Định hướng áp dụng cơ sở giá trị hợp lý tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế

ThS. Nguyễn Thanh Huyền - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Trước sức ép của yêu cầu hội nhập và cả sức ép của yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường, việc sử dụng giá trị hợp lý ở Việt Nam đã có những bước khởi đầu nhất định song vẫn cần có một định hướng sử dụng rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính kế toán cho rằng, để tiến tới sử dụng giá trị hợp lý như là một cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán và áp dụng cơ sở giá trị hợp lý tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế cần phải có lộ trình hợp lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các quan điểm về giá trị hợp lý

Giá trị hợp lý là một thuật ngữ mới trong lĩnh vực kế toán. Trong các lý thuyết về kế toán, giá trị hợp lý không được đề cập như một loại giá độc lập trong khuôn mẫu lý thuyết chung nhưng nó trở thành một xu hướng quan trọng trong những năm gần đây.

Trên thế giới, giá trị hợp lý bắt đầu trở thành một cơ sở tính giá trong kế toán từ cuối những năm 1990. Trải qua thời gian, khái niệm giá trị hợp lý và việc đo lường giá trị hợp lý được hoàn thiện rõ ràng và cụ thể hơn.

Trước khi các chuẩn mực kế toán về giá trị hợp lý được ban hành, định nghĩa giá trị hợp lý được đề cập trong các chuẩn mực kế toán cụ thể của Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB). Cụ thể, Chuẩn mực kế toán quốc tế 16 (IAS 16) - Tài sản, nhà cửa và thiết bị khẳng định, “giá trị hợp lý là tài sản có thể đem trao đổi giữa các bên có hiểu biết, có thiện chí trong một giao dịch ngang giá”.

Trong khi đó, theo Hội đồng Chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ (FASB), giá trị hợp lý theo chuẩn mực kế toán FAS 157 (ban hành năm 2006) thì giá trị hợp lý là mức giá có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc phải trả khi thanh toán một khoản nợ trong một giao dịch bình thường giữa các bên tham gia thị trường tại ngày định giá.

Tuy nhiên, do một số chuẩn mực kế toán được ban hành đã đưa ra các hướng dẫn chưa đầy đủ về cách xác định giá trị hợp lý, trong khi đó một số chuẩn mực khác có hướng dẫn chi tiết nhưng lại không nhất quán, chính vì vậy, Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế số 13 (IFRS 13) - Xác định giá trị hợp lý đã được ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 để khắc phục hạn chế sự không nhất quán của các chuẩn mực khác.

Theo IFRS 13, giá trị hợp lý là giá sẽ nhận được khi bán một tài sản hoặc thanh toán một khoản nợ phải trả trong một giao dịch thị trường có trật tự giữa các thành phần tham gia thị trường tại ngày đo lường. Khái niệm giá trị hợp lý trong chuẩn mực này nhấn mạnh giá trị hợp lý được xác định trên cơ sở giá thị trường, không phải theo DN.

IFRS 13 được đánh giá là đã phát triển nhất quán và giảm thiểu độ phức tạp bằng cách cung cấp, một định nghĩa chính thức về giá trị hợp lý, thống nhất phương pháp đo lường giá trị hợp lý và yêu cầu công bố thông tin để sử dụng trong hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế.

Bảng 1: Lợi ích của việc sử dụng giá trị hợp lý

STT

Lợi ích

1

Giá trị hợp lý phản ánh được những thay đổi của thị trường

2

Những giả định dùng để ước tính Giá trị hợp lý có thể được xác định và kiểm chứng, ngày càng mang tính khách quan hơn

3

Các mô hình định giá cho những trường hợp không có giá thị trường hiện đang phát triển và từng bước hoàn thiện

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Chế độ kế toán Việt Nam hiện nay được xây dựng trên cơ sở phương pháp kế toán theo giá gốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng từng bước được cập nhật theo phương pháp giá trị hợp lý, kết hợp kế toán theo giá gốc và đánh giá lại phù hợp với đặc điểm của từng loại tài sản và thời điểm lập BCTC.

Theo đó, giá trị hợp lý đã được đề cập đến từ hơn 10 năm nay, và đầu tiên được định nghĩa trong Chuẩn mực kế toán số 14 - Doanh thu và thu nhập khác: “Giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong trao đổi ngang giá”.

