Điều hành linh hoạt Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ

Theo Đầu tư Chứng khoán

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng: Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, tổng cầu giảm mạnh như hiện nay, những giải pháp hỗ trợ thị trường, “sưởi ấm” tổng cầu là rất cần thiết.

Mặc dù Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong năm 2013 nhưng, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng: Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, tổng cầu giảm mạnh như hiện nay, những giải pháp hỗ trợ thị trường, “sưởi ấm” tổng cầu là rất cần thiết. Đây là thách thức lớn bởi có vẻ mâu thuẫn về mục tiêu, đòi hỏi chính sách cần được điều hành rất linh hoạt.

Thưa ông, ngay đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 01 về triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 với mục tiêu hàng đầu là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Nghị quyết 02 là hàng loạt giải pháp kích cầu, hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Từ phía cơ quan giám sát tài chính, ông nhận định thế nào về 2 nghị quyết này?

Điều hành linh hoạt Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ - Ảnh 1 TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Trong quá trình chuẩn bị xây dựng 2 nghị quyết này, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã tham gia rất tích cực.

Theo tôi 2 nghị quyết này hết sức đồng bộ với nhau. Dựa trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về mục tiêu, nhiệm vụ, những định hướng lớn về phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, Chính phủ đã có Nghị quyết 01 để triển khai Nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài những giải pháp chung, Chính phủ tiếp tục có Nghị quyết 02 tập trung giải quyết những vấn đề mang tính chất nổi cộm. Đó là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hàng tồn kho lớn, nợ xấu cao, nên cần có những giải pháp thúc đẩy thị trường, kích cầu nền kinh tế.

Nghị quyết 02 có thể nói là một cấu phần trong tổng thể chung những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết 01 đã đề ra.

Về phía Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông có khuyến nghị gì về điều hành vĩ mô trong năm 2013?

Chúng tôi cho rằng, chính sách tài khóa - tiền tệ năm 2013 cần được tiếp tục điều hành một cách thận trọng, chặt chẽ nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế. Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế năm 2013 cần được điều hành theo định hướng đẩy mạnh hỗ trợ nhằm gia tăng tổng cầu và hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong đó, cần quan tâm đặc biệt một số giải pháp, như xem xét giảm lãi suất cho vay. Tổng cầu của nền kinh tế hiện còn yếu, nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 là không lớn. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát tổng hạn mức tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, như vậy việc hạ lãi suất sẽ không gây tác động mạnh đến lạm phát năm 2013.

Phân tích cụ thể về những yếu tố cơ sở để hạ lãi suất cho thấy: Nếu đặt mục tiêu lạm phát năm 2013 là 6%, thì dư địa hạ lãi suất trong năm tới có thể được nới rộng. Nếu xét về tương quan giữa lãi suất tiền gửi tại Việt Nam so với các nước trên thế giới (tại Hoa Kỳ khoảng 0,5-0,75%/năm), thì việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ vẫn đảm bảo được chênh lệch lãi suất mà không gây ra áp lực tỷ giá trong năm 2013.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ít khả năng việc hạ lãi suất sẽ gây ra tình trạng rút tiền tại ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2013” vừa công bố, WB cho rằng những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nên xây dựng “vùng đệm” về kinh tế vĩ mô để tránh các cú sốc mới. Trong đó, cần chú trọng tăng cung hơn là kích cầu. Trong khi đó Việt Nam lại đang đi theo hướng tập trung các giải pháp tăng tổng cầu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Theo tôi, báo cáo của WB nhìn nhận chung trong tổng thể của kinh tế toàn cầu, trong đó có khuyến nghị đối với khu vực các nền kinh tế đang phát triển (gồm Việt Nam và một số nền kinh tế khác).

Vì thế, khuyến nghị đó không phải là chi tiết cụ thể cho từng quốc gia. Đối với Việt Nam, chúng ta phải căn cứ vào tình hình chung của thế giới, khu vực và đặc biệt là phải dựa vào điều kiện cụ thể ở trong nước để đưa ra các giải pháp thích hợp hơn.

Hiện kinh tế Việt Nam đang đứng trước một loạt mâu thuẫn: một mặt chúng ta muốn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vì những bất ổn tiềm ẩn vẫn còn; nhưng một thực tế cho thấy doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn, hàng tồn kho cao, tổng cầu thấp cả về đầu tư và tiêu dùng.

Tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm mạnh từ mức 41,9% trong năm 2010 và 34,6% trong năm 2011 xuống dưới mức 30% GDP trong năm 2012. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2012 giảm sút đáng kể, chỉ tăng 16% so với năm 2011, thấp hơn nhiều so với mức tăng 24,2% của năm 2011 so với năm 2010.

Nếu loại trừ yếu tố giá, ước tính tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 6,2% trong năm 2012. Hàng tồn kho dù có giảm dần từ mức cao nhất 34,9% tại thời điểm tháng 3-2012 xuống mức 20,1% trong những tháng cuối năm, nhưng mức tồn kho bình quân trong cả năm 2012 ở mức khá cao, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp sản xuất ở quy mô đáng kể.

Vì thế, trước mắt vẫn phải “sưởi ấm” tổng cầu của nền kinh tế. Song song với các giải pháp tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, vẫn cần giải pháp để tăng tổng cầu lên một chút. Đây là thách thức rất lớn, bởi về lý thuyết nghe chừng khá mâu thuẫn, nhưng thực tế đòi hỏi chính sách đưa ra phải giải quyết được mâu thuẫn này bằng cách điều hành linh hoạt theo từng thời điểm cụ thể.

Theo quan điểm của ông, cần thực hiện giải pháp này theo cơ chế như thế nào?

Đối với thị trường bất động sản, tại Nghị quyết 02 Chính phủ đã đưa ra một loạt giải pháp cụ thể. Theo quan điểm của tôi, không nên hiểu rằng Chính phủ sẽ bơm tiền ra cho thị trường bất động sản một cách tùy ý. Vấn đề quan trọng để mang lại hiệu quả là phải xác định được xem đối tượng nào đang có nhu cầu thực sự về nhà ở.

Từ đó tập trung hỗ trợ về tín dụng để họ mua nhà với lãi suất thấp, kỳ hạn dài hơn. Chẳng hạn như phân khúc nhà ở xã hội, hiện vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu mua nhà ở thực sự chứ không phải đầu cơ. Trong khi đó, phân khúc bất động sản cao cấp thì đang dôi dư.

Vì thế, hướng chính sách để vực dậy phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội là cần thiết. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện cần có sự giám sát chặt chẽ để tránh gây ra những tác động phụ.

Xin cảm ơn ông.