Dịch vụ tài chính kích hoạt đô thị thông minh

Theo Ths. Phạm Xuân Hoè - Ths. Lê Phú Lộc/Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam/reatimes.vn

Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã và đang là công cụ đắc lực phục vụ cho sự vận hành của nền kinh tế, hoạt động của các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp và mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Một đô thị thông minh phải đi kèm với các dịch vụ ngân hàng thông minh.

Một đô thị thông minh phải đi kèm với các dịch vụ ngân hàng thông minh. Nguồn: internet
Một đô thị thông minh phải đi kèm với các dịch vụ ngân hàng thông minh. Nguồn: internet

Sự cần thiết phải xây dựng các khu đô thị thông minh ở Việt Nam

Theo quan điểm của Peter Sany, Giám đốc điều hành TM Forum (Hiệp hội thành viên toàn cầu về kinh doanh kỹ thuật số) “Thành phố/Khu đô thị thông minh là nơi mà công nghệ trở nên sống động”. Trong thành phố/khu đô thị thông minh, công nghệ kết nối công dân, doanh nghiệp với chính quyền và với nhau, do đó loại bỏ sự phân tán thông tin và giảm thiểu các tác động tiêu cực thông qua phân bổ nguồn lực thông minh.

Một thành phố thông minh và bền vững là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị cũng như khả năng cạnh tranh, đồng thời đảm bảo rằng nó đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội, môi trường.

Sau hơn 30 năm thực hiện Đổi mới, Việt Nam đã có tốc độ đô thị hóa nhanh với số lượng đô thị tăng từ 629 đô thị năm 1999 lên 774 đô thị năm 2014. Năm 2014, khu vực đô thị chiếm 10,26% diện tích đất tự nhiên cả nước, khoảng 33,6% dân số, song đóng góp khoảng 60% GDP cả nước và 70% tổng thu ngân sách toàn quốc. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự tính sẽ đạt 50% vào năm 2025.

Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam (%)

Dịch vụ tài chính kích hoạt đô thị thông minh  - Ảnh 1

Nguồn: Bộ Xây dựng

Với tỷ lệ đô thị hóa cao như hiện nay, chính phủ cần giải quyết hiệu quả 04 vấn đề sau của đô thị, đó là:

(i) Đô thị hóa tăng (dân số đô thị tăng, số đô thị tăng) kèm theo đó và các vấn đề của đô thị tăng lên như các vấn đề về môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…(ii) Cơ sở hạ tầng trở nên lạc hâu, quá tải (điện, nước, giao thông)

(iii) Cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng cao

(iv) Đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng lên (giáo dục, y tế, dịch vụ tiện ích…)
Theo Cẩm nang xây dựng thành phố thông minh của Hội đồng thành phố thông minh Mỹ (2014), quá trình xây dựng khu đô thị thông minh sẽ gặp phải những cản trở chính sau:

(i) Cơ cấu quản lý, phương thức quản lý đô thị tách rời, cục bộ, không liên kết, không chia sẻ, thiếu hợp tác giữa các bên.

(ii) Thiếu kinh phí hoạt động.

(iii) Năng lực của ngành CNTT – Truyền thông hạn chế, lạc hậu.

(iv) Người dân chưa quan tâm tham gia, phát huy lợi ích của đô thị thông minh.

(v) Thiếu lãnh đạo có tầm nhìn để phát triển đô thị thông minh.

Do vậy, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu để đưa ra những định hướng phát triển đô thị hoặc cao hơn là xây dựng các chiến lược phát triển đô thị thông minh trong dài hạn để có những chủ trương, chính sách đúng đắn và thống nhất hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam. 

Ứng dụng trong phát triển dịch vụ tài chính thông minh 

Việt Nam đang có những bước tiếp cận nhanh chóng với CMCN 4.0 khi cuộc cách mạng này được dự đoán sẽ đem lại những cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đón nhận những tiến bộ khoa học công nghệ, những thông tin, tri thức, các dịch vụ tiên tiến... của các quốc gia đi trước.

Ngày 04/05/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về việc phát triển các khu đô thị thông minh, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển các loại công nghệ số, phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển…

Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ thị cũng đưa ra giải pháp về việc xây dựng thí điểm mô hình thành phố thông minh.

Ngành ngân hàng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào trong các hoạt động và cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích cho nền kinh tế. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã và đang là công cụ đắc lực phục vụ cho sự vận hành của nền kinh tế, hoạt động của các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp và mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Một đô thị thông minh phải đi kèm với các dịch vụ ngân hàng thông minh.

Dịch vụ ngân hàng thông minh là những sản phẩm dịch vụ được thiết kế, cung ứng cho khách hàng dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại (có thể ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, của công nghệ Big data, Blockchain), được kết nối hoàn toàn trên internet, người tiêu dùng có thể sử dụng trên các phương tiện cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính PC, Ipad để truy cập và sử dụng nhằm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí phải trả và đem lại những quả tốt hơn

Dựa trên những nghiên cứu, phân tích về các công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0, chúng tôi thấy rằng ba công nghệ gồm điện toán đám mây, dữ liệu lớn và khối chuỗi (blockchain) sẽ có tiềm năng ứng dụng đối với việc xây dựng mô hình đô thị thông minh ở Việt Nam nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung. Những lợi ích tiềm năng mà các công nghệ này mang lại có thể ứng dụng phát triển dịch vụ tài chính thông minh ở các khu đô thị như sau:

Thứ nhất, tạo ra cơ sở dữ liệu lớn về dân cư, doanh nghiệp, tổ chức tích hợp nhiều thông tin. Công nghệ Dữ liệu lớn (big data) cho phép người sử dụng lưu trữ một lượng dữ liệu rất lớn gồm nhiều định dạng thông tin khác nhau như số liệu, hình ảnh, âm thanh.

