tinh chế.

Để làm được điều này, trước hết, cần tổ chức sản xuất một cách bài bản, hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng cao, đồng đều, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất nông sản xuất khẩu. Đặc biệt, cần chú ý đến triển khai xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng tính độc quyền sản phẩm và đa dạng giống mới.

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản xuất khẩu cần đến của “bốn nhà”. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quan trọng là hoạch định chính sách, với những quy định của pháp luật và bảo vệ thương hiệu để hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu Việt; Các nhà khoa học sẽ tạo ra những giống mới, đưa vào những quy trình sản xuất, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, hay bảo quản chế biến nông sản; Người nông dân là nhân tố quan trọng tạo ra sản phẩm thôn; Vai trò của doanh nghiệp là đặc biệt quan trong khi gắn kết đầu ra của xuất khẩu với thị trường trong nước.

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải là người xây dựng thương hiệu chứ không phải Nhà nước, hay nông dân. Theo đó, doanh nghiệp phải chủ động tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Trước mắt, cần định hướng lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu. Các mặt hàng này phải đáp ứng được các yếu tố chính như: khối lượng đủ lớn và ổn định; chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giá bán cạnh tranh; tổ chức kênh phân phối bảo đảm lợi ích hài hòa, hợp lý với tất cả các chủ thể tham gia.

Việc khẳng định các thương hiệu nông sản mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai phá, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho nông sản Việt và nông nghiệp Việt Nam có vị thế trên thương trường quốc tế.