Điểm nhấn về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015

Theo NCIF

Bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 với nhiều dấu hiệu tích cực khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện, giá cả được kiềm chế ở mức thấp so với năm trước,đầu tư đạt kết quả khả quan, thu chi Ngân sách Nhà nước có chuyển biến tích cực… Đây là những tiền đề tạo động lực cho nền kinh tế nước ta khởi sắc trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện

Ngay từ quý I/2015, kinh tế trong nước đã có mức tăng trưởng bất ngờ với 6.03% so với cùng kỳ năm trước (là mức tăng cao nhất của quý I trong 5 năm qua . Bước sáng quý II, tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ (ước tính khoảng 6,32% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế diễn ra không đều về nhịp độ tăng giữa ba khu vực chính, trong đó: Sự phục hồi của nền kinh tế chủ yếu do khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ duy trì ở mức tăng trưởng trưởng vừa phải; khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do đó tốc độ trưởng không được cải thiên, thậm chí có dấu hiệu đi xuống so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cho 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,16% so với 6 tháng đầu năm 2014. Trong đó, ngành nông lâm thủy sản ước đạt 2,13%, CN và XD tăng 8,36% và khu vực dịch vụ ước đạt 6,3%.

Giá cả được kiềm chế ở mức thấp so với năm trước

Bắt đầu sang quí II, chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu có xu hướng tăng trở lại; CPI tháng 4 tăng 0,14% và tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, và với xu hướng giá xăng dầu tăng trên thế giới dẫn đến giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tăng thêm khoảng hơn 11% từ ngày 5/5 và tiếp tục tăng thêm hơn 6% từ ngày 20/5, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt nam và USD cũng được ngân hàng nhà nước điều chỉnh chính thức tăng lên 1% từ ngày 7/5, những yếu tố này sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng trong nước thời gian tới. Dự báo CPI tháng 6 tăng khoảng 0,2% so với tháng trước, và tính chung 6 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,4% so với tháng 12 năm trướ.

Như vậy, việc thực hiện tốt chính sách bình ổn giá của chính phủ và nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trong nước không có đột biến báo hiệu CPI năm 2015 vẫn sẽ được kiềm chế ở mức thấp so với các năm trước.

Đầu tư đạt kết quả khả quan

Trong năm tháng đầu năm 2015, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư trong xã hội và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngân sách nhà nước, theo đó, tổng vốn đầu tư thực hiện phát triển toàn xã hội tăng cao so với cùng kỳ (ước tính đạt 558,3 nghìn tỷ đồng).

Tính đến 20/5/2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài có sự chuyển biến tích cực khi số dự án bao gồm cả cấp mới và lượt dự án tăng vốn đều tăng so với cùng kỳ năm trước (lần lượt là 18,4% và 19,3%) và số vốn thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 4,95 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, do không có nhiều dự án vốn lớn nên số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm và chỉ đạt 78% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu chững lại trong khi nhập khẩu có xu hướng tăng mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 159 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 78 tỷ USD và nhập khẩu đạt 81 tỷ USD. Theo đó, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thâm hụt ở mức 3 tỷ USD, tương đương khoảng 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, hơn gấp đôi mức nhập siêu của cả năm 2013. Có thể nói kịch bản thương mại của Việt Nam trong năm 2015 đang đi theo hướng ngược lại hoàn toàn so với những gì đã xảy ra trong năm 2014. Hiện tượng xuất siêu đã không còn và nền kinh tế trở lại vị thế nhập siêu như những năm 2011 trở về trước.

