Định giá cổ phần, cổ phiếu: Sao sát với thị trường?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cổ phần hóa là một hướng đi trọng tâm của các DNNN, các TCty và Bộ ngành trong năm 2015, do đó phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, trước hết là giá cả cổ phần, cổ phiếu của DN” - Vậy làm sao để việc định giá cổ phần, cổ phiếu sát với thực tế thị trường?

Đấu giá hơn 5,5 triệu cổ phần nhưng Cảng Nha Trang chỉ bán một số ít cho các nhà đầu tư nhỏ, ế gần 90% số cổ phần mang đi đấu giá. Nguồn: dddn.com.vn
Đấu giá hơn 5,5 triệu cổ phần nhưng Cảng Nha Trang chỉ bán một số ít cho các nhà đầu tư nhỏ, ế gần 90% số cổ phần mang đi đấu giá. Nguồn: dddn.com.vn

Trường hợp của ngân hàng Vietcombank, Vietnam Airline và hệ thống cảng biển lớn của Việt Nam như Cảng Hải Phòng, Cảng Quảng Ninh thời gian qua là những ví dụ điển hình của việc định giá không sát với giá thị trường...

Cay đắng vì giá IPO quá cao

Khi Vietcombank tiến hành CPH, giá phát hành lần đầu (IPO) trung bình là 107.800 đồng một cổ phiếu, ưu đãi cho cán bộ công nhân viên là gần 65.000 đồng. Sau khi IPO, cổ phiếu của Vietcombank cứ tụt dốc và thấp hơn mức giá ưu đãi cho cán bộ nhân viên rất nhiều. Có thời điểm, giá cổ phiếu Vietcombank chỉ còn 28.300 đồng một cổ phiếu, chưa bằng 50% mức giá mà cán bộ nhân viên được “ưu đãi”.

Cho đến tận bây giờ Vietcombank vẫn còn chưa hết đắng cay. Với mức giá IPO quá cao, ngân hàng loay hoay với các vấn đề pháp lý và rất khó chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài vì không tổ chức nào chấp nhận mức giá cao ngất ngưởng như vậy. Đối với tất cả cán bộ công nhân, đặc biệt là những người về chuẩn bị về hưu vào thời điểm IPO, cổ phiếu “ưu đãi” đã trở thành “ngược đãi”. Với những người giờ đây đã về hưu mà trước đó phải vay tiền ngân hàng để mua cổ phiếu “ưu đãi” thì đúng là một bi kịch khó chấp nhận.

Sau trường hợp Vietcombank là hàng loạt cổ phiếu cảng biển khi IPO bị ế.

Đấu giá hơn 5,5 triệu cổ phần nhưng Cảng Nha Trang chỉ bán một số ít cho các nhà đầu tư nhỏ, ế gần 90% số cổ phần mang đi đấu giá. Cảng biển Hải Phòng và một số cảng biển khác khi IPO cũng chịu chung số phận khi không có nhà đầu tư chiến lược nhòm ngó. Vậy vì sao các cảng biển được coi là huyết mạch giao thương của nền kinh tế lại bị ế như vậy

Theo phương án cổ phần hóa, điều kiện để làm đối tác chiến lược của Cảng Hải Phòng là phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 700 tỷ đồng, tổng tài sản ít nhất 1.000 tỷ đồng và hoạt động có lãi trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Cảng Quảng Ninh vừa đưa ra đấu giá 11,3 triệu cổ phần, song khi đấu giá chỉ bán được 7,5% số này và thu về trên 9 tỷ đồng.

Có một điểm chung dễ nhận thấy, việc các cảng biển IPO thất bại, nguyên nhân chính là giá quá cao các nhà đầu tư không mấy mặn mà, bởi ngoài suất đầu tư rất cao, nên khi IPO cổ phần bị ế nặng là những thất bại khó tránh khỏi. Ngoài các yếu tố trên thì việc định giá giá trị tài sản vô hình và các yếu tố liên quan tới thương hiệu của DN chưa cụ thể dẫn tới việc DN lúng túng, xác định sai giá trị và nhiều khi không sát với nhu cầu thực tiễn của thị trường. Đây cũng là hệ quả của việc cổ phần các DN lớn khi IPO không lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư…

Hữu hình giá trị vô hình

Trước vấn đề này, theo ông Phạm Viết Muôn - Phó Ban chỉ đạo đổi mới DN Trung ương, cần phải rà soát lại toàn bộ quá trình định giá của DN sao cho sát với nhu cầu thực tế của thị trường. Trong đó, đổi mới phương thức và cách tính giá hiện nay chưa chuẩn xác dẫn tới việc xác định sai giá trị tài sản của DN. Ngoài yếu tố đất đai được coi là tài sản lớn của DN, thì phương pháp định giá mới lần này sẽ chú trọng tới giá trị và tài sản vô hình và yếu tố thương hiệu của DN.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam thời gian qua, tài sản vô hình nói chung, hay thương hiệu nói riêng, chưa được chính thức công nhận trong các báo cáo tài chính của các DN. Ngay Quyết định 206/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định chưa quy định thương hiệu là tài sản cố định vô hình, nên chưa có cơ sở hạch toán khi các DN tham gia đấu giá, CPH hay IPO lần đầu ra công chúng… Điều này gây nhiều trở ngại và thiệt thòi cho DN trong quá trình định giá DN và khi IPO. Thậm chí nhiều DN lúng túng trong việc định giá thương hiệu khi có nhu cầu cổ phần hóa hay góp vốn bằng thương hiệu.

Đặc biệt, trong quá trình CPH tập đoàn, TCty nhà nước đang được đẩy mạnh trong năm 2015, nếu thương hiệu không đủ cơ sở để xác định là tài sản cố định vô hình, rất có thể nhà nước sẽ mất đi một lượng tài sản đáng kể khi mà các thương hiệu Vietnam Airlines, Vinaphone, MobiFone... đang là tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư.

Sống là không chờ đợi...

Nói như vậy, không có nghĩa là trong thời gian qua, không có những IPO thành công. Khi IPO vào cuối năm 2008, giá bình quân của Vietinbank chỉ là 20.265 đồng một cổ phiếu, bằng 20% so với Vietcombank. Thế nhưng, sau đó, ngân hàng này dễ dàng tìm được 2 đối tác chiến lược nước ngoài lớn, và cán bộ công nhân viên cũng được hưởng lợi không nhỏ từ việc cổ phiếu tăng giá (được mua ưu đãi chỉ với hơn 12.000 đồng một cổ phiếu). Vào thời điểm này giá của Vietinbank cũng xoay quanh mức 19.000 đồng một cổ phiếu - tương đương với giá cổ phiếu ưu đãi bán cho nhân viên).

Theo ông Muôn, việc đưa chính sách giá cổ phần cho DN khi CPH và IPO sẽ được Bộ Tài Chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN xem xét một cách thận trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN nhằm xử lý những khó khăn, vướng mắc sớm trình Chính phủ phương án phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Tuy vậy, trong lúc chờ đợi sự thay đổi của các cơ quan về vấn đề định giá tài sản DN thì cần nhiều hơn những “Vietinbank” để tiến trình CPH không bị trì hoãn, đảm bảo cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế về đẩy nhanh cải cách nói chung và đổi mới hệ thống DNNN nói riêng chứ không đơn thuần là việc bán được cổ phần với giá cao.