DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Khi "công" thành "tội"

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Việc rót vốn vào các lĩnh vực kinh doanh "nóng" như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán… từng được xem là thành tích đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sau cơn khủng hoảng vừa qua, thành tích ấy đang trở thành gánh nặng khó xử lý, dù Chính phủ đã thúc giục các DN nhanh chóng thoái vốn. Bơm tiền dễ, giờ thu về khó khăn, khiến dư luận đặt câu hỏi về nỗ lực tái cơ cấu của DNNN?

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đến cuối năm 2010, tổng các khoản đầu tư tài chính của 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 37.735 tỷ đồng, chiếm 6,46% tổng tài sản. Trong đó, có 11.956 tỷ đồng vốn đầu tư ngắn hạn và 25.779 tỷ đồng đầu tư dài hạn. 

Mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với vốn điều lệ, tổng tài sản của các DN không lớn, nhưng đa số là đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực "nóng" như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư… và đạt hiệu quả rất thấp, gây ảnh hưởng tới nhiệm vụ kinh doanh chính. 

Hết "duyên"  còn nợ

Trong "thành tích" đầu tư ngoài ngành, phải kể đến khoản đầu tư hơn 4.551 tỷ đồng của Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chiếm tới 4,13% vốn điều lệ. Sau một thời gian bơm tiền vào chứng khoán, tài chính, bất động sản…, giấc mơ lợi nhuận của EVN chỉ có mức lợi nhuận khiêm tốn. Tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư đạt 7,83%. Riêng đầu tư vào hoạt động viễn thông lỗ 1.057 tỷ đồng (chưa kể 1.026 tỷ đồng đầu tư thiết bị đầu cuối chưa phân bổ từ năm 2006 - 2008). 

Không chịu thua kém, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng chi ra 1.828 tỷ đồng, chiếm tới 12,09% vốn điều lệ vào tài chính, chứng khoán, bất động sản. Nhưng tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 7,94%. Ở lĩnh vực cơ khí - đóng tàu, lợi nhuận chỉ khiêm tốn ở mức 4,61%, còn lĩnh vực khác chỉ được 0,41%, gần như không hiệu quả. 

Một số DNNN lớn khác cũng vung tiền đầu tư ngoài ngành như Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đầu tư ngoài là 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; Công ty mẹ - Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chi hơn 634 tỷ đồng... Nhưng tỷ suất sinh lời rất thấp, thậm chí bị thua lỗ kéo dài. Nhiều khoản đầu tư cổ phiếu bị tổn thất hoặc không nhận được cổ tức.

 DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Khi "công" thành "tội" - Ảnh 1

Những con số này cho thấy tham vọng đầu tư ngoài ngành của DNNN đã không đem lại hiệu quả như dự tính, ngược lại, gây lãng phí, thất thoát vốn Nhà nước. Hơn nữa, những khoản nợ vay để đầu tư vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn tới khả năng mất thanh khoản, gây nợ xấu lớn cho nền kinh tế. 

Sau quá trình đầu tư kém hiệu quả, các DNNN buộc phải tiến hành tái cơ cấu, trong đó, nhiệm vụ bắt buộc là phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xử lý tồn tại về tài chính. Nhưng, bơm hàng nghìn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành dễ dàng, đến giờ việc thu vốn về lại đang diễn ra khá "đủng đỉnh". Mà một nguyên nhân chậm thoái vốn được đổ cho "thời điểm thị trường" chưa thuận lợi. 

Đơn cử, mới đây, kế hoạch bán đấu giá 25 triệu cổ phần tại Ngân hàng An Bình do EVN sở hữu đã phải tạm hoãn do "vắng bóng" người mua. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) hiện vẫn chưa bán được 2,1 triệu cổ phiếu tại Công ty chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (mã VIG). Lý do vì giá cổ phiếu chào bán tối thiểu 10.600 đồng/cổ phiếu, cao gấp 4 - 5 lần giá thị trường nên khó thu hút nhà đầu tư… 

Có "nhiệt tình"  thoái vốn?

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), thừa nhận những khó khăn của DN khi buộc phải thoái vốn ở thời điểm thị trường ảm đạm. 

Tuy nhiên, ông Tiến cho hay vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã có hướng dẫn tại Nghị quyết 26 và Nghị định 71 của Chính phủ (sẽ hiệu lực vào tháng 9 tới). Đơn cử như trường hợp Vietnam Airlines chuẩn bị bán đấu giá 24 triệu cổ phiếu tại ngân hàng. Ban lãnh đạo DN phải thực hiện đấu giá công khai, tìm đối tác mua, thời điểm đấu giá… 

Theo các quy định mới, khi bán đấu giá cổ phiếu, nếu giá bán trên thị trường thấp hơn giá trị sổ sách thì chủ sở hữu (ở đây là Bộ GTVT) sẽ phải quyết định có bán hay không, trên cơ sở cân nhắc kỹ các yếu tố, tính toán nếu bán thấp hơn giá trị sổ sách thì thiệt hại giảm vốn thế nào.

"Các khoản đầu tư này tính trên tổng thể toàn bộ giá trị vốn Nhà nước giao cho Vietnam Airlines phải được bảo toàn. Chứ nếu bán đi mà gây ra mất vốn, giảm thì không được. Do đó, việc bán vốn phải cân nhắc, tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý vốn Nhà nước tại DN", ông Tiến nói. 

Trước việc lãnh đạo DN sợ trách nhiệm mất vốn Nhà nước khi bán dưới giá trị sổ sách, ông Tiến cho rằng cần phải cân nhắc trên bình diện tổng thể chung ở hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn của DN ra sao. 

Vì có khoản đầu tư lãi, có khoản lỗ, những hoạt động có lãi sẽ bù đắp cho mảng bị thua lỗ. Mà hoạt động có lãi đối với DNNN phải là ngành nghề kinh doanh chính. Xét về tổng thể, phần vốn Nhà nước giao cho DN phải có tăng trưởng hoặc chí ít, cũng được bảo toàn. 

Chính phủ đã giao cho các tập đoàn, tổng công ty xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có phương án để xử lý vấn đề tài chính. Do đó, các DNNN cần suy nghĩ thấu đáo trước khi thoái vốn sao cho hiệu quả, chứ đừng đưa ra một khoản đầu tư mà không bán vốn được đã kêu lên Chính phủ, bộ, ngành là thoái vốn khó khăn.

Nói về sự ì ạch của chương trình thoái vốn ngoài ngành, ông Tiến đặt câu hỏi đáng suy ngẫm: "Vấn đề là các DN đã thực hiện đủ hết các biện pháp chưa? Đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, xây dựng phương án thoái vốn, tính tổng thể việc thoái vốn ảnh hưởng tới cái chung chưa? Nếu chưa tính đủ, tính hết thì không ai có thể quyết định thay việc thoái vốn của DN được, ngay cả chủ sở hữu, bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh...", ông Tiến nhấn mạnh.