Định hướng dài hơi cho ngành Công nghiệp hỗ trợ

PV.

Mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã và đang là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhưng hiện nay, ngành CNHT vẫn còn rất thiếu và yếu bởi nhiều rào cản như thị trường, nguồn lực, đất đai, công nghệ và đặc biệt là nguồn vốn. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và áp lực cạnh tranh ngày càng tăng cần có những định hướng dài hơi để ngành CNHT khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiềm lực còn thiếu và yếu

Ông Trần Văn Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN cho biết, đến nay mới chỉ có 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chiếm khoảng 0,3% DN trên cả nước. Phần nhiều trong số này là các DN nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh yếu, tham gia chuỗi cung ứng ở mức rất thấp; giá trị gia tăng không nhiều do chủ yếu là gia công, lắp ráp, khó đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đúng tiến độ và chi phí hợp lý theo yêu cầu của các đơn đặt hàng.

Theo các chuyên gia nhận định, cùng với những trở ngại về thị trường, nguồn lực, đất đai, công nghệ thì khó khăn về nguồn vốn đang được coi là “nút thắt” chính, kìm hãm sự phát triển ngành CNHT.

Về bài toán vốn cho CNHT, theo ông Quang, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tài trợ cho CNHT, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa thông qua thành lập các quỹ để trợ giúp.

Theo đó, đến hết năm 2015, đã có khoảng 40 quỹ tài chính các loại được thành lập và hoạt động với nguồn vốn khá đa dạng và có quy định riêng về chế độ quản lý tài chính, kế toán. Tuy nhiên, do quy định và cách hiểu còn khác nhau nên hầu hết các quỹ này đều chỉ được mở tài khoản tại kho bạc vì thế không thực hiện chức năng cho vay theo hình thức tín dụng.

Trong khi đó, nguồn NSNN được bố trí cho quỹ để thực hiện hỗ trợ theo hình thức cho vay lại phải thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng. Đây chính là vướng mắc lớn nhất đã và đang hạn chế khả năng tiếp cận và làm mất cơ hội đầu tư của các DN CNHT.

Bàn về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các quỹ hỗ trợ, cho vay đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả; gặp khó khăn trong khả năng thẩm định các dự án, đề án đặc biệt liên quan đến việc vay trả của các dự án, đề án. Đặc biệt, tỷ lệ nguồn vốn của Việt Nam đang khập khiễng, mất cân đối.

Thêm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Samsung nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đang nỗ lực để liên kết các doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu của mình. Hiện nay, 63 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chuỗi cung ứng của Samsung. Con số này đã phần nào thể nhiện năng lực của các doanh nghiệp Việt ngày càng tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Lee Sang Su, Tổng giám đốc Khu phức hợp điện tử gia dụng và công nghệ Samsung TP. Hồ Chí Minh (SEHC) cho biết, vừa qua, đại diện công ty Samsung đã đến làm việc với 3 công ty Việt Nam: Ngân Hà, Phước Thành, Minh Đạt hiện đang là nhà sản xuất và phân phối các linh, phụ kiện cho Samsung tại TP. Hồ Chí Minh, để đánh giá và thẩm định năng lực trong việc cung ứng linh, phụ kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.

Đây là ba trong số các doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn để giới thiệu về tiêu chuẩn sản xuất, chất lượng sản phẩm cung cấp cho Samsung. Đợt đánh giá này nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ chuyên gia tư vấn của Samsung, nhằm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho công ty.

Mới đây, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam, ông Han Myoungsup, cùng ban lãnh đạo công ty cũng đã đến khảo sát năng lực của Công ty Dây và Cáp điện Ngọc Khánh và công ty In và Bao bì Goldsun, để đánh giá và thẩm định năng lực trong việc cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung Việt Nam.

Theo Samsung, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt trước và sau quá trình cải tiến. Tuy nhiên, bên cạnh việc nhân được sự hỗ trợ từ Samsung, các doanh nghiệp Việt Nam câng cung cấp sản phẩm chất lượng cao, giao hàng đúng hạn và liên tục cải tiến.

Thông tin cho biết, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của Samsung nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng Việt, con số các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng lên mạnh mẽ. Từ 4 nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt, hiện Samsung đã có 11 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1, cùng 52 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 2. Như vậy, tổng số có 63 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chuỗi cung ứng của Samsung.

Ông Han Myoung-sup nhận định, con số này sẽ còn lớn hơn nữa, bởi theo, Samsung sẽ tiếp tục quá trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam để DN đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung. Và đó là cách để Samsung góp phần quan trọng mở lối cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Định hướng dài hơi cho ngành Công nghiệp hỗ trợ

Để khơi thông các giải pháp về vốn, TS Cấn Văn Lực chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra một số khuyến nghị cụ thể như:

Chính phủ cần sớm hoàn thiện và cập nhật chiến lược phát triển ngành CNHT thông qua việc ban hành chương trình phát triển CNHT 2016 – 2025 và sớm thành lập Quỹ phát triển CNHT.

Ngoài ra, cần hoàn thiện quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm, các cụm công nghiệp để đẩy mạnh liên kết vùng, kết hợp chỉ đạo phát triển cân bằng hơn thị trường tài chính theo hướng giảm áp lực vốn trung và dài hạn từ hệ thống ngân hàng; tăng các nguồn cung vốn khác từ thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh, quỹ khởi nghiệp sáng tạo cho CNHT.

Đối với các định chế tài chính, cần thiết kế các gói sản phẩm riêng biệt cho DN ngành CNHT; tăng cường thực hiện cho vay theo chuỗi cung ứng và hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác, thị trường; đặc biệt là cần phải đơn giản hóa thủ tục vay vốn và nâng cao trình độ nhân viên thẩm định dự án CNHT.

Doanh nghiệp CNHT cần nghiên cứu kỹ thị trường và chuỗi cung ứng ngành nghề. Đồng thời chủ động liên kết, hợp tác liên doanh với các DN trong và ngoài nước, nhất là các DN FDI để nâng cao sức cạnh tranh và tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng. Kinh nghiệm từ Thái Lan, Hàn Quốc đều cho thấy, các DN CNHT, nhất là trong lĩnh vực điện tử và ô tô chỉ thực sự phát triển và có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng khi liên doanh, liên kết được với DN nước ngoài.