Doanh nghiệp lo “chính sách treo”!

Theo Đầu tư Chứng khoán

"Các doanh nghiệp (DN) bất động sản rất trông đợi vào Nghị quyết 02, nhưng thực tế khi Nghị quyết được ban hành rồi mà những bất cập tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP và Nghị định 120/2010/NĐ-CP về việc tính tiền sử dụng đất vẫn không được sửa đổi".

Doanh nghiệp lo “chính sách treo”!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
“Dù vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng (so với công suất đã đầu tư) nhưng năm 2013 sẽ là năm phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nếu thực hiện nhất quán, đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ”, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013: Cơ hội và thách thức” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua.

Theo ông Lịch, cùng với Nghị quyết 01 và 02, Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2020, trong đó đã phân kỳ cho giai đoạn 2013 - 2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực: đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn nhà nước. Đây chính là cơ hội mà các DN cần nắm bắt để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới. Một cơ hội khác là lạm phát kỳ vọng ở mức 6 - 7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2 - 3% trong năm 2013. Đây là điều kiện quan trọng để DN xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn.

“Năm 2013, Chính phủ vẫn sẽ tạo cơ hội hỗ trợ DN để tái cấu trúc nhưng dứt khoát không bao cấp cho những đơn vị yếu kém. Vì vậy, những DN vừa qua kinh doanh chỉ dựa vào vay nợ thì rất khó có cơ hội phục hồi”, TS. Trần Du Lịch nói và nhấn mạnh, các vấn đề của nền kinh tế năm 2013 sẽ được giải quyết bởi Nghị quyết 02 mà Chính phủ đã ban hành. Nếu triển khai kịp thời Nghị quyết này thì đến giữa năm 2013 nền kinh tế có thể sáng lên, nhưng nếu việc triển khai chậm trễ thì nền kinh tế không những không thể sáng mà còn có thể kéo theo nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai nghị quyết ở các bộ, ngành rất chậm.

Về việc triển khai Nghị quyết 02, đại diện các DN bất động sản, bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản TP. HCM phản ánh ngay, đến giờ phút này Nghị quyết 02 chưa được thực hiện ở nhiều bộ, ngành. Theo bà Loan, Ngân hàng Nhà nước phải nhanh chóng có chính sách đưa gói tiền mặt 20.000 tỷ đồng đến 40.000 tỷ đồng ra thị trường. Ngày nào Ngân hàng Nhà nước còn chưa đưa ra giải pháp để gỡ nút thắt cho vấn đề hàng tồn kho thì DN bất động sản có “muốn chết” cũng không thể “chết thanh thản” được.

“Các DN bất động sản rất trông đợi vào Nghị quyết 02, nhưng thực tế khi Nghị quyết được ban hành rồi mà những bất cập tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP và 120/2010/NĐ-CP về việc tính tiền sử dụng đất vẫn không được sửa đổi. Nếu không sửa những nghị định này thì DN rất vướng”, bà Loan nói và đề nghị Ngân hàng Nhà nước cũng nên chỉ đạo hạ ngay lãi suất phi chính thức (DN thường gọi là lãi suất dưới gầm bàn) xuống ngay 0%, vì hiện nay lãi suất chính thức cũng đã là gánh nặng đối với DN.

Tuy nhiên, đáp trả lời đề nghị can thiệp lãi suất phi chính thức của bà Loan, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vấn đề lãi suất phi chính thức DN đặt ra là cá biệt, mà đã là cá biệt thì không phải là chính sách. Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách giãn, hoãn nợ cho nhiều DN. Theo ông Mạnh, lãi suất “dưới gầm bàn” là vi phạm đạo đức kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm hành động này. Nhưng vì sao DN lại phải chịu lãi suất này? Nhớ lại thời bất động sản còn “lướt sóng” dễ dàng, nhiều DN đã bất chấp lãi suất bao nhiêu phần trăm để vay, nhưng giờ khó khăn lại đổ cho ngân hàng. Thực tế, nhiều DN đã không sử dụng đúng mục đích nên lệch dòng tài chính, dẫn đến khó khăn.

“Đến nay, các ngân hàng đã không còn cho vay lãi suất trên 15%/năm. Các thông tư hướng dẫn khác liên quan đến các chính sách tín dụng cũng đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai rất tích cực”, ông Mạnh nói.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tôn Hoa Sen cho rằng, tạo lòng tin cho DN bây giờ rất quan trọng, nếu không tạo được lòng tin thì DN sẽ lại vẫn co cụm phòng thủ. Tuy nhiên, có nhiều điều chúng ta đang trách móc lẫn nhau, nhưng nếu ngay từ đầu kinh doanh bớt yếu tố đầu cơ thì có lẽ mọi việc sẽ tốt hơn. Ông Vũ nói như tâm sự, rằng những ý kiến của mình không phải để phê phán các DN vì thực tế các DN Việt Nam thời gian qua đã phải chịu áp lực “nóng, lạnh” rất nhiều từ các chính sách. Tuy nhiên, chính các DN cũng phải nhìn nhận vấn đề và những nguy cơ từ bên trong và cả bên ngoài, khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập toàn cầu thì phải xác định có cách hành xử trách nhiệm hơn. Thực tế, nếu tất cả các DN đều sống có trách nhiệm thì tình hình cũng không quá tệ như vây giờ.

“Trải qua khủng hoảng, DN chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho riêng mình. Còn nếu cứ đổ thừa qua lại thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta quyết định sai, chúng ta phải chịu trách nhiệm và kết thúc bằng phá sản, cả DN hay ngân hàng đều nên như vậy. Cái gì cũng có giá và bài học của nó. Chúng tôi cũng đã phải trả giá để có bài học”, ông Vũ nói.

Hiện tại, mức độ rủi ro về trái phiếu của Việt Nam đã giảm xuống, nên các nhà đầu tư toàn cầu cũng đã sẵn sàng đầu tư trở lại thị trường này. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo cho nền kinh tế phục hồi thực sự vững chắc. Vấn đề người dân quan tâm nhất hiện nay là chi phí cho cuộc sống hàng ngày.

Hiện nay, chỉ số lạm phát đã được kéo xuống, vấn đề vĩ mô đã được kiểm soát khá tốt, niềm tin của người dân vào tiền đồng đã ổn định trở lại.Nhưng rủi ro lạm phát vẫn khá cao và dự trữ ngoại hối vẫn cần phải được ổn định hơn. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tại Việt Nam do Ngân hàng HSBC công bố đầu tháng 3/2013 đã giảm từ mức 50,1 điểm của tháng 1 xuống 48,3 điểm trong tháng 2, đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, cho thấy sản xuất công nghiệp đang bị co cụm. Chỉ số tăng trưởng GDP hàng năm cũng chưa thực sự phục hồi như mong đợi và còn khá yếu ớt.