Tiêu dùng dân cư phục hồi đáng kể

Tính chung 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng ước đạt 1.372 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự phục hồi đáng kể của sức mua từ năm 2011 trở lại đây, trong đó, Tiêu dùng cuối cùng quý II năm 2015 ước đạt 737 nghìn tỷ đồng, ước tăng khoảng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do mức giá các mặt hàng tiêu dùng được giữ tăng ở mức rất thấp và khá ổn định, dù là thời điểm cận tết và tết. Chỉ số niềm tin tiêu dùng trong quý I cũng đạt 139 điểm, cao hơn so với quý IV năm 2014 là 137 điểm và mức trung bình của năm 2014 là 133 điểm . Nhờ đó, tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng đầu năm đạt cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tăng trưởng tích cực của tiêu dùng cũng được thể hiện qua tốc độ tăng của Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Mặc dù mức tiêu dùng từ tháng 3 chịu tác động tiêu cực của việc tăng giá một số mặt hàng cơ bản như giá xăng, điện, lương thực thực phẩm cùng với tác động giảm của yếu tố chu kỳ sau tết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ từ tháng 3 giảm 6,4% so với tháng 2, nhưng mức tăng sau khi loại trừ yếu tố giá vẫn ở mức tương đối cao so với các năm trước. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả 6 tháng đầu năm ở mức khá cao đạt 1572,1 nghìn tỷ đồng, ước tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn hẳn so với mức tăng của 3 năm trở lại đây.

Thu chi Ngân sách nhà nước có chuyển biến tích cực

Tình hình thu, chi Ngân sách nhà nước (NSNN) những tháng đầu năm 2015 tuy có gặp nhiều khó khăn trong thu dầu thô do giá dầu giảm, xong các khoản mục thu khác lại có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, tính đến 15/6/2015, tổng thu NSNN ước đạt 44,6 % dự toán năm (tương đương với 406,2 nghìn tỷ đồng), cao hơn con với cùng kỳ năm 2013 (39,8%) và 2012 (42,8%).

Tổng chi NSNN đã có nhiều những chuyển biến tích cực khi các khoản mục chi cho đầu tư phát triển đã có xu hướng tăng trong khí các khoản chi còn lại là giảm hoặc là không đổi. Tính đến 15/06/2013, chi NSNN ước đạt 48,97% dự toán cả năm (tương đương với 561,697 nghìn tỷ đồng), cao hơn so với mức cùng kỳ năm 2014 (44,6%). Trong đó, chi cho đầu tư phát triển, chi phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và chi trả nợ và viện trợ ước đạt tương ứng 46,4%, 49,77% và 52,9% so với dự toán năm 2015. Tính chung đến 15/06/2015, ước thâm hụt ngân sách là (-) 101,287 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 5,2% GDP.

Thị trường tài chính ổn định

Tỷ giá biến động mạnh trong 6 tháng đầu năm 2015

Mặc dù, các yếu tố cơ bản hỗ trợ duy trì tỷ giá vẫn khá mạnh: cán cân tổng thể thặng dư 2,8 tỷ USD trong quý I/2015; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ở mức khá; dự trữ ngoại hối lớn (hơn 36 tỷ USD),… Song từ cuối tháng 4/2015, nhiều yếu tố áp lực đã xuất hiện: (1) Nhập siêu tăng vọt trong tháng 4/2015 đưa tổng nhập siêu 4 tháng đầu năm lên khoảng 3 tỷ USD. (2) Đồng USD tiếp tục tăng giá nhanh so với một số đồng ngoại tệ mạnh khác. (3) Tâm lý của thị trường sau khi Vietcombank mua vào 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ - đây là lần đầu tiên Chính phủ phát hành trái phiếu riêng lẻ bằng đồng ngoại tế; đồng thời Chính phủ yêu cầu đề xuất cơ chế cho ngân sách ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại tệ. Theo đó, tỷ giá trên thì trường đã liên tục tăng cao đặc biệt từ ngày 4/5/2015. Trước tình hình này, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% (lần điều chỉnh thứ 2) lên mức 21.673 VNĐ/1USD. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng được phép dao động trong khoảng 21.456-21.890 đồng một đôla Mỹ.

