Doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng: Đứng trước nguy cơ phá sản

Thúy Nga

(Tài chính) Mặc dù thời điểm có hiệu lực chính thức là từ ngày 1/9 nhưng Thông tư 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía cộng đồng doanh nghiệp bởi những quy định thiếu thực tế.

Từ ngày 1/9/201,các DN muốn nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng thì phải đáp ứng điều kiện là thiết bị có thời gian sử dụng 5 năm và chất lượng sử dụng từ 80% trở lên. Nguồn: internet.
Từ ngày 1/9/201,các DN muốn nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng thì phải đáp ứng điều kiện là thiết bị có thời gian sử dụng 5 năm và chất lượng sử dụng từ 80% trở lên. Nguồn: internet.
Chất lượng ban đầu “trói chân” doanh nghiệp nhập khẩu

Theo các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu máy móc thiết bị xây dựng, nông nghiệp, việc ban hành Thông tư 20/2014/TT-BKHCN không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ, mà quan trọng hơn là quyền lợi người tiêu dùng sẽ không được đảm bảo. Một trong những nội dung bị phản đối mạnh nhất chính là những quy định tại Điều 6 quy định điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Theo đó, máy móc, thiết bị có thời gian sử dụng không quá 5 năm và có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

Ngoài quy định trên, Thông tư còn có điều kiện nhập khẩu đối với một số trường hợp đặc biệt: (a) Các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 3 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm: Máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; Máy móc, thiết bị sử dụng trong ngành bia, rượu, nước giải khát có cồn và không cồn; Máy móc thiết bị ngành bưu chính: thiết bị chia chọn thư, bưu kiện, máy lồng gấp phong bì, máy sản xuất phong bì, thiết bị băng tải. (b) Các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 7 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm: Máy móc, thiết bị trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản; Máy móc, thiết bị phục vụ đóng tàu, sửa chữa tàu; Máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng dầu khí biển; Máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in: Máy ghi phim, máy ghi kẽm, máy tạo khuôn in, máy dao xén (cắt) giấy, máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy gấp sách, máy vào bìa sách. (c) Các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 10 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm: Đồng cơ máy thủy sử dụng cho tàu đánh bắt xa bờ; Máy kỵ mã liên hợp phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in. (d) Các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 15 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm: Máy in offset, máy in ống đồng, máy in flexo phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in…

Băn khoăn với những quy định trên, ông Lê Văn Định, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Minh Hạnh cho biết, trước khi được đưa vào Việt Nam tất cả máy móc, thiết bị đều phải được cơ quan đăng kiểm chất lượng. Hơn nữa, trước khi mang ra thị trường DN phải cho trùng tu tới 80%, sau đó trong quá trình đưa vào khai thác sử dụng người sử dụng lại tiếp tục bảo trì, sửa chữa. Như vậy, nếu nói rằng việc nhập khẩu máy móc làm ảnh hưởng tới môi trường là không đúng. Không chỉ giá thành thấp mà tính năng sử dụng của các loại máy này cũng rất thông dụng. Đa phần máy cũ được nhập khẩu từ các nước châu Âu và Nhật Bản có độ bền cao, trong khi máy mới chủ yếu được sản xuất từ Trung Quốc, Thái Lan chất lượng thấp. Nói là máy cũ nhưng thực tế chúng tôi vẫn có thể sử dụng được từ 15-20 năm nữa, Việt Nam vẫn là nước nghèo nên không nên lãng phí. Nếu áp dụng Thông tư 20/2014/TT-BKHCN, chắc chắn không chỉ  Công ty TNHH thương mại Minh Hạnh mà nhiều DN khác sẽ phải đóng cửa.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty thiết bị xây dựng Vân Phong cũng khẳng định, giá thành của một số loại máy mới hiện nay lên tới 11-12 tỷ đồng, nhiều DN lớn còn khó có đủ khả năng về vốn để nhập chứ nói gì tới người tiêu dùng? Và đương nhiên, khi đó, DN sẽ phải đóng cửa hàng loạt. Thị phần tiêu dùng sẽ do các nhà sản xuất máy mới chiếm lĩnh. Nguy cơ độc quyền máy móc, thiết bị sẽ lại xảy ra và xét cho cùng người tiêu dùng vẫn bị thiệt hại nhất.

