Điểm tin kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 26-30/06/2017

PV. (Tổng hợp)

Trong tuần vừa qua (26-30/06/2017), kinh tế - tài chính trên thế giới đã ghi nhận nhiều nội dung nổi bật, đáng chú ý trên toàn cầu, Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số nội dụng chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng trưởng kinh tế vững chắc sẽ tăng khả năng FED nâng lãi suất vào tháng 12/2017

Theo dự báo của Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ về tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 2% trong năm 2017 và 2,3% vào năm 2018. Mức độ cải thiện kinh tế năm 2018 sẽ phụ thuộc nhiều vào quy mô và việc triển khai các biện pháp kích thích tài chính của Chính phủ Hoa Kỳ.

Xu hướng tăng trưởng kinh tế vững chắc sẽ tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất vào tháng 12/2017 và tăng thêm 3 lần nữa vào năm 2018.

Chứng khoán châu Á giảm 0,53 điểm (-0,34%)
 Cụ thể, trong ngày giao dịch cuối tuần (30/6/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số: Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 4,37 điểm (0,14%) lên 3.192,43 điểm; Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,78 điểm (-0,16%) xuống 2.391,79 điểm; Hang Seng (Hong Kong) giảm 200,84 điểm (-0,77%) xuống 25.765,8 điểm; S&P/ASX 200 (Australia) giảm 96,6 điểm (-1,66%) xuống 5.721,5 điểm; Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 186,87 điểm (-0,92%) xuống 20.033,43 điểm.
Nợ chính phủ của Trung Quốc vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát
Các cơ quan chức năng tích cực đưa ra nhiều biện pháp mới để theo sát hoạt động quản lý nợ của chính quyền các địa phương như tăng cường giám sát các nền tảng tài chính địa phương, thiết lập cơ chế giám sát chéo giữa các bộ phận và thành lập hệ thống phòng chống nguy cơ nợ vượt tầm kiểm soát.
Thời gian qua Chính phủ Trung Quốc cũng đã tăng cường công khai thông tin về các hoạt động huy động vốn của chính quyền địa phương và truy cứu trách nhiệm đối với các cán bộ lãnh đạo về những hoạt động huy động vốn phi pháp.
Brexit làm ngân sách EU thâm hụt khoảng 10 tỷ EUR mỗi năm
EU có nguy cơ bị thâm hụt ngân sách 20 tỷ EUR mỗi năm cũng như đối mặt với nhiều thách thức gia tăng về chi phí do ảnh hưởng của Brexit. Trong đó, riêng Brexit làm ngân sách EU thâm hụt khoảng 10 tỷ EUR mỗi năm; chi trả tài chính cho các nhiệm vụ mới như quốc phòng, an ninh nội địa khoảng 10 tỷ EUR.
Do đó, các nước thành viên phải lựa chọn giữa việc tìm nguồn tài trợ mới hoặc cắt giảm tài trợ cho các dự án lớn của mình trong bối cảnh nước Anh dự kiến rời EU vào tháng 3/2019.