Điểm cộng cho môi trường kinh doanh Việt Nam

Theo Baodautu.vn

Sự xuất hiện của Hệ thống quy định điện tử (E-regulations) Việt Nam với cách tiếp cận từ người dùng đang cộng thêm khá nhiều điểm cho môi trường kinh doanh - đầu tư Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhà đầu tư chấm điểm

Ông Phan Khắc Nghiêm, Luật sư Văn phòng Luật sư Minh Long là một trong những người hưởng lợi trực tiếp từ E-regulations Việt Nam. Là luật sư tư vấn về thủ tục đầu tư, ông không lạ gì các phức tạp trong thủ tục hành chính, đặc biệt là trong quá trình hoàn tất hồ sơ liên quan đến thành lập doanh nghiệp

có thuê đất của nhà đầu tư nước ngoài.

Thậm chí, ông Nghiêm thẳng thắn chia sẻ thực tế là bản thân ông chưa làm được bộ hồ sơ nào mà không phải chỉnh sửa vì thủ tục ở các địa phương khác nhau cũng rất khác nhau, cho dù cùng chung căn cứ pháp lý. “Việc minh bạch hóa quy trình, thủ tục, chi phí… sẽ rất thuận tiện cho chúng tôi khi làm việc với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, chúng tôi cũng như các khách hàng của mình có thể tra cứu ngay các thông tin khi cần”, ông Nghiêm nói.

Thông tin mà nhà đầu tư nước ngoài có thể tra cứu theo hàm ý của ông Nghiêm không chỉ là quy trình, thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, hay điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư một cách chung chung. Nhà đầu tư có thể tra cứu thông tin về quy trình, thủ tục theo từng bước tại 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Yên, Bình Định.

Thậm chí, tại từng địa phương, nhà đầu tư có được bản mô tả các thủ tục đầu tư vào từng khu công nghiệp, trong các khu công nghệ cao hay ở ngoài khu công nghiệp. Các nội dung cũng được chia rõ cho nhà đầu tư lần đầu và nhà đầu tư hiện hữu.

“Tôi vừa vào Hệ thống E-regulations Việt Nam. Các thủ tục này được chi tiết từng bước từ quan điểm của người sử dụng. Có nghĩa là với mỗi bước, tôi có quyền truy cập các chi tiết liên lạc của người phụ trách cụ thể, biết rõ các hình thức và các yêu cầu, chi phí, thời gian và pháp luật. Nếu tôi phát hiện có sai sót giữa thực tế và các thủ tục trong Hệ thống, tôi có có thể bấm nút "báo cáo thông tin không chính xác" xuất hiện trong mỗi tập tin”, ông Nghiêm chia sẻ trải nghiệm của mình.

Cũng ở góc độ người dùng, ông Lưu Quang Huy (Công ty Luật VCI) chấm điểm cao cho Hệ thống E-regulations Việt Nam, khi ngoài 2 ngôn ngữ chính là tiếng Việt và tiếng Anh, các nhà đầu tư sử dụng các ngôn ngữ khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều có thể lựa chọn phiên bản phù hợp trong danh mục 90 thứ tiếng trên Hệ thống.

“Tôi có thời gian là tham tán thương mại tại Nhật Bản, nên hiểu khá rõ, các nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần những thông tin này như thế nào. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật Bản rất muốn sử dụng ngôn ngữ của mình vì không rành tiếng Anh”, ông Huy nhận định.

Áp lực để thay đổi

Tự xác định là, câu hỏi “hệ thống có đảm bảo những thông tin phản biện của nhà đầu tư được xử lý không” chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng điều mà ông Phạm Ánh Dương, chuyên gia của Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam đặt ra động đến một trong những băn khoăn lớn nhất của các nhà đầu tư khi gặp vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, đó là các vướng mắc có được kịp thời xử lý không và họ có bị làm khó sau đó không.

Chỉ đơn giản là đặt Hệ thống E-regulations Việt Nam vào thời điểm chuyển giao giữa hàng loạt quy định mới và cũ, khi nhiều văn bản luật về đầu tư, kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… vừa có hiệu lực ngày 1/7/2015. Việc cập nhật các quy định, quy trình, thủ tục mới trên Hệ thống sẽ như thế nào và nếu có vướng mắc thì trách nhiệm sẽ được xử lý ra sao.

