Doanh nghiệp thực thi Luật Khoa học và công nghệ như thế nào?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Khoa học, công nghệ (KHCN) là động lực then chốt để phát triển kinh tế xã hội nhưng với doanh nghiệp thì lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Vậy doanh nghiệp sẽ giải bài toán “động lực” này như thế nào khi Luật KH và CN năm 2013 có hiệu lực.

Trong cạnh tranh phát triển thì lợi nhuận và hiệu quả kinh tế của DN không tách rời việc áp dụng thành tựu KHCN tiên tiến.
Trong cạnh tranh phát triển thì lợi nhuận và hiệu quả kinh tế của DN không tách rời việc áp dụng thành tựu KHCN tiên tiến.
Luật quy định: doanh nghiệp phải dành kinh phí đầu tư nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.  

Đây không phải là quy định có tính tự nguyện mà bắt buộc, phù hợp với mục tiêu, quá trình chuyển đổi nền kinh tế của đất nước. Nhưng điều trăn trở của bộ, ngành, địa phương… không nằm ở quy định mà ở quá trình triển khai thực hiện của doanh nghiệp, ở các văn bản hưỡng dẫn thi hành.

Trong cạnh tranh phát triển thì lợi nhuận và hiệu quả kinh tế không tách rời việc áp dụng thành tựu KHCN tiên tiến. Ngày nay, KHCN tiên tiến vừa là nền tảng vững chắc, vừa dẫn dắt việc phát triển kinh tế xã hội, đem lại lợi nhuận khổng lồ không chỉ cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế mà còn quyết định đến hiệu quả, trình độ, chất lượng phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia.

Quy định đã rõ nhưng các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật đã nhận thức đầy đủ chưa; đã sẵn sàng cho việc thực hiện chưa... vẫn còn là câu hỏi lớn đặc biệt đối với doanh nghiệp nhà nước - đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp và cũng là những doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư nghiên cứu và áp dụng thành tựu KHCN vào sản xuất kinh doanh.

Trong thực tiễn những năm qua, việc lập quỹ và sử dụng quỹ phát triển KHCN là vấn đề vướng mắc nhất trong triển khai thực hiện. Có ý kiến cho rằng việc lập quỹ từ ý tưởng đột phá trở thành bất cập trong thực thi, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Như thế có thỏa đáng không ?

Theo Sài Gòn đầu tư tài chính thì “Thống kê của Sở KHCN TP Hồ Chí Minh, đến nay số lượng doanh nghiệp trên địa bàn là 137.000 đơn vị, nhưng tính đến ngày 31/7/2013, mới có 49 doanh nghiệp đã báo cáo thành lập Quỹ phát triển KHCN. Trong đó có 26 doanh nghiệp đã trích lập quỹ với tổng cộng 346,8 tỷ đồng, số đơn vị chưa trích lập quỹ là 23. Số doanh nghiệp trích lập được quỹ đã ít trong khi đa phần doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng hoặc không giải ngân được tiền trong quỹ. Vì vậy, đến nay số tiền doanh nghiệp được giải ngân cho mục đích cải tiến KHCN chỉ chiếm 30% tổng số tiền của quỹ”.

Những con số trên cho thấy quá trình triển khai luật vào cuộc sống luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng không thể là lý do để lùi bước. Trong khó khăn cần có sự tháo gỡ kịp thời và cần cả sự đấu tranh cho quyết sách đúng đắn, cho sự thống nhất giữa quy định của luật và văn bản hướng dẫn. Kiên định vững vàng trong thực hiện. Điều này không chỉ đòi hỏi vai trò của Bộ KH và CN mà cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các bộ liên quan và trách nhiệm của các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp…

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có ý kiến: bên cạnh ngân sách nhà nước các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải bỏ ít nhất từ 3 - 8% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH - CN. Bộ cần phải làm sao sử dụng nguồn vốn rất lớn này có hiệu quả, trong đó ngân sách nhà nước dành cho KH - CN sẽ tập trung vào các dự án công cộng, an ninh quốc phòng. Đồng thời, nguồn lực phải đổ vào địa chỉ có hiệu quả, không phân biệt là nhà nước hay ngoài nhà nước. Ở đâu làm tốt thì sẽ được đầu tư nhiều, nơi làm nào không tốt thì cắt đầu tư.

