Doanh nghiệp bán lẻ nội phải tự vươn lên

Theo canhtranhquocgia.vn

(Tài chính) Sự có mặt ngày càng nhiều các "đại gia" bán lẻ nước ngoài ở Việt Nam làm thị trường trở nên cạnh tranh gay gắt nhưng cũng là động lực thúc đầy các doanh nghiệp (DN) trong nước phải tự vươn lên, hoàn thiện mình.

 Doanh nghiệp bán lẻ nội phải tự vươn lên
Sự có mặt ngày càng nhiều các nhà bán lẻ nước ngoài lớn ở Việt Nam làm thị trường trở nên cạnh tranh gay gắt. Nguồn: internet
Chiến lược và sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư ngoại 

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định, đang có làn sóng các tập đoàn bán lẻ quốc tế tràn vào Việt Nam để săn cơ hội. "Lợi thế dân số trẻ, người lao động ở đô thị có trình độ và thu nhập cao, lại khát khao khẳng định đẳng cấp khiến Việt Nam trở thành thiên đường cho các nhà bán lẻ". Theo Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn Dairy Queen (DQ) toàn cầu, Jean Champagne thì thị trường thức ăn nhanh Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đang rất hấp dẫn và sẽ tăng trưởng nhanh trong 5-10 năm tới. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam thì cho rằng, dù thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các DN trong nước đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Việc xuất hiện các “đại gia” nước ngoài càng khiến cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn.

Khi  AEON - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản vào thị trường Việt Nam, khai trương trung tâm mua sắm lớn Aeon Mall Tân Phú Celadon (TP. Hồ Chí Minh), nhiều người cho rằng đây là một sự đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, chỉ sau gần 5 tháng hoạt động, trung tâm đã thu hút số lượng khách đáng kể, trung bình hơn 30.000 lượt/ngày, trên dưới 100.000 lượt ngày cuối tuần và ngày lễ. AEON sẽ mở thêm các Trung tâm mới ở Bình Dương và Hà Nội. Các nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam không chỉ với bề dày kinh nghiệm, nguồn tài chính lớn, họ còn nghiên cứu rất kỹ nhu cầu thị trường. Họ đặt ra tiêu chí kinh doanh “Dành cho khách hàng Việt sự chăm chút từ khu vực thay tã, pha sữa đến cung cách chào hỏi của nhân viên”. Sức cạnh tranh của AEON không chỉ ở nguồn hàng, tươi, rẻ, khuyến mãi hấp dẫn… mà còn ở các dịch vụ đi kèm: xe bus chở khách, hệ thống bãi đỗ xe miễn phí rộng, thoáng, sạch sẽ; đa dạng các nhà hàng ẩm thực sạch sẽ, mang đậm đặc trưng văn hoá. Các trung tâm thương mại Nhật hướng tới dòng khách không chỉ thị dân mà cả cư dân ngoại thành.

Các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng dù có rất nhiều thế mạnh, như AEON, BigC, Lotteria, Metro, Starbucks, MacDonald…đều nghiên cứu rất kỹ thị trường trước khi vào, nhưng đầu tư cũng rất thận trọng và vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Các thương hiệu ăn, uống lớn nước ngoài thường mở ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó mới từ từ “đổ bộ” ra Bắc và các địa phương khác. Đầu năm 2013, Starbucks, Tập đoàn đồ uống danh tiếng tại Mỹ với hơn 23.000 cửa hàng bán lẻ tại 64 quốc gia trên toàn cầu, chọn TP. Hồ Chí Minh để mở cửa hàng đầu tiên, tới nay đã có 8 cửa hàng. Ông Jean Champagne của Tập đoàn DQ cho biết, TP. Hồ Chí Minh là thị trường mục tiêu mà DQ muốn mở rộng thị phần trong khu vực Đông Nam Á.

Giám đốc điều hành Công ty D'Corp R-Keeper James Dương Nguyễn phân tích, người Hà Nội nói riêng và phía Bắc nói chung tiêu dùng khá thận trọng. “Gu” ăn uống phía Bắc cũng kỹ hơn. Người Hà Nội vẫn quen với  ăn uống ở quán vỉa hè, chật chội, miễn là ngon. Tìm được mặt bằng lớn ở Hà Nội cũng không đơn giản. Thêm vào đó, khí hậu Hà Nội có bốn mùa, mùa đông sức tiêu thụ kém hơn. Ngoài ra, kỹ năng của đội ngũ nhân sự dịch vụ phía Bắc chưa như phía Nam. Các công ty FDI đến Hà Nội thường gặp khó trong tìm kiếm nhà cung cấp, tư vấn và quản lý cũng như tuyển dụng nguồn nhân lực.

