Điều tra nhu cầu mua nhà của người nước ngoài để quyết định chính sách

Theo Đại biểu Nhân dân

5 năm qua, theo một số thống kê sơ bộ, mới có khoảng 500 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam theo con đường chính thức, chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, nhiều quan điểm, trong đó có cả Bộ Xây dựng cho rằng, nếu khai thác được nhóm đối tượng này mua nhà, có thể giúp làm nóng thị trường bất động sản (BĐS). Theo Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, muốn biết nhu cầu thực của người nước ngoài thì phải có thực tiễn, phải điều tra nhu cầu rồi mới quyết định chính sách.

PV: Thưa ông, để giúp thị trường BĐS ấm lên, mới đây Bộ Xây dựng lên tiếng ủng hộ việc nới rộng các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về hướng đi này?

Điều tra nhu cầu mua nhà của người nước ngoài để quyết định chính sách - Ảnh 1
Phó Chủ tịch
Tổng Hội xây dựng Việt Nam
Phạm Sỹ Liêm
Phạm Sỹ Liêm: Việc cho người nước ngoài mua nhà tại nước ta là việc bình thường, không phải đến lúc thị trường BĐS khó khăn mới làm. Nhưng nhân cơ hội này làm thì tốt hơn. Tại sao phải phân vân trong khi nhiều nước cho mua không hạn chế.

Nhưng ở nước ta, nếu cho người nước ngoài mua phải có một số điều kiện đề ra. Đó là người nước ngoài không được co cụm thành một khu vực riêng biệt, ra vào phải có giấy tờ. Cho họ mua rải rác thì được nhưng không nên để hình thành cộng đồng khép kín. Ở một số nước cũng có tình trạng người nước ngoài mua nhà, co cụm lại nên quản lý tương đối khó khăn. 

Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, không phải cho người nước ngoài mua tất cả các phân khúc mà chỉ cho mua các phân khúc nhất định, tránh tình trạng họ mua đầu cơ, gom tiền gom BĐS lũng đoạn thị trường?

Nước ta chỉ cho mua nhà để ở, các tài sản khác họ được quyền đầu tư, được sở hữu trong thời gian nhất định. Tôi cho rằng nên quy định mỗi người nước ngoài được mua một căn hộ, hay là một nhà. 

Có nên quy định rõ là người nước ngoài được mua căn hộ ở mức cao cấp hay trung bình hay không thưa ông?

Những cái đó không nên lo lắng. Công việc thị trường không nên can thiệp chi tiết quá vì sức mình có kiểm tra được không. Ở phía Nam có khu vực sang trọng chỉ có người Việt Nam sở hữu, nhưng thực ra đó là nhà của nhà kinh doanh nước ngoài. 

Còn khi người nước ngoài mua kinh doanh, có thể mua một lúc từ 12-15 căn hộ để cho thuê, theo tôi cũng cũng không ảnh hưởng gì. Miễn là mua dưới hình thức kinh doanh thật sự chứ không phải sở hữu nhà ở như bình thường.

Theo ông, nên cho người nước ngoài sở hữu nhà bao nhiêu năm, vì có ý kiến cho rằng một số nước chỉ cho sở hữu trong 30 năm, một số nước thì quy định đến 50 năm?

Theo tôi, nên cho 30 năm kèm theo điều kiện là sau 30 năm mà không có vấn đề gì đặc biệt xảy ra thì có thể gia hạn thêm 30 năm nữa để người nước ngoài yên tâm làm ăn sinh sống. Còn hơn là quy định 30 năm, đến khi 28 – 29 năm họ sử dụng phá phách gây hư hỏng thì cũng không có lợi gì. 

Hiện có khoảng 80.000 người nước ngoài đang ở Việt Nam nhưng mới chỉ có 500 căn hộ bán cho người nước ngoài. Theo Ông nhu cầu mua nhà thực của người nước ngoài ở mức độ nào? 

Theo tôi, nhu cầu thực thì phải thực tiễn mới nắm được. Chính sách nào cũng phải có nghiên cứu thực tiễn. Các cơ quan chức năng phải làm một cuộc điều tra thị trường, xem người nước ngoài, người trong nước có nhu cầu đến đâu thì chính sách mới đi vào cuộc sống.

Nghĩa là cần phải làm một cuộc điều tra đối với người nước ngoài về nhu cầu mua nhà ở Việt Nam?

Đúng như vậy. Phải điều tra mới biết là họ có muốn mua nhà hay không, rồi lúc đó mới ra chính sách.

Xin cám ơn Ông!