Doanh nghiệp trước vận hội và thách thức mới

Hạnh Phạm

(Tài chính) Song hành với những cơ hội do thị trường mở rộng, hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn. Cùng với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng.

Mục tiêu cao cả mà Cộng đồng kinh tế ASean hướng tới đó là hình thành một khu vực tự do và hội nhập hơn. Nguồn: internet
Mục tiêu cao cả mà Cộng đồng kinh tế ASean hướng tới đó là hình thành một khu vực tự do và hội nhập hơn. Nguồn: internet

Doanh nghiệp đối mặt với thách thức lớn

Năm qua, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phải chịu áp lực từ những bất ổn về kinh tế và chính trị thế giới, cùng với những khó khăn từ thị trường trong nước như: áp lực về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, năng lực quản lý và cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao... Bên cạnh đó, hàng loạt các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực, thậm chí ngừng hoạt động khiến nền kinh tế bị tác động không nhỏ, ngân sách thất thu, xã hội bất ổn. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu, khi nền kinh tế thế giới gặp khó khăn dễ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, so với 3 năm trước, kinh tế nước ta đã có những dấu hiệu tích cực hơn, giúp cho các doanh nghiệp trong nước đạt được tốc độ tăng trưởng về doanh thu, cũng như mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và thâm nhập thêm các thị trường mới…

Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Võ Trí Thành cho rằng, song song với những cơ hội do thị trường mở rộng, hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn. Ngoài ra, nền kinh tế thế giới hiện nay đang trong giai đoạn sắp xếp lại, nếu đứng ngoài cuộc chơi tức là mình đang dần rút lui. Giờ đây điều quan trọng nhất và cấp thiết nhất là mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình một chiến lược kinh doanh theo hướng chủ động và luôn sẵn sàng hội nhập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải học cách giảm những bất định và rủi ro để có thể nắm bắt chắc chắn các cơ hội. Đồng thời, các doanh nghiệp phải đồng hành với Chính phủ, cũng như quan sát để nắm bắt xem thị trường thế giới đang thay đổi như thế nào. Đồng thời, thông qua việc chọn hội nhập có trọng tâm, trọng điểm sẽ hỗ trợ nhiều cho việc tiếp cận thị trường và đa dạng hóa thị trường, tạo thuận lợi cho việc ứng biến các quyết định khi gặp khó khăn trong quá trình giao lưu thương mại.

Hội nhập để nắm bắt cơ hội

Mục tiêu cao cả mà Cộng đồng kinh tế ASean hướng tới đó là hình thành một khu vực tự do và hội nhập hơn. Đây chính là điểm tựa để các nước trong khu vực vượt qua những biến động kinh tế toàn cầu.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế sâu rộng, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nước ta cần chủ động hơn trong xây dựng chiến lược kinh doanh phát triển sản xuất nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các nước trong khu vực, ngay cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu; nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu. Các doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tái cấu trúc, đưa các ứng dụng chuyên ngành vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu ở những lĩnh vực lợi thế như: sản phẩm điện tử, linh kiện; phụ tùng, thiết bị máy móc, các loại nông sản, gạo, cao su…

Quá trình hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng đã từng bước tạo đà cho nền kinh tế nước ta phát triển vượt bậc. Đồng hành với bước tiến đó, thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, bình quân 22,58%/năm trong giai đoạn 2011 - 2013. Việt Nam được xếp vào nhóm 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới. Xuất khẩu hàng hóa góp phần chủ yếu vào tăng trưởng GDP và trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Với việc triển khai và hoàn tất 15 FTA đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới kết nối rộng lớn với 56 nền kinh tế, trong đó có 18 thành viên APEC và hầu hết các trung tâm kinh tế thế giới, qua đó nâng cao hình ảnh quốc gia, vị thế quốc tế của Việt Nam. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011 - 2013, Việt Nam đã thu hút được 3.568 dự án FDI cấp mới với số vốn đăng ký là 49.997 triệu USD, vốn thực hiện là 32.960 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động...

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào 3 chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, nổi bật nhất là chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giầy. Một số sản phẩm của Việt Nam đã xác lập được thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế như dầu khí, viễn thông, dệt may, một số sản phẩm nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu...).