Định vị DATC trong giải quyết nợ xấu ngân hàng

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính đang được kỳ vọng là nhân tố xử lý nợ xấu ngân hàng hiện nay. Thậm chí, nhiều ý kiến đề xuất nên chuyển đổi thành Công ty Mua bán nợ Quốc gia để xử lý nợ xấu.

Thế nhưng, với số vốn 2.000 tỉ đồng được giao, sau 8 năm hoạt động, DATC còn chưa dùng hết thì xử lý thế nào với khoản nợ xấu khổng lồ 202.000 tỉ đồng? DATC chỉ có nhiệm vụ xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước, vậy liệu đơn vị này có thể xử lý được nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, vốn dính dáng đến mọi thành phần kinh tế?

Rào cản đầu tiên chính là sự mâu thuẫn thể hiện ngay trong mục tiêu hoạt động của DATC. Đó là vừa phải xử lý nợ tồn đọng và hỗ trợ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhưng lại vừa phải hoạt động có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn giống một doanh nghiệp kinh doanh thông thường.

Sau 8 năm hoạt động, DATC đã mua nợ để tái cơ cấu cho 74 doanh nghiệp với giá trị các khoản nợ theo sổ sách kế toán là trên 6.520 tỉ đồng, giá vốn mua nợ là 1.647 tỉ đồng. Thế nhưng, đây là các khoản nợ phải thu hoặc phải trả trực tiếp từ doanh nghiệp. Còn với nợ xấu hiện nay được hiểu chủ yếu là nợ xấu của ngân hàng. Theo DATC, so với tổng số nợ xấu, mức độ mua và xử lý nợ của DATC còn khiêm tốn, chưa được tham gia xử lý nợ trong những trường hợp phức tạp.

Đi cụ thể vào từng loại nợ xấu, đầu tiên xét về nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước với ngân hàng. Nếu nói vai trò của DATC chủ yếu xử lý nợ cho doanh nghiệp nhà nước thì hiện vẫn chưa có con số chính thức về số nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước với ngân hàng là bao nhiêu trong khoảng 202.000 tỉ đồng nợ xấu hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng nhấn mạnh đến điều này. Bởi theo ông, nợ xấu của Việt Nam khá khác so với các nước là nợ ở khu vực doanh nghiệp nhà nước rất lớn. Nếu DATC không biết họ đối đầu với bao nhiêu nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước thì khó có biện pháp kịp thời và chính xác để xử lý.

Ông Phạm Thanh Quang, Tổng Giám đốc DATC, đề nghị cần sớm phân loại nợ xấu, nếu không khó có thể xử lý nợ xấu trong thời gian ngắn. Trong đó, đối với nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, Nhà nước không cần can thiệp, trừ một số dự án sắp hoàn thành. Thay vào đó, nên tập trung xử lý nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu...

Sự phức tạp trong xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước với ngân hàng còn thể hiện ở chỗ, doanh nghiệp nhà nước vay ngân hàng không phải lúc nào cũng có tài sản thế chấp, mà có nhiều khoản vay tín chấp. Ông Đình Ánh đã đặt câu hỏi: “Vậy cơ sở nào để xử lý nợ doanh nghiệp nhà nước?”. Hơn nữa, theo ông, cần xác định lại mục tiêu của DATC khi xử lý nợ xấu, đó là mục tiêu phi lợi nhuận hay lợi nhuận. Nếu xử lý nợ xấu với mục đích phi lợi nhuận, làm sạch nợ cho hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước thì đừng nói 2.000 tỉ đồng, đến cả 200.000 tỉ đồng DATC cũng dễ dàng tiêu hết.

Khi nói đến khoản nợ xấu chung khổng lồ hiện nay, DATC lại còn gặp nhiều khó khăn hơn. Theo bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, dù nợ xấu nhóm 5 của doanh nghiệp với ngân hàng chỉ là 10% hay 20% tổng giá trị nợ xấu thì năng lực tài chính của DATC quá nhỏ bé để có thể xử lý ổn thỏa. Nếu so với mức nợ xấu ước hơn 200.000 tỉ đồng thì DATC sẽ chỉ có thể xử lý được 3,6%.

“Trong khi vốn DATC ít thì nợ xấu ngân hàng rất phức tạp. Kèm theo đó là việc phải đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp và xem xét các điều kiện tài sản đảm bảo... Vì thế, cần phải có năng lực thẩm định và những con người giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Nếu không, đôi khi nợ xấu lại càng xấu”, bà Mùi phân tích.

Trong khi đó, không phải ngân hàng nào cũng muốn bán nợ cho DATC. Hiện có 18 công ty mua bán nợ của các ngân hàng, nhưng theo một chuyên gia tài chính (không muốn nêu tên), hoạt động này chủ yếu để làm đẹp số liệu trước các kỳ chốt sổ sách kế toán của quý hay năm tài chính. Như vậy, liệu các ngân hàng có muốn khai thật nợ xấu khi bán cho DATC hay không còn là một dấu hỏi lớn. Chính Phó Tổng Giám đốc DATC, ông Phạm Mạnh Thường cũng nêu lên khó khăn là các ngân hàng không muốn bán nợ cho DATC và nếu bán thì cũng bán với giá đắt đỏ thay vì chiết khấu nợ. Do đó, DATC đề nghị phải có chính sách bắt buộc các ngân hàng phải xử lý nợ xấu.

Mặc dù có nhiều rào cản với DATC trong xử lý nợ xấu, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, nên đặt trọng tâm việc xử lý nợ xấu vào DATC. Kèm theo đó phải chuyển đổi mô hình hoạt động của DATC thành Công ty Mua bán nợ Quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Lưu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, trước khi chuyển đổi thành Công ty Mua bán nợ Quốc gia, cần đánh giá xem DATC đã làm được gì và nếu chuyển đổi thì có phù hợp với nhiệm vụ xử lý nợ hiện nay hay không.

Về vấn đề này, ông Quang, DATC, cho biết Công ty đã có đề án trình Bộ Tài chính, sắp tới sẽ trình Thủ tướng Đề án nâng cao năng lực của DATC, hướng tới là tăng nguồn lực, tăng quy mô. Nhưng theo ông Quang, không thể chỉ giao phó cho DATC xử lý nợ xấu, mà cần thành lập thêm các tổ chức để xử lý nợ xấu.

Đề xuất của ông Quang chính là một gợi ý để huy động vốn xã hội cùng tham gia xử lý nợ xấu. Theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể ứng vốn trước cho định chế tài chính mua bán nợ quốc gia, nhưng bản thân định chế tài chính này sau khi thành lập cần phát hành chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu để thu hút vốn. Sau đó, dùng nguồn vốn đó xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là các gợi ý, còn thực tế, câu chuyện vốn cho một công ty mua bán nợ quốc gia vẫn chưa có câu trả lời. Định vị DATC trong giải quyết nợ xấu ngân hàng - Ảnh 1