Định chế tài chính và doanh nghiệp: Chia sẻ vì mục tiêu chung

Theo daibieunhandan.vn

Tính đến tháng 9, nước ta đã tham gia đàm phán tổng cộng 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Quá trình hội nhập sâu đang tạo sức ép cho cả doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, nên rất cần sự chia sẻ và nhìn về một hướng của hai đối tượng này. Đó là những ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn “Định chế tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng tín dụng...


2015 sẽ là mốc thời gian quan trọng đánh dấu mức độ hội nhập sâu rộng của nước ta khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, các FTA hoàn thành bước cắt giảm theo các danh mục mặt hàng thông thường. Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, quá trình hội nhập đặt ra cho ngành tài chính - ngân hàng những thách thức không nhỏ.

Thực tế, trong lĩnh vực ngân hàng, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% (nếu nhiều hơn, cần có chấp thuận của Chính phủ), đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%. Khi AEC được hình thành, theo lộ trình đã cam kết, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu của nước ngoài có thể lên đến 70%. Nhưng trước thời điểm hình thành AEC, nhiều ngân hàng thương mại của các nước trong ASEAN, trong đó có nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam, đã có hiện diện thương mại ở các nước trong khu vực.

Có thể thấy, để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ quá trình hội nhập, doanh nghiệp trong nước cần được tiếp cận các chính sách hỗ trợ tín dụng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Thực tế, dù trong 9 tháng qua, tín dụng ngân hàng tăng trưởng gần 11%, trong đó tín dụng xuất khẩu tăng từ 9 - 10%, cao hơn gần gấp đôi so cùng kỳ 2014, nhưng mức tăng trưởng tín dụng như vậy chưa tương xứng với đòi hỏi của quá trình hội nhập sâu đang đến gần - là thời điểm nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước sắp bị dừng thực hiện. Như vậy, quá trình hội nhập đặt ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp, cũng như yêu cầu các định chế tài chính luôn phải đổi mới để đồng hành được với doanh nghiệp.

... và bài toán lãi suất, tỷ giá

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Dương cho biết, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là lãi suất và tỷ giá. Lãi suất cho vay quá cao, trong khi kỳ hạn vay ngắn, nên các đơn vị phải rất cân nhắc khi vay vốn. Doanh nghiệp rất cần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất cho một số lĩnh vực ưu tiên phát triển. Đối với tỷ giá, trong khi Singapore thực hiện chuyển giá 18%, Nhật Bản chuyển giá 38%, Thái Lan và Malaysia tổng biến động khoảng 30%, thì nước ta vẫn chỉ điều chỉnh khoảng 4%. Ông Dương nhấn mạnh, nếu lãi suất và tỷ giá không thay đổi sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, hay tạm dừng hoạt động.

Giải đáp thắc mắc này, đại diện NHNN khẳng định, việc hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp đã từng thực hiện trong một số lĩnh vực ưu tiên phát triển, nhưng có nguy cơ sẽ tạo ra thói quen xấu cho doanh nghiệp. Mặt khác, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước ta phải thực hiện cam kết không được dùng chính sách ưu đãi để tạo mất cân bằng trong các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực giữa các nước, nếu không sẽ bị áp dụng bán phá giá. Điều này đòi hỏi NHNN phải cân nhắc trước khi áp dụng. Đối với lãi suất, ngay từ những năm 2011, NHNN đã sử dụng biện pháp áp trần lãi suất để hạn chế tác động của các yếu tố bên ngoài đối với lãi suất cho vay.

Nhờ giải pháp này, lãi suất cho vay từ 24 - 25% thì hiện giảm xuống chỉ từ 8 - 10% với vay vốn thông thường, với các lĩnh vực ưu tiên đều dưới 7%. Về tỷ giá, nếu phá giá đồng VND nhiều hơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhập khẩu. Bởi trong tổng số kim ngạch nhập khẩu, có đến 80 - 90% là nhập khẩu máy móc và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước. Và nếu điều chỉnh tỷ giá 1% thì ngân sách nhà nước cũng mất khoảng mười mấy nghìn tỷ để trả nợ nước ngoài. Vì vậy, vẫn biết nền kinh tế nước ta phát triển dựa vào xuất khẩu nhưng không thể điều chỉnh tỷ giá để kích thích xuất khẩu mà làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Ủng hộ quan điểm của NHNN, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định, việc điều chỉnh tỷ giá, với việc độ mở của nền kinh tế hiện nay, nếu tăng tỷ giá sẽ dẫn đến lạm phát cao. Việc giảm lãi suất cho vay cũng không thể thực hiện bằng một mệnh lệnh hành chính, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thực tế đã cho thấy, quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng không phải đối đầu với nhau, mà là quan hệ tương hỗ. Vì vậy, theo ông Vũ Đình Ánh, giữa doanh nghiệp và ngành tài chính - ngân hàng cần có sự chia sẻ và nhìn về mục tiêu cao hơn là ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Để ngành tài chính - ngân hàng và doanh nghiệp có thể đồng hành trong tiến trình hội nhập, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong đưa ra 4 nhiệm vụ: Tạo môi trường vĩ mô chuẩn mực để định hướng, thúc đẩy sự liên kết và nâng cao chất lượng dịch vụ của các ngân hàng; Các ngân hàng cần bảo đảm sự lành mạnh, đa dạng dịch vụ tài chính để giữ chân doanh nghiệp; Các doanh nghiệp phải nỗ lực để tận dụng và phát huy tối đa hiệu quả dịch vụ ngân hàng cung cấp; Nhà nước cần tiếp tục thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, giảm nhẹ các gánh nặng thể chế và một số gánh nặng khác cho doanh nghiệp.