Điện toán đám mây đưa ra những công cụ xử lý, khai thác số liệu chính xác, an toàn và hiệu quả. Điều này cho phép các cơ quan của chính phủ, chính quyền địa phương có thể tạo ra cơ sở dữ liệu lữu trữ thông tin dân cư, doanh nghiệp, tổ chức gồm các thông tin về lý lịch tư pháp công dân và doanh nghiệp, quyền sở hữu tài sản, nghĩa vụ đóng thuế, thu nhập…

Đây là dữ liệu quan trọng của cơ quan chính quyền cung ứng cho tổ chức cá nhân theo đúng nghĩa dịch vụ công và chính phủ điện tử. Cơ sở thông tin này được thiết kế định dạng chuẩn hóa theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Từ đó các đơn vị liên quan có thể truy cập và khai thác dữ liệu một cách hiệu quả, nhanh chóng và tiết kiệm tùy vào mục đích sử dụng và thẩm quyền của bên khai thác dữ liệu.

Ví dụ các ngân hàng khi quyết định cho vay đối với các cá nhân và doanh nghiệp có thể được phép truy xuất thông tin (khi cơ quan thẩm quyền cấp User) về lý lịch tư pháp, quyền sở hữu tài sản được sử dụng làm tài sản đảm bảo khi vay vốn ngân hàng để chứng minh tính pháp lý, năng lực tài chính, quyền sở hữu của cá nhân/doanh nghiệp.

Đồng thời hệ thống cho phép việc kết nối công chứng các giấy tờ liên quan, đăng ký giao dịch bảo đảm trong quá trình vay vốn, tạo hành lang pháp lý cao, sự an toàn trong thẩm định khoản vay và tiết kiệm thời gian và chi phí.

Thứ hai, tăng cường tính an toàn, hiệu quả và minh bạch về thông tin. Các công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 là những công nghệ hiện đại và có tính an toàn, bảo mật cao cho người dùng. Các công nghệ này kỳ vọng sẽ xử lý được những hạn chế của các công nghệ trước đây về việc giới hạn dung lượng (không bị tắc ngẽn mạng), các đơn vị tham gia xử lý, lượng người truy cập, các lỗi xảy ra trong quá trình xử lý, hạn chế được sự tấn công từ bên ngoài của tin tặc.

Đặc biệt các dịch vụ tài chính ngân hàng thông minh thiết kế trên nền tảng công nghệ Blockchain thì khả năng của khối chuỗi này rất an toàn, khó bị tấn công, theo chuyên gia về IT thì khoảng 100 nữa may ra mới có thể có thuật toán xâm nhập, phá được khối chuỗi mà Blockchain tạo ra…

Thứ ba, kiểm soát được những sai sót trong quá trình vận hành xử lý thông tin đầu vào. Với đặc tính là một cuốn sổ cái lưu trữ dữ liệu, công nghệ Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu. Tức là một khi dữ liệu đã được ghi thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Do vậy Blochchain có tiềm năng ứng dụng trong những lĩnh vực khác nhau của đô thị thông minh như lưu trữ hồ sơ tại các trường học, bệnh viện và các giao dịch ngân hàng. Là phương thức giao dịch có khả năng chia sẻ, lập trình, mã hóa an toàn và tạo ra sự tin tưởng, Blockchain tiềm năng có thể giúp xóa bỏ tất cả sự sai sót về thông tin trong quá trình vận hành, tránh việc giả mạo, sửa chữa thông tin do tất cả thông tin liên quan đều đã được mã hóa và lưu lại trên hệ thống. Các nhà quản lý có thể dễ dàng xem xét, chiết xuất để tìm ra sai sót về thông tin khi cần thiết.

Đây chính là nền tảng các giao dịch ngân hàng thông minh được lưu trữ trên cuốn sổ cái này đầy đủ, xác thực, không bị tẩy xóa sửa chữa, lòng tin giữa các bên được bảo đảm, việc xử lý tranh chấp bởi tóa sán, hay trọng tài kinh tế đều được truy xuất nguyên trạng nguồn gốc mọi giao dịch…

Tóm lại, chúng ta đang đứng trước một kỷ nguyên mới về công nghệ - kỷ nguyên của CMCN 4.0 đang tác động to lớn đến sự phát triển của tất cả các quốc gia, các ngành và lĩnh vực. Nhiệm vụ tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 của Việt Nam đã được Chính phủ đặt ra cho nhiều Bộ, ngành và địa phương trong đó có việc thí điểm xây dựng mô hình đô thị thông minh.

Việc nghiên cứu và đưa ra lộ trình ứng dụng các giải pháp công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 đặt ra cho các tỉnh thành phố cầm sớm xây dựng chiến lược ngay từ đầu về xây dựng cở sở hạ tầng CNTT cho các khu đô thị thông minh nhằm lan tỏa, kết nối cung ứng dịch vụ công, dịch vụ thương mại, hay dịch vụ ngân hàng thông minh.