Ông Lê Quang Hàng, Tổng giám đốc Công ty Saigon Land cho rằng, những “ông lớn” bán lẻ quốc tế thể hiện tầm nhìn dài hạn. Khối ngoại đang cho thấy sự vượt trội về vốn, kinh nghiệm, cách quản lý vận hành hệ thống bán lẻ cũng như nắm bắt nhanh thị hiếu của những thị trường mới nổi. Họ đi trước để đón đầu và sẵn sàng chấp nhận bài toán thua lỗ giai đoạn đầu để sàng lọc cơ hội sớm hơn các đối thủ tiềm năng.

DN bán lẻ Việt Nam: Đa phần vẫn theo nếp cũ

Dù lộ trình mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO là khoảng thời gian khá dài để các DN Việt Nam chuẩn bị, đổi mới, bắt nhập với quá trình toàn cầu hoá bởi đó là quá trình bắt buộc khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, DN bán lẻ Việt Nam vẫn theo lối mòn, chưa chủ động xây dựng được chiến lược phát triển ở cả ba cấp (Nhà nước, Ngành và Doanh nghiệp). Lĩnh vực bán lẻ còn dựa chủ yếu trên nguồn cung hàng hóa quy mô nhỏ, năng suất thấp, chưa chuẩn hóa, chất lượng không ổn định, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm kém, giá cả chưa cạnh tranh. Khâu nghiên cứu thị trường, thị hiếu và nắm bắt xu thế tiêu dùng còn kém. Khâu hậu mãi chưa được chú trọng.

Tại Tọa đàm trực tuyến: “Mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức (6/2014), ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị DT 24, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, chúng ta cần hòa nhập với đại dương xanh chứ không phải e ngại các cột mốc hội nhập sâu của WTO, việc gia nhập WTO là một lộ trình tất yếu. Để hỗ trợ cho các DN Việt, phải có một số điều chỉnh chính sách, đồng thời vẫn phải đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Nhiều dư địa cho các DN Việt

Số liệu thống kê cũng cho thấy, hiện còn khoảng 80% người dân mua bán tại chợ truyền thống, chỉ có 20% mua sắm trong siêu thị, đó chính là cơ hội cho các DN Việt Nam. DN Việt có bề dày văn hoá, phong tục, am hiểu luật pháp, được đa số người dân ủng hộ bằng các phong trào: “Người Việt dùng hàng Việt”. Dù khó khăn, vẫn có không ít DN Việt vươn lên, chiếm lĩnh thị phần trong nước và đầu tư ra nước ngoài: Mô hình kinh doanh thành công với doanh thu đạt 1 tỷ USD/năm của Saigon Co.op đã đưa DN này lên vị trí bán lẻ số 1 Việt Nam, nằm trong top 500 DN bán lẻ châu Á – Thái Bình Dương. Co-op Mart đã phát triển trong khu vực ASEAN và đi ra quốc tế. Mới đây, đã liên doanh, ra mắt mô hình Đại siêu thị và cửa hàng Co.op Xtra plus vừa bán lẻ, vừa bán buôn tại TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến đến năm 2015, sẽ có 5 và đến năm 2020 sẽ tăng lên 15 đại siêu thị như thế trong cả nước.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2014 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT nhận định, DN nội hiểu rõ hơn về thói quen mua sắm của người Việt. Chiến lược của Ocean Group trong thời gian tới là xây dựng, tìm kiếm những nguồn hàng tin cậy, đặc biệt là thực phẩm; triển khai xây dựng hoặc mua lại các thương hiệu, như kem, bánh ngọt, dầu ăn...

Ông Trần Nhật Linh, Giám đốc kênh bán hàng phi truyền thống Công ty Cổ phần Thế giới Di động chia sẻ: Việc nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam là cơ hội để mình thay đổi và thành công. Cơ hội lúc nào cũng có, quan trọng là phải có chiến lược, bước đi phù hợp. Công ty đang có 250 cửa hàng bán lẻ và dự kiến tới 2015 sẽ có thêm 500 cửa hàng trên toàn quốc. Thương hiệu cà phê Trung Nguyên cũng là điểm sáng về nắm bắt xu thế kinh doanh trên thị trường cà phê để trở thành đối thủ đáng gờm của nhiều “đại gia” cà phê ngoại, như Starbursk, Nestle, The Cofee Bean, High  Land.