Định hướng đổi mới cơ chế tự chủ đối với giáo dục đại học công lập

Nguyễn Quang Thành - Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính)

Sau hơn 10 năm triển khai Nghị định số 43/2006/NĐ-CP (ngày 25/4/2006) của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay các đơn vị sự nghiệp nói chung và đơn vị sự nghiệp ngành Giáo dục nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định, song cũng gặp những khó khăn trong triển khai quy định này. Nhằm khắc phục những tồn tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập trình Chính phủ ban hành, trong đó, đề xuất nhiều nội dung mới nhằm tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ngày 25/4/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau hơn 7 năm thực hiện, Nghị định 43/2006/NĐ-CP đã đạt được kết quả nhất định đối với các đơn vị sự nghiệp nói chung và đơn vị sự nghiệp ngành giáo dục nói riêng.

Cụ thể như: Góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính; Mở rộng hoạt động để tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho người lao động; Tăng tích lũy cho đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục và đào tạo; Các đơn vị đã được chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng kinh phí.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Nghị định 43/2006/NĐ-CP còn vướng một số hạn chế như: Ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn thực hiện cấp phát theo cách bình quân, chưa gắn kết việc giao kinh phí cho đơn vị với số lượng, chất lượng dịch vụ giáo dục và đào tạo, nên chưa khuyến khích các đơn vị nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, nguồn thu chính của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) là nguồn thu học phí với mức rất thấp, chỉ đáp ứng một phần nhỏ chi phí đào tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục...

Từ những tồn tại, hạn chế trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP (Nghị định khung áp dụng chung cho các đơn vị sự nghiệp).

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 95/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP, trong đó giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Để cụ thể hóa các nội dung, hiện nay Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng Nghị định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập hướng theo các mục tiêu sau:

i) Tăng cường hơn nữa việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học.

ii) Xây dựng lộ trình, từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, phí cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo theo hướng từng bước tính đủ chi phí đào tạo, phù hợp với khả năng NSNN và khả năng chi trả của người dân, tạo điều kiện cơ cấu lại ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

iii) Phân định rõ giá, phí theo từng loại dịch vụ giáo dục, đào tạo được hỗ trợ NSNN và dịch vụ giáo dục, đào tạo không được NSNN hỗ trợ; Phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị được giao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính gắn với mức độ tự chủ về tài chính và chuyên môn của đơn vị.

iv) Thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng giao nhiệm vụ cho các đơn vị dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

v) Tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật tạo căn cứ pháp lý rõ ràng, minh bạch đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, dự thảo Nghị định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập đề xuất các nội dung nhằm tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển giá dịch vụ theo cơ chế thị trường, trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý. Cụ thể:

Về giá dịch vụ giáo dục đào tạo

Theo dự thảo Nghị định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập, học phí và giá dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quy định cụ thể như sau:

- Học phí được quy định cụ thể đối với từng loại hình đơn vị tự chủ: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được tự quyết định mức thu học phí; Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, được thực hiện mức thu tính đủ chi phí đào tạo; Đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, được thực hiện mức thu theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo; Đơn vị do ngân sách đảm bảo chi thường xuyên, thực hiện mức thu học phí theo quy định hiện hành.

- Đối với dịch vụ khác trong lĩnh vực GD&ĐT sử dụng NSNN: Giá dịch vụ được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí, cụ thể: Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

- Đối với dịch vụ khác trong lĩnh vực GD&ĐT không sử dụng NSNN: Các đơn vị được tự xác định giá bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy theo quy định pháp luật về giá.

Về điều kiện thực hiện tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học

Để bảo đảm phù hợp với Luật GDĐH, quy định tự chủ phải căn cứ vào kết quả kiểm định và năng lực chuyên môn, dự thảo Nghị định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập quy định các cơ sở GDĐH: Tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Tự bảo đảm chi thường xuyên; Tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Đơn vị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên được thực hiện tự chủ về hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, khi bảo đảm các điều kiện:

Đã xác định rõ sứ mệnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguồn lực và định hướng phát triển của nhà trường; Đã thành lập Hội đồng trường; Đảm bảo tỷ lệ học sinh, sinh viên chính quy/giáo viên, giảng viên cơ hữu theo quy định hiện hành; Đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Không vi phạm các quy định khác về tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo; Đã đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định; Có giải pháp tự chủ về tài chính để tạo được các nguồn tài chính hợp pháp, đáp ứng các hoạt động của nhà trường.