Tại Việt Nam, giá trị hợp lý được sử dụng chủ yếu trong ghi nhận ban đầu, chẳng hạn: Ghi nhận ban đầu tài sản cố định, doanh thu, thu nhập khác, ghi nhận ban đầu và báo cáo các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, xác định giá phí hợp nhất kinh doanh…

Ngày 20/03/2006, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 21/2006/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá trị hợp lý trong xác định giá phí hợp nhất kinh doanh. Gần đây, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 200/2014/TT-BTC, trong đó đề cập đến một số trường hợp cụ thể liên quan đến giá trị hợp lý (Đối với chứng khoán kinh doanh; hàng tồn kho; tài sản cố định và doanh thu, chi phí).

Ngoài ra, Luật Kế toán sửa đổi 2015 cũng đã đề cập rõ hơn về giá trị hợp lý. Cụ thể, Luật Kế toán 2015 bổ sung khái niệm giá trị hợp lý là giá trị được xác định phù hợp với giá thị trường, có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị.

Sau khi ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập BCTC. Nhờ đó, khắc phục hạn chế của quy định kế toán hiện hành là quy định hạch toán theo giá gốc, bởi chưa phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập BCTC.

Một số quan điểm đối lập

Việc áp dụng các cơ sở định giá tài sản theo giá thị trường thay thế dần nguyên tắc giá gốc tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây cho thấy, xu thế định giá tài sản trên BCTC đang hướng đến giá trị hợp lý, kết hợp nhiều loại giá khác nhau nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu thông tin của người sử dụng và tạo thuận lợi cho công tác kế toán.

Vì thế, kế toán theo giá trị hợp lý là một lựa chọn tất yếu. Giá trị hợp lý phát triển mạnh trong kế toán, nhất là trong các hoạt động liên quan đến công cụ tài chính, tạo thành một trào lưu kế toán theo giá trị hợp lý hay theo thị trường.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn không ít những tranh luận xung quanh việc sử dụng giá trị hợp lý. Các quan điểm ủng hộ giá trị hợp lý trong kế toán đề cập đến cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy, giá trị hợp lý là cơ sở tính giá phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay - giai đoạn của sự phát triển, giai đoạn của công nghệ thông tin, giai đoạn của hội nhập kinh tế.

Các nhà đầu tư, các chủ thể kinh tế luôn muốn nắm bắt và cập nhật những thông tin tài chính chính xác nhất, nhanh nhất và phù hợp nhất với hiện tại, được tiếp cận trên cơ sở thị trường. Chính vì vậy, mục tiêu của thông tin kế toán tài chính đã được xác lập khá rõ, đáp ứng yêu cầu ra quyết định kinh tế của các chủ thể có lợi ích liên quan. Chẳng hạn, thông tin trên cơ sở giá trị hợp lý được chứng minh là thích hợp cho việc ra quyết định trên cơ sở dự báo về dòng tiền tương lai của DN.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng thừa nhận rằng, xác định giá trị hợp lý không phải là điều dễ dàng trong một số trường hợp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường Việt Nam chưa phát triển. Phía quan điểm này cũng cho rằng, việc ghi nhận dựa trên giá gốc sẽ không đem lại cái nhìn đúng đắn về tình hình tài chính của DN, đặc biệt đối với danh mục tài sản - phần mà giá trị hợp lý thay đổi theo thời gian như nhà, đất, thiết bị…

Trong khi đó, không ít người đề cao phương pháp giá gốc lại nghi ngờ về tính đáng tin cậy và phương pháp xác định giá trị hợp lý, đặc biệt là trong trường hợp không có dữ liệu quan sát trực tiếp về giá cả của thị trường để xác định giá trị hợp lý.

Tính chủ quan và thiếu độ tin cậy về việc đo lường giá trị hợp lý có nguy cơ cao khi thực hiện các điều chỉnh trên cơ sở xét đoán và giả định của đơn vị báo cáo. Mặt khác, cơ sở pháp lý và những chi phí bỏ ra để xác định giá trị hợp lý ở những nước đang phát triển là rất khó khăn. Trong khi đó, việc sử dụng giá gốc giúp đánh giá trách nhiệm giải trình, các lập luận phê phán cho rằng để đạt được mục tiêu này không nhất thiết phải phản ánh các giao dịch dựa trên quá khứ (giá gốc).