Một khía cạnh khác khiến không ít người khoăn đó là vì máy mới thường quá hiện đại, công nghệ phức tạp nên không phải ai cũng biết sử dụng nhất là nông dân. Anh Bùi Văn Lý, chủ sở hữu 2 máy cày ở Bắc Ninh chia sẻ: Tôi mua cả 2 máy cày này đều là hàng cũ được nhập khẩu từ Nhật Bản với giá 50 triệu đồng/máy. Máy rất thông dụng, đồ đạc đầy đủ nên sử dụng dễ dàng thuận tiện cho công việc đồng ruộng. Được biết với quy định mới thì giá một chiếc máy mới phải đắt gấp 3-4 lần như vậy làm sao nông dân dám bỏ tiền ra mua.

Không chỉ DN, người tiêu dùng phản đối mà ngay cả một số nhà quản lý thuộc nhiều lĩnh vực cũng cho rằng những quy định của Thông tư 20/2014/TT-BKHCN tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đại diện Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải) ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng phân tích, hơn 20 năm trong nghề chưa bao giờ chúng tôi xác định được máy móc như thế nào là chất lượng còn tới 80%. Nếu để Thông tư 20/2014/TT-BKHCN đi vào đời sống thì nhất thiết Bộ Khoa học và Công nghệ cần có hướng dẫn cụ thể như thế nào là đảm bảo chất lượng 80%. Mặt khác, Thông tư 20/2014/TT-BKHCN cũng đang tạo ra những quy định chồng chéo với Luật chất lượng sản phẩm và hàng hóa và một số Nghị định liên quan.

Cần phân biệt rõ chức năng quản lý Nhà nước và doanh nghiệp

Với quan điểm đời sống thực tế và kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động thương mại, GS. Nguyễn Mãi cho rằng, không hẳn cái cũ đã là không phù hợp với hiện đại, không nhất thiết công nghệ hiện đại đã thích hợp với Việt Nam. Điều quan trọng là, ở giai đoạn nào thì công nghệ đó phù hợp với tiềm năng, khả năng điều chỉnh và sức lao động của người Việt. Quy định chất lượng máy phải đạt 80%  mới là thiếu thực tế. Không có một chuyên gia đủ giỏi để có thể nhìn vào máy móc, thiết bị mà phán về chất lượng cũ, mới của nó. Việc quy định bao nhiêu phần trăm là đảm bảo chất lượng đã được bãi bỏ từ lâu nhưng không hiểu sao giờ lại được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào Thông tư 20/2014/TT-BKHCN. Đến nay chưa có một nghiên cứu nào chỉ rõ vấn đề Việt Nam có phải là bãi thải của thế giới hay không. Các cơ quan quản lý nên phân biệt rõ 2 chức năng của Nhà nước (đại diện là Bộ Khoa học Công nghệ) và DN. Nhà nước cần phải đưa ra quy định làm sao cho DN phát huy tác dụng của họ, đồng thời giám sát pháp luật hậu kiểm. Còn về vấn đề hiệu quả của số máy móc nhập về, bản thân DN họ đã phải rõ về tiềm năng có của số máy móc đó.

Lý giải vì sao đưa ra quy định này, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Thông tư 20/2014/TT-BKHCN xuất phát từ thực tế rất nhiều loại máy móc, thiết bị được nhập về Việt Nam trong tình trạng quá “đát”. Thậm chí, một số DN sau khi kiểm định đã không quay lại nhận hàng. Việc quy định thời gian 3 năm hay 5 năm chỉ với mục đích làm sao để các DN không nhập khẩu máy móc, thiết bị quá cũ để không biến Việt Nam thành bãi thải của thế giới. Chúng tôi cũng đã có dự liệu trước về phản ứng của cộng đồng DN. Vì vậy, ngay điều 15 của thông tư cũng có ghi rõ trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị cần phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để có chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.