Doanh nghiệp nào sẵn sàng thực hiện, doanh nghiệp nào còn nghi ngại đợi chờ và doanh nghiệp nào chưa thể thực hiện được ngay… Những vấn đề như vậy cần được khảo sát, đánh giá, tiên liệu trong quá trình triển khai thực hiện để tìm nguyên nhân, giải pháp thiết thực. Dù là chậm, là khó nhưng phải có sự đánh giá phân biệt doanh nghiệp có khả năng thực hiện ngay và doanh nghiệp có khó khăn để tháo gỡ đưa luật trở thành hiện thực. Nếu  không thực hiện đầy đủ, thì sẽ biến một quy định bắt buộc thành một quy định có tính tự nguyện. Và thật khó cho người quản lý ngành khi triển khai trong thực hiện sẽ lại không khả thi, lại “phạm luật” , "nhờn luật". 

Người thực thi luật  là doanh nghiệp mà điều cốt lõi là nhận thức trách nhiệm và tự giác thực hiện mới mang lại sức sống cho quy định. Cần thấy rằng đã là quy định bắt buộc phải có chế tài. Và điều quan trọng là nếu các doanh nghiệp nhà nước là đối tượng thực thi luật không tự giác thực hiện quy định thì có chế tài xử lý không? Việc xử lý như thế nào? Ai xử lý?… Các chế tài về hành chính, chế tài về KHCN, chế tài về thuế, về đầu tư, nguồn vốn… có được thực hiện để buộc doanh nghiệp phải thực thi.

Tiền đầu tư của doanh nghiệp phải do doanh nghiệp quyết định sử dụng. Tuy nhiên tiền đầu tư cho KHCN thì phải sử dụng cho KHCN không sai địa chỉ vì ngay ở một số địa phương kinh phí cấp cho KHCN thì lại sử dụng cho mục đích khác. Mặt khác quy trình kiểm soát chi đối với đâu tư nghiên cứu sản phẩm KHCN chưa phán ánh được đặc thù của hoạt động này khiến các quy định chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực  trở thành rào cản thực thi chính sách về KHCN, các quy định của luật KHCN.  

Khi doanh nghiệp trích lập Quỹ Phát triển KH - CN, nhưng lúc sử dụng thì giống như dùng ngân sách nhà nước với những thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ khiến nhiều doanh nghiệp không chủ động được khi dùng quỹ này. Và sau 5 năm, nếu không sử dụng hết 70%, doanh nghiệp phải quay trở lại đóng thuế cho khoản kinh phí đã trích lập. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã không trích lập Quỹ Phát triển KH - CN". Đây cũng chính là  ý kiến trao đổi  trên Kinh tế và dự báo.

Trong sử dụng quỹ thì việc đầu tư nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực, trọng dụng nhân tài hay việc mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp trong từng giai đoạn và việc đánh giá hiệu quả việc sử dụng nguồn quỹ này cũng không đơn giản và sẽ phải do doanh nghiệp tự định đoạt. Đây có phải thuần túy là vấn đề kinh doanh đầu tư KHCN? Văn bản nào sẽ tháo gỡ những khó khăn này cho doanh nghiệp ?

Sẽ có những doanh nghiệp thực hiện tốt quy định của Luật KHCN. Họ là những ai? Các bộ, ngành, địa phương có thể nhận diện. Có những doanh nghiệp chưa sẵn sàng. Vì sao vậy? Cần thêm điều kiện gì để doanh nghiệp thực thi luật đầy đủ… Và rào cản từ tư duy cũ của người quản lý, sức ỳ của cơ chế cũ cũng như sự thiếu đồng bộ trong phối hợp liên ngành ở đâu trong việc thực thi quy định này ? 

Mong muốn KHCN thực sự trở thành động lực then chốt phát triển kinh tế- xã hội phải bắt đầu từ quyết liệt vượt rào cản tư duy quản lý cũ; thắng sức ỳ của cơ chế cũ. Vấn đề ở ngay quá trình thể chế hóa và hướng dẫn thi hành luật KHCN.