Quan điểm không ủng hộ giá trị hợp lý cũng đã đưa ra những hệ quả do áp dụng giá trị hợp lý ở các thị trường tài chính lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu là một nguyên nhân gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế. Đặc biệt, trong trường hợp hoạt động của thị trường không hiệu quả, có thể dẫn đến thông tin tài chính bị “bóp méo” ảnh hưởng tiêu cực đến các quyết định của người sử dụng thông tin…

Định hướng áp dụng cơ sở giá trị hợp lý ở Việt Nam

Theo xu hướng phát triển chung của thế giới, giá trị hợp lý rất thiết thực và nên áp dụng. Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, môi trường kinh doanh luôn thay đổi và vấn đề lạm phát là tất yếu, thông tin về giá trị tài sản trên BCTC nếu chỉ trình bày theo giá gốc sẽ không thích hợp đối với các đối tượng sử dụng thông tin.

Việc sử dụng giá trị hợp lý phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế không những đáp ứng yêu cầu hội nhập, các tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế mà còn đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kế toán. Nhằm áp dụng cơ sở giá trị hợp lý tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, trong thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trên cơ sở Luật Kế toán mới ban hành, các cơ quan liên quan cần ban hành hướng dẫn áp dụng giá trị hợp lý, chuẩn hoá các định nghĩa giá trị hợp lý, nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để xác định các loại tài sản được đưa vào danh mục tài sản được điều chỉnh theo giá trị hợp lý, cơ sở xác định giá trị hợp lý, phương pháp kế toán theo giá trị hợp lý, những nội dung, phạm vi các thông tin cần công bố trên BCTC.

Hiện nay, mặc dù Luật Kế toán 2015 đã đưa ra vấn đề giá trị hợp lý nhưng cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng, chuẩn hóa định nghĩa, giải thích và đưa ra phương pháp xác định giá trị hợp lý, cụ thể…

Thứ hai, để giá trị hợp lý thực sự tồn tại, phải có một môi trường kinh doanh phù hợp. Do vậy, cần từng bước hoàn chỉnh một hệ thống thị trường hoạt động; đồng bộ và minh bạch hóa hành lang pháp lý về kinh doanh. Thị trường hàng hóa và thị trường tài chính Việt Nam phải được xây dựng ngày càng đồng bộ, hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các dữ liệu tham chiếu trong đo lường giá trị hợp lý.

Tiếp tục đẩy nhanh hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước, góp phần tạo “sân chơi” bình đẳng cho các DN, đồng thời, phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn thu hút đầu tư nước ngoài, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và nâng cao môi trường kinh doanh. Đây chính là nhân tố quan trọng tác động đến việc vận dụng giá trị hợp lý trong kế toán.

Thứ ba, cần bổ sung các quy định về định giá theo hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, trình bày thông tin về giá trị hợp lý trên BCTC, từ đó, tiến tới việc xây dựng chuẩn mực kế toán đo lường giá trị hợp lý.

Trước mắt, tiếp tục và hoàn thiện việc ban hành các chuẩn mực còn thiếu, đặc biệt là cần ban hành chuẩn mực đo lường giá trị hợp lý phù hợp với điều kiện áp dụng giá trị hợp lý theo IFRS 13.

Thứ tư, cần có lộ trình hợp lý, tính toán phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng giai đoạn phát triển. Thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ, hệ thống thông tin hỗ trợ còn hạn chế, nếu áp dụng toàn bộ theo chuẩn mực quốc tế sẽ ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy của thông tin được định giá theo giá trị hợp lý.

Cơ sở hạ tầng thông tin kinh tế của các DN cũng còn hạn chế, trình độ kế toán viên chưa đồng đều, nên việc áp dụng ngay giá trị hợp lý cũng có thể dẫn đến không ít bất cập.

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tăng cường các hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận về việc phát triển và sử dụng giá trị hợp lý trong định giá, từ cơ quan chức năng, người làm công tác kế toán, cho đến các đối tượng sử dụng thông tin trên BCTC.   

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán Việt Nam năm 2015;

2. Bộ Tài chính, Chuẩn mực Kế toán Việt Nam;

3. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 21/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 hướng dẫn kế toán thực hiện 4 chuẩn mực kế toán;

4. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán DN ngày 22/12/2014;

5. PGS., TS. Ngô Thị Thị Thu Hồng, TS. Bùi Thị Hằng, Nguyên tắc giá trị hợp lý theo Luật Kế toán: Lý luận và định hướng áp dụng ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính số tháng 11/2016;

6. ThS. Dương Thị Thanh Hiền (2017) Giá trị hợp lý và giá gốc trong kế toán: Định hướng áp dụng để phù hợp với thông lệ quốc tế, Tạp chí Tài chính tháng 12/2017;

7. Nguyễn Thị Thu Thủy (2016), Những điểm mới trong Luật Kế toán sửa đổi, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.