Tuy nhiên, khác với những lần điều chỉnh tỷ giá trước đây, giá USD thay vì ổn định và chững lại ở một mức chung, ở lần điều chỉnh này, chỉ trong vòng 1 tuần sau điều chỉnh, tỷ giá lại tiếp tục áp sát trần giao dịch mới áp dụng. Giá bán ra tăng từ 21.740 đồng vào ngày 13/05 lên 21.770 đồng (ngày 14/05) và 21.805 đồng (ngày 15/05). Đợt sóng tỷ giá tiếp theo diễn ra vào hạ tuần tháng 5, mức giá phổ biến ở 21.860-21.870 USD/VND, chênh lệch hai chiều mua – bán kéo dãn 70-80 đồng. Tình trạng này có nguyên nhân một phần là từ tâm lý, phần khác là do nhu cầu trong điều kiện đồng USD liên tục tăng giá trên thị trường thế giới.

Tính đến ngày 15/6/2015, tỷ giá tại các NHTM tiếp tục bán ra ở mức cao, trung bình khoảng 21.830 đồng/1 USD.

Lãi suất tăng nhẹ sau thời gian giảm liên tục

Từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2015, các ngân hàng thương mại đã có sự điều chỉnh tăng lãi suất huy động, chủ yếu là các kỳ hạn dài để đảm bảo phù hợp hơn với diễn biến thị trường cũng như đảm bảo cân đối nguồn vốn. Bởi, về cơ cấu nguồn vốn, thời gian qua, các ngân hàng huy động kỳ hạn ngắn nhiều hơn, thậm chí chiếm tới 60 - 70% tổng huy động vốn, nhưng thời hạn cho vay lại dài hơn, trong 5 tháng đầu năm cho vay trung và dài hạn chiếm 53 - 54% trên tổng dư nợ. Việc các ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài 2-3 năm trở lên là nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Với lãi suất như vậy, người dân đã tăng phần tiền gửi kỳ hạn dài 6 tháng trở lên, chủ yếu là 9 tháng đến 1 năm, chiếm đến gần 70%.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Trong khi đó, lãi suất cho vay duy trì ở mức cũ (từ năm 2014), cụ thể: lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11-12,5%/năm đối với trung và dài hạn; trong đó một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, sản xuất kinh doanh hiệu quả, lãi suất cho vay chỉ 6-7%/năm.

Tín dụng tăng trưởng khá

Tăng trưởng tín dụng dương ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 28/5/2015, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 4,8% so với cuối năm ngoái, trong khi cùng thời gian này năm ngoái, tín dụng mới đạt 1,31% và phải đến hết tháng 7/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt 3,6%. Trước đó, tính chung 4 tháng đầu năm 2015, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 2,78% - mức cao nhất so với cùng kỳ 3 năm qua. Điều này cho thấy những cải thiện đáng kể trong chỉ báo có tính dẫn dắt về tăng trưởng kinh tế này.

Nợ xấu vẫn là vấn đề đáng quan ngại

Theo dữ liệu mới nhất (ngày 4/5/2015) của NHNN tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, trong tháng đầu tiên của năm 2015, tỷ lệ nợ xấu ở mức khá cao 3,49%. Như vậy, nợ xấu đã tăng trở lại sau khi cho xu hướng sụt giảm rõ rệt từ tháng 6/2014 (từ mức 4,17% tháng 6/2014 – mức cao nhất trong năm, xuống còn 3.25% vào tháng 12 năm 2014).

Tính đến ngày 17/4/2015, VAMC đã mua 13.708 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 13.408 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thành lập và hoạt động đến nay đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng. Theo NHNN, mô hình hoạt động của VAMC đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng, khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn công cụ này trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong quý II/2015, thông qua M&A, hệ thống ngân hàng đang thực hiện cơ cấu lại với một số NH sáp nhập như SouthernBank vào Sacombank, Sacombank – Southernbank, Vietinbank–PGBank, BIDV–MHB, Vietcombank – SaigonBank, Maritime Bank – MekongBank, Eximbank - NamAbank.Việc này là hết sức cần thiết vì không chỉ giảm sở hữu chéo trong hệ thống NHTM nói chung và hệ thống tín dụng nói riêng mà còn giúp các ngân hàng tăng sức cạnh tranh trên thương trường và đó cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay trong kế hoạch giải quyết nợ xấu.