Tự chủ về hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ

Tự chủ thực hiện hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ được quy định theo 4 mức tự chủ khác nhau, mức độ tự chủ sẽ giảm dần phù hợp với 4 loại đơn vị: Tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tự bảo đảm chi thường xuyên; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Cụ thể:

Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được tự chủ:

- Mở ngành đào tạo trong danh mục cấp IV hoặc thí điểm mở ngành đào tạo ngoài danh mục cấp IV theo nhu cầu xã hội, khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ GD&ĐT; Quyết định quy mô đào tạo của đơn vị mình, xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo nhu cầu xã hội; Quyết định các hoạt động đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Quyết định liên kết đào tạo; Thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng.

- Quyết định mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, bố trí ngân sách dành cho hoạt động khoa học công nghệ; Quyết định hướng nghiên cứu, phương thức thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học...

Ngoài ra, để đảm bảo công bằng cho các cơ sở GDĐH chưa có khả năng tự đảm bảo về tài chính nhưng có năng lực về chuyên môn, dự thảo Nghị định cho phép các đơn vị có năng lực tốt về chuyên môn cũng được thực hiện tự chủ các nội dung trên nếu đáp ứng các điều kiện sau:

Được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của tổ chức đánh giá/kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế được Bộ GD&ĐT công nhận, hoặc đạt kết quả kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH theo quy định hiện hành của Việt Nam ở mức đạt từ 90% trở lên số tiêu chí đạt yêu cầu và có ít nhất 10% giảng viên cơ hữu giảng dạy các môn chuyên ngành ở tất cả các ngành, chuyên ngành đang được đào tạo có bài báo, công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có tên trong danh mục ISI, Scopus trong ba năm gần nhất.

Đối với cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm chi thường xuyên được tự chủ:

- Mở ngành đào tạo trong danh mục cấp IV khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ GD&ĐT; Quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về liên kết đào tạo trong nước và nước ngoài; Xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo nhu cầu xã hội; Quyết định các hoạt động đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra; Thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng.

- Quyết định mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, bố trí ngân sách dành cho hoạt động khoa học công nghệ. Ngoài ra, đối với các đơn vị không tự đảm bảo chi thường xuyên nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Đạt kết quả kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH theo quy định hiện hành của Việt Nam; Tỷ lệ giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 30% tổng số giảng viên; Có ít nhất 80% giảng viên cơ hữu có công trình khoa học được xét tính điểm theo quy định của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước trong ba năm gần nhất... 

Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được tự chủ:

- Quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về liên kết đào tạo trong nước và nước ngoài; Xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo nhu cầu xã hội; Quyết định các hoạt động đào tạo, bảo đảm, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng và tự chủ các nội dung khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Quyết định mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, bố trí ngân sách dành cho hoạt động khoa học công nghệ. 

Đơn vị do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên cũng được thực hiện tự chủ về hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ theo quy định hiện hành.

Tự chủ tổ chức bộ máy

Về cơ bản các cơ sở GDĐH đã được giao tự chủ toàn bộ về tổ chức bộ máy, dự thảo Nghị định chỉ bổ sung quy định để nâng cao vị thế và vai trò giám sát của Hội đồng trường, cụ thể: Hiệu trưởng hoặc Giám đốc các cơ sở GDĐH học được quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các phòng, ban chức năng; khoa, bộ môn; tổ chức khoa học và công nghệ; tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng trường.

Một điểm mới trong dự thảo Nghị định quy định tự chủ về tổ chức bộ máy, đó là đối với cơ sở GDĐH tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở GDĐH tự bảo đảm chi thường xuyên được tự chủ xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp (trước đây phải báo cáo cơ quan chủ quan phê duyệt); Tự chủ quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng công chức, viên chức hàng năm báo cáo cơ quan chủ quản để tổng hợp báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định.

Tự chủ về tài chính

Ngoài các nội dung tự chủ về tài chính đã được quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, dự thảo Nghị định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập dự kiến sẽ đẩy mạnh tự chủ tài chính như đối với các trường đại học đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ quy định tại Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017.

Theo đó, đối với nội dung quan trọng nhất là thu học phí, đơn vị quyết định mức thu học phí tính đủ chi phí đào tạo áp dụng cho năm học 2020 – 2021...

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

2. Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP;

3. Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017.