Doanh nghiệp tham gia xây dựng pháp luật

Theo daibieunhandan.vn

Tại Hội thảo “Công bố báo cáo cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016” diễn ra ngày 28/2 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các chuyên gia cho rằng trong trường hợp ý kiến đề xuất đưa ra quy định sai, gây phương hại cho xã hội thì phải làm rõ trách nhiệm cá nhân.

Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo. Nguồn: internet.
Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo. Nguồn: internet.

Tư duy “quản lý bằng mọi giá”

Theo kết quả cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016, có 114 đề cử quy định tốt (chiếm 48%) và 123 đề cử quy định kém (chiếm 52%), từ các luật, nghị định, thông tư và các văn bản khác. Trong tổng số 237 quy định được đề cử thì có 79 quy định nằm ở cấp luật (chiếm 33%), 75 quy định nằm trong các nghị định (chiếm 32%) và 69 quy định nằm ở cấp thông tư (chiếm 29%), còn lại ở các văn bản khác (chiếm 6%).

Tuy nhiên, theo công bố khi phân loại theo đề cử tốt và kém thì sự chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm, có đến 43% đề cử quy định tốt nằm ở cấp luật, trong khi tỷ lệ này ở các đề cử quy định kém chỉ là 24%. Ngược lại, ở cấp nghị định và thông tư thì có tỷ lệ quy định được đề cử kém cao hơn, lên đến 70% so với mức 50% quy định được đề cử tốt. Điều này cho thấy, theo cảm nhận chung của cộng đồng, chất lượng văn bản pháp luật ở cấp nghị định và thông tư có xu hướng kém hơn so với văn bản ở cấp luật.

Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, một quy định tốt phải giải quyết được vấn đề cũng như tạo ra lợi ích cho xã hội lớn hơn chi phí của việc thực thi và tuân thủ quy định đó, tức là phải có tính hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn đưa ra những quy định mang tính “truyền thống”.

Một trong những đặc điểm cơ bản của quy định truyền thống đó là: hình thức phổ biến là cấm, cho làm nhưng có điều kiện. Cách thức thông thường để phát hiện vi phạm là kiểm tra, giám sát và thường áp dụng các chế tài cho việc vi phạm. Theo ông Phan Đức Hiếu, lỗi thường gặp là chỉ quan tâm đến tính hiệu lực và quên mất tính hiệu quả. Nói cách khác, đó là tư duy “quản lý bằng mọi giá”.

 Đồng tình với quan điểm trên, bà Vũ Đặng Hải Yến, nguyên giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp thường quan tâm tới những quy định đưa ra họ có thực hiện được hay không, và khi thực hiện nó có mất nhiều chi phí không.

Vì vậy, quy định tốt phải là quy định giải quyết được vấn đề trên tiêu chí tốt nhất và rẻ nhất. Theo bà Vũ Đặng Hải Yến, để có được quy định tốt thì việc lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp là rất quan trọng. Nhưng trên thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận những vấn đề của doanh nghiệp, góp ý vào văn bản dự thảo luật chỉ đạt tỷ lệ từ 10-20%.

Làm rõ trách nhiệm

Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, quy định pháp luật “truyền thống” hiện không còn phù hợp và trong tương lai phải được thay thế hoàn toàn, bởi những hình thức, cách thức can thiệp khác của Chính phủ. Cách thức mới này sẽ hướng tới cách quản lý kết quả đầu ra.

Thay vì yêu cầu mô tả những cách thức, hành vi xã hội phải tuân thủ thì nó chỉ quy định những mong muốn, kết quả đầu ra mà doanh nghiệp phải đáp ứng. Có như vậy doanh nghiệp mới chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc lựa chọn cách thức mà doanh nghiệp sẽ thực hiện, đáp ứng mục tiêu cuối cùng đề ra.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc đưa ra những quy định tốt là việc đương nhiên Nhà nước phải làm, là trách nhiệm của các bộ, các địa phương khi đưa ra thông tư thuộc thẩm quyền của mình.

“Tôi cho rằng quy trình xây dựng văn bản pháp luật có thể thúc đẩy sự sáng tạo, hợp lý, gần gũi với thực tế và nó thể hiện được sức sống của xã hội đang có những nhân tố mới, những thay đổi nhanh. Đồng thời cũng không ít những vấn đề bức xúc đang kìm hãm sự phát triển của đất nước”. Theo bà Phạm Chi Lan nói. Do vậy, quy trình soạn thảo các quy định pháp luật phải minh bạch, dân chủ hơn nữa trong lắng nghe tiếng nói của người dân, quan tâm tới những đề xuất của người dân.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế đang tiếp tục được chuyển đổi; hệ thống quản lý nhà nước đang được đổi mới theo hướng hội nhập và công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng trở thành một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước. Các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, nếu có nội dung phù hợp, sẽ là tiền đề cho sự phát triển của hoạt động kinh doanh và nền kinh tế.