Điểm nhấn tài chính-kinh tế quốc tế nổi bật tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính giới thiệu đến bạn đọc tin tức tài chính - kinh tế nổi bật trên thế giới trong tuần vừa qua (từ 14 - 18/08/2017).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chứng khoán châu Á tăng 0,82 điểm

Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,82 điểm (0,51%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (18/8/2017) so với hôm trước, các chỉ số tăng điểm là Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,29 điểm (0,01%) lên 3.268,72 điểm.

Ở chiều ngược lại, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,3 điểm (-0,14%) xuống 2.358,37 điểm; Hang Seng (Hong Kong) giảm 296,65 điểm (-1,08%) xuống 27.047,57 điểm, S&P/ASX 200 (Australia) giảm 32,1 điểm (-0,56%) xuống 5.747,1 điểm, Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 232,22 điểm (-1,18%) xuống 19.470,41 điểm.

EC quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với các loại thép từ Trung Quốc
Cụ thể, ngày 11/08 vừa qua, Ủy ban châu Âu - EC đã quyết định áp thuế chống bán phá giá mới, từ 17,2 - 28,5% đối với các loại thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, do mặt hàng này của Trung Quốc được hưởng lợi từ các chính sách trợ giá không công bằng.
EC cho rằng việc áp thuế mới sẽ góp phần khôi phục ngành công nghiệp thép của EU đang gặp nhiều khó khăn do thép Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu. Chính sách này sẽ tác động tới ba tập đoàn Shougang, Shagang, Hesteel cùng một số doanh nghiệp xuất khẩu thép khác của Trung Quốc.

7 tháng đầu năm 2017, vốn FDI vào Trung Quốc giảm 1,2%

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, 7 tháng/2017, lượng vốn FDI đầu tư vào Trung Quốc giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2016 xuống còn 485,42 tỷ NDT tương đương 72,79 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn FDI trong lĩnh vực chế tạo công nghệ cao tăng trưởng 8,3% (đạt 37,39 tỷ NDT); lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao tăng 16,8% lên 70,31 tỷ NDT.

Về tình hình Đầu tư trực tiếp phi tài chính ra nước ngoài (ODI) của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2016 xuống còn 57,2 tỷ USD. Tuy nhiên, ODI của Trung Quốc tại các quốc gia nằm trên tuyến “Vành đai và Con đường” vẫn đạt 7,65 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng lượng ODI của nước này, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Anh muốn tiếp tục ở lại liên minh hải quan với EU

Chính phủ Anh cho biết, Anh muốn tiếp tục ở lại liên minh hải quan với EU khoảng 2 - 3 năm (thời kỳ chuyển tiếp) sau khi nước này chính thức rời EU (tháng 3/2019).
Chính phủ Anh cũng đưa ra 2 lựa chọn sau thời kỳ chuyển tiếp, đó là sẽ tạo ra một khuôn khổ đối tác hải quan mới với EU hoặc tạo ra một thỏa thuận hải quan mới. Tuyên bố trên cho thấy quan điểm về một Brexit “mềm” của Chính phủ Anh, qua đó đảm bảo với các doanh nghiệp rằng hoạt động xuất khẩu của Anh trong thời gian tới sẽ không bị ảnh hưởng bởi Brexit.
Dầu dự trữ của Hoa Kỳ trong tuần (07 - 11/8) giảm xuống còn 466,5 triệu thùng
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA, lượng dầu dự trữ của Hoa Kỳ trong tuần (07 - 11/8) giảm 8,95 triệu thùng xuống còn 466,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 01/2016 và là tuần sụt giảm thứ 7 liên tiếp. 
Tuy nhiên, sản lượng dầu của Hoa Kỳ trong tuần tăng lên 9,5 triệu thùng/ngày, cao hơn so với 9,4 triệu thùng/ngày của tuần trước đó. Sản lượng dầu của Hoa Kỳ tăng gần 12% kể từ giữa năm 2016.