“Các nhà đầu tư muốn tin rằng, các thủ tục, quy trình cũng như các bước đi trong từng thủ tục được công khai trên Hệ thống là chuẩn và yên tâm theo đúng hướng dẫn đó”, ông Nghiêm cũng chia sẻ quan điểm.

Đây là điều mà các chuyên gia tư vấn xây dựng E-regulations Việt Nam đã tính tới. Thậm chí, ông Frank Gozel, chuyên gia cao cấp của UNCTAD tư vấn nhiều nước xây dựng hệ thống này, còn khẳng định rằng, sẽ có một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các địa phương, cụ thể là 7 tỉnh, thành phố đang tham gia.

Hiện tại, nhìn trên Hệ thống, có sự khác biệt không nhỏ giữa các địa phương khi không chỉ công khai quy trình, thủ tục, mà các bước xử lý công việc tại từng nơi cũng được công khai. Nghĩa là, có sự so sánh từ góc độ nhà đầu tư cũng như chính các địa phương trong các bước thực thi.

Đơn cử, với nhà đầu tư lần đầu, thuê văn phòng ngoài các khu công nghiệp tại Hà Nội phải trải qua 22 bước thủ tục. Trong khi đó, ở Đà Nẵng, số bước là 18, tại TP.HCM là 20 bước… “Các bước này đều được xây dựng trên căn cứ pháp luật chung, nhưng rõ ràng có sự khác biệt. Nếu nhìn vào thời gian thực hiện các bước thì sẽ còn có khác biệt nữa. Các nhà đầu tư có thể so sánh để lựa chọn địa điểm đầu tư mà họ cho là thuận lợi nhất”, ông Frank Gozel phân tích.

Đó là chưa kể từng bước thủ tục đều có tên, địa chỉ và hình ảnh cán bộ phụ trách một cách chi tiết. Rõ ràng, áp lực sẽ rơi vào từng cán bộ cụ thể, chứ không chỉ là chính quyền địa phương trong nỗ lực thêm điểm cho môi trường kinh doanh trong con mắt nhà đầu tư. Kết quả của áp lực này sẽ là sự thay đổi về bản chất tư duy và hành xử của cán bộ công chức với các quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư, thành lập doanh nghiệp.

“Đúng là các địa phương sẽ phải rất nỗ lực để vận hành Hệ thống theo đúng yêu cầu, từ việc tuân thủ các bước thủ tục, thời gian thực hiện đã công bố cũng như việc xử lý các vướng mắc của nhà đầu tư, cập nhật các thông tin mới… Cũng phải khẳng định, khi các địa phương quyết định tham gia Hệ thống E-regulations Việt Nam, các vấn đề này đã được đặt ra. Việc 7 tỉnh, thành phố có mặt trong Hệ thống cũng có nghĩa là nhà đầu tư đã nhận được 7 cam kết chính thức về việc thực hiện các quy trình đã công bố trên Hệ thống”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trao đổi khi nhận được các thắc mắc từ phía nhà đầu tư về Hệ thống.

Cũng phải nhắc tới xếp hạng trong nhóm tốt nhất của E-regulations Việt Nam hiện có trên Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp toàn cầu (www.ger.co), nơi niêm yết và công bố các trang web đăng ký doanh nghiệp chính thống trên toàn thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại châu Á áp dụng Hệ thống E-regulations, cùng với 27 quốc gia khác để đăng tải các thông tin về thủ tục liên quan đến kinh doanh.

Có thể thấy rõ, thứ hạng trên có thể được duy trì hoặc thăng hạng nếu như các cam kết trong thực hiện các bước thủ tục, trước mắt là của 7 địa phương có tên trong Hệ thống E-regulations Việt Nam, được các công chức tuân thủ nghiêm túc và có trách nhiệm. Vì người chấm điểm cho hệ thống này là những nhà đầu tư đang tìm hiểu thủ tục đầu tư tại Việt Nam và cả các nước khác có trong hệ thống chung…