Điều ít biết về một phần tư thế kỷ Việt Nam đón vốn ngoại

Theo VnEconomy

Ngày 29/12/1987, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, văn bản pháp lý quan trọng nhất chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài tại Việt Nam kể từ quá trình đổi mới. Ở thời điểm này nhìn lại, Việt Nam đã chính thức mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài được tròn một phần tư thế kỷ.

Điều ít biết về một phần tư thế kỷ Việt Nam đón vốn ngoại
Một góc nhà máy Toyota Việt Nam tại Vĩnh Phúc
Một điều không thể phủ nhận là cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã góp phần thay đổi một cách căn bản diện mạo kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.

Từ Điều lệ đầu tư 1977

GS. Lưu Văn Đạt, hiện là Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một trong những người lưu giữ những ký ức sâu nặng nhất về tiến trình mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Ngược thời gian, vào một ngày đầu năm 1977, trong một buổi làm việc tại Văn phòng Thủ tướng, Phó thủ tướng Đặng Việt Châu đã truyền đạt chủ trương soạn thảo một văn bản pháp luật tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trực tiếp làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Đạt đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu, người đã “có ý tưởng đầu tiên về việc đưa ra một văn bản pháp luật quy định về chuyện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài”.

Tuy nhiên, trong nhận thức chung lúc đó, có nhiều điều không thống nhất và đặc biệt, có sự chủ quan. “Bối cảnh lúc đó, chúng ta vừa chiến thắng và thống nhất, trong tư tưởng có nhiều cái rất chủ quan. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta là một nước hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta đánh giá mình quá cao. Do đó, chúng ta đã đề ra các điều kiện quá cao trong nghị định trước đó”, ông Đạt nhớ lại.

Bình luận về Điều lệ đầu tư năm 1977, ngân hàng National City Bank viết: “Người Việt Nam đã bày tỏ một mức độ khá thực dụng khi đưa ra bản điều lệ đầu tư nước ngoài có thể xem là không thông thường mà chính phủ một nước xã hội chủ nghĩa đã công bố”.

Trong khuôn khổ Điều lệ đầu tư năm 1977, các công ty dầu khí Tây Đức, Italia, Canada được Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí tại một số khu vực ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam, tuy nhiên nhìn về tổng thể, các kết quả đạt được là “không như mong muốn”.

Những nhà đầu tư tiềm năng của thế giới ít nhiều nhòm ngó thị trường Việt Nam thì hầu hết đều đến từ các nước “tư bản”. Mới thoát ra được khỏi cuộc chiến tranh thống nhất với lá cờ chống đế quốc tư bản được phất cao, thật khó để tạo ra trong hàng ngũ lãnh đạo các cấp một nhận thức cần chấp nhận dòng vốn của chính các nước tư bản để phát triển kinh tế.

Điều đó lý giải vì sao dù đã có Điều lệ đầu tư nước ngoài, nhưng trong khoảng thời gian 10 năm, hầu như không có dấu ấn đáng kể nào từ dòng vốn đầu tư quốc tế lên nền kinh tế Việt Nam. Nhiều tư liệu cho thấy, không ít cuộc tranh luận đã xảy ra ở hàng ngũ lãnh đạo cao cấp về việc liệu một nhà đầu tư Úc, Mỹ hay Hàn Quốc, mới ngày nào còn là “đế quốc tư bản bên kia bờ chiến tuyến”, lại có thể ngồi cùng nhau để thảo luận về lợi ích.

Quyết định lịch sử

Nhưng thực tế ấy là cơ hội để Luật Đầu tư nước ngoài ra đời. Không dễ dàng như nhiều luật khác, sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài chịu những áp lực rất lớn vào thời điểm ấy, khi mà về thực tiễn thì nhà nước chưa có kinh nghiệm gì, trong khi về tư tưởng và lý luận thì còn nhiều tranh cãi.

Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 “ra” được đến Quốc hội là cả một chặng đường dài, và phải đến một cuộc họp của Hội đồng nhà nước vào ngày 16/11/1987 mới có thể “chốt” được về cơ bản. Trước đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng cũng đã cho ý kiến về dự thảo luật trong phiên họp ngày 10/9/1987

Thực hiện kết luận của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tại phiên họp ngày 16/11, Ủy ban Kinh tế đối ngoại của Hội đồng Bộ trưởng phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức hai cuộc họp (ở Hà Nội và Tp.HCM) để lấy ý kiến của một số ngành, địa phương và đơn vị kinh tế cơ sở; đồng thời cũng đã gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội để lấy ý kiến.

Sau hai cuộc họp này, và trên cơ sở ý kiến đóng góp thêm của Hội đồng Nhà nước, ban dự thảo luật đã chỉnh lý thêm thành bản dự thảo mới và trình xin thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 8, tháng 12/1987.

Trong hồi tưởng của GS. Lưu Văn Đạt, một trong những người chấp bút soạn Luật Đầu tư nước ngoài 1987, trước khi bắt tay vào soạn thảo nâng điều lệ đầu tư nước ngoài thành luật, ông có được sự ủng hộ rất lớn của một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Chính phủ. Tuy nhiên, khi đi vào từng nội dung cụ thể, các lãnh đạo cũng phải nhiều lần “nâng lên đặt xuống”.

Điều đó lý giải tại sao khi “diễn đạt” các nội dung của luật, các nhà soạn thảo vẫn phải phải dùng ngôn ngữ và “lập trường” của các nhà lập pháp xã hội chủ nghĩa.

Trong phiên họp ngày 23/12/1987, tờ trình về dự thảo luật này đã được ông Võ Đông Giang, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại trình bày trước Quốc hội. Ngay phần mở đầu, tờ trình đã phải nhấn mạnh rằng luật được xây dựng là để “thực hiện Nghị quyết số 19 của Bộ Chính trị ngày 17/7/1984 và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa V) ngày 20/12/1984 về việc “bổ sung và hoàn thiện Điều lệ đầu tư đã ban hành (năm 1977), tiến tới xây dựng một bộ luật đầu tư hoàn chỉnh”.

Tuy nhiên, việc soạn thảo luật là để hướng tới việc “thể chế hóa đường lối hợp tác kinh tế của nước ta với nước ngoài, trước hết là với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa”.

Vẫn theo tờ trình, “vấn đề cốt lõi trong chính sách hợp tác kinh tế với nước ngoài là xử lý lợi ích của ta và của bên nước ngoài sao cho vừa có lợi cho ta, vừa bảo đảm những lợi ích chính đáng của bên nước ngoài”. Tuy nhiên, “lợi ích chính của bên nước ngoài là lợi nhuận cao và an toàn về vốn, lãi; riêng đối với các nước xã hội chủ nghĩa, cần có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của bạn mà không phải trả bằng ngoại tệ mạnh”.

Dự thảo luật cũng xác định những mục tiêu chính của luật là “giành được càng sớm càng tốt những cái ta đang thiếu và rất cần là vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và chỗ đứng trong phân công lao động quốc tế; và để đổi lại, sẽ “bảo đảm cho người đầu tư nước ngoài được an toàn tối đa về tài sản, được quản lý kinh doanh có hiệu quả, được lợi nhuận khá hơn hoặc ít nhất là tương đương với lợi nhuận đầu tư ở những nước láng giềng của ta”.

Để thể hiện sự “cởi mở” đối với các nhà đầu tư nước ngoài, về vốn của bên nước ngoài tham gia xí nghiệp liên doanh, khác với Điều lệ đầu tư 1977 quy định phần góp vốn của bên nước ngoài vào xí nghiệp liên doanh tối thiểu 30%, tối đa 49% số vốn góp của hai bên, Luật này không hạn chế mức cao nhất và chỉ quy định mức tối thiểu, không dưới 30% số vốn góp của hai bên.

Quy định này, theo ông Võ Đông Giang, là do “từ những năm 70, các nước thường không quy định như vậy nữa, vì các nhà tư bản nước ngoài sợ rằng nếu chỉ được đầu tư tối đa 49% thì quyền lãnh đạo kinh doanh sẽ nằm trong tay các nước đang phát triển là những nước quản lý kinh doanh rất tồi”.

