Điểm nhấn tài chính-kinh tế quốc tế nổi bật tuần từ 10-14/07/2017

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính giới thiệu đến bạn đọc những thông tin tài chính - kinh tế nổi bật trên thế giới tuần vừa qua (10-14/07/2017).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chứng khoán châu Á tăng 4,7 điểm (3,04%)

Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 4,7 điểm (3,04%). Cụ thể, trong ngày giao dịch cuối tuần (14/7/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số lần lượt là:  Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 4,25 điểm (0,13%) lên 3.222,42 điểm. Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,64 điểm (0,52%) lên 2.411,13 điểm. Hang Seng (Hong Kong) tăng 43,06 điểm (0,16%) lên 26.389,23 điểm. S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,78 điểm (0,01%) lên 5.708,61 điểm. Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 19,05 điểm (0,09%) lên 20.118,86 điểm.

Sản lượng dầu của 13 nước thành viên OPEC đạt 32,47 triệu thùng/ngày

Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC, trong tháng 6/2017, sản lượng dầu của 13 nước thành viên OPEC đạt 32,47 triệu thùng/ngày, cao hơn 330 nghìn thùng/ngày so với tháng 5/2017, do Nigeria và Libya - hai quốc gia được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.

Sản lượng của 11 thành viên (không bao gồm Nigeria và Lybia) là 29,84 triệu thùng/ngày, tương đương mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng đạt 97%, thấp hơn mức trên 100% đạt được trong tháng 5/2017.

Quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng thêm 3 tỷ USD lên 3,057 nghìn tỷ USD
Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC, trong tháng 6/2017, quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng thêm 3 tỷ USD lên 3,057 nghìn tỷ USD - tháng tăng thứ 5 liên tiếp, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với 24 tỷ USD của tháng 5/2017 và 6 tỷ USD (dự báo của Reuters).
Trung Quốc đã thắt chặt các quy định về hoạt động chuyển vốn ra nước ngoài trong những tháng gần đây, với nỗ lực nhằm ổn định đồng NDT và chặn đà giảm sút của kho dự trữ ngoại hối.

19 thành viên của G20 công nhận quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu

Ngày 08/7, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại thành phố Hamburg, Đức. Các nước đã ra tuyên bố chung thể hiện tiếng nói đồng thuận trong các nội dung quan trọng bao gồm thương mại và biến đổi khí hậu. 19 thành viên của G20 công nhận quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn, cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác. Đối với vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có thương mại thiếu công bằng, tuy nhiên cũng dành sự tôn trọng đối với vai trò của các công cụ phòng vệ hợp pháp trong thương mại.

“TPP 11” - đại diện của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhóm họp tại Nhật Bản

Ngày 12 - 14/7, đại diện của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nhóm họp tại Nhật Bản nhằm đạt được một thỏa thuận mà không cần sự tham gia của Hoa Kỳ, được gọi là “TPP 11”.

Hoa Kỳ và 11 nước đối tác đạt được thỏa thuận TPP vào tháng 10/2015. Thỏa thuận này đang trong giai đoạn hai năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận trong khi Nhật Bản và New Zealand đã phê chuẩn TPP.