Một điểm đáng chú ý khác là việc sẽ thành lập ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư để thống nhất đầu mối quản lý và giải quyết các hoạt động đầu tư nước ngoài. “Người đầu tư nước ngoài sẽ ngần ngại nếu họ phải giao dịch với quá nhiều đầu mối và nếu không có một cơ quan có thẩm quyền quyết định”, ông Giang phân tích với Quốc hội.

Rất nhiều nội dung trong Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, giờ đây nhìn lại rất chặt chẽ và cứng nhắc, nhưng theo hồi tưởng của những người tham gia soạn thảo, thì thực sự đã là “cách mạng” khi đó. Chính phủ, khi tiến hành tổng kết các chính sách quan trọng trong 5 năm 1986-1990, đã xếp việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài trong 9 nội dung quan trọng nhất, cùng với các nội dung đã đi vào lịch sử như khoán nông nghiệp, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh, xóa bao cấp, chuyển ngân hàng sang kinh doanh…

Vai trò “tư vấn ngoại”

Vẫn theo hồi tưởng của GS. Lưu Văn Đạt, trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo đã tranh thủ được sự giúp đỡ của một số tổ chức quốc tế, như Hội đồng Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Liên hiệp quốc), Vụ Pháp luật Ban thư ký Liên hiệp quốc và nhiều chuyên gia pháp luật, kinh tế, kỹ thuật nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch, trong đó có những chuyên gia có tầm cỡ quốc tế như ông Ganessan (Ấn Độ), tiến sĩ Strunck (Cộng hòa Liên bang Đức)…

Nhằm hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội, ban soạn thảo được phép gửi dự thảo cho một số chuyên gia Liên hiệp quốc để bình luận, đồng thời tiếp xúc với các nhà kinh doanh và nhà báo nước ngoài để thông báo và trao đổi ý kiến về nội dung của dự thảo.

Một trong những chuyên gia như vậy, ông Newman, cố vấn pháp lý của Unido đã có bản góp ý rất chi tiết cho nhiều điều khoản trong dự thảo luật. Một tài liệu gồm hai trang đánh máy của “văn bản góp ý” này hiện vẫn còn được ông Lưu Văn Đạt lưu giữ.

Một trong những điều khoản được các chuyên gia nước ngoài đặc biệt quan tâm chính là việc bảo toàn lợi ích cho nhà đầu tư vì bối cảnh lúc đó vẫn còn nhiều rủi ro. Theo ông Newman, một liên doanh hoặc một xí nghiệp tư nhân cần được đảm bảo “sẽ không bị quốc hữu hóa trong quá trình thực hiện hợp đồng liên doanh hoặc giấy phép đầu tư “, “…trong những trường hợp ngoại lệ quốc hữu hóa trở thành hết sức cần thiết theo quan điểm của Chính phủ và của Quốc hội vì quyền lợi ích tối cần của quốc gia, Chính phủ sẽ thông qua việc thỏa thuận giữa hai bên với người nước ngoài mà bồi thường xứng đáng cho người nước ngoài đó”.

Chính tư tưởng “bảo vệ nhà đầu tư”, được hiện thực hóa trong Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, đã khiến cho dự luật này nhận được sử ủng hộ mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài, mở ra giai đoạn thu hút đầu tư mạnh mẽ trong những năm sau đó. Sự hợp tình hợp lý trong các ý kiến đóng góp của các chuyên gia quốc tế đã được tiếp nhận.

Với tư tưởng “bảo vệ nhà đầu tư”, các nội dung như “thành lập DN 100% vốn nước ngoài”, “chuyển lợi nhuận ra nước ngoài”, “xử lý tranh chấp”… đều đã được đưa vào luật, qua đó tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Luật Đầu tư nước ngoài đã trải qua nhiều lần sửa đổi kể từ khi được ban hành, và hiện nay vẫn tiếp tục được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, vai trò lịch sử của nó đã được khẳng định: trên 14 ngàn dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 200 tỷ USD đang còn hiệu lực chính là kết quả vĩ đại của 25 năm mở cửa.

Cho dù, còn mặt này mặt kia chưa đạt, thì một điều không thể phủ nhận là cộng đồng DN đầu tư nước ngoài đã góp phần thay đổi một cách căn bản diện mạo kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.