Doanh nghiệp Việt Nam còn cơ hội chiếm lĩnh thị trường bán lẻ?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Năm 2015, Việt Nam mở cửa hoàn toàn đối với lĩnh vực bán lẻ. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang khá thành công và chiếm thị phần lớn tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Liệu rằng doanh nghiệp Việt Nam có còn cơ hội để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ sau năm 2015 không?

Doanh nghiệp Việt Nam còn cơ hội chiếm lĩnh thị trường bán lẻ?
Doanh nghiệp Việt Nam còn cơ hội để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ sau năm 2015? Nguồn: internet
Kể từ năm 2006, cùng với những chính sách ưu đãi mở cửa hội nhập, gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cũng đã xây dựng lộ trình mở cửa cho các nhà bán lẻ nước ngoài. Theo đó, đến năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Như vậy, lộ trình mở cửa cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối của nước ngoài vào Việt Nam theo cam kết WTO chỉ còn hơn một năm sẽ hoàn thiện.

Theo số liệu của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, tính đến đầu năm 2013, thị trường phân phối, bán lẻ của Việt Nam có khoảng 700 siêu thị và 125 trung tâm thương mại, trong đó, 40% siêu thị và 25% trung tâm thương mại thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy tương quan lực lượng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tương đối cao và tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan  cho rằng, cho dù thời gian qua đã có những doanh nghiệp phân phối Việt Nam làm ăn thua lỗ, phá sản, phải rời khỏi thị trường, nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nếu biết khai thác thị trường ngách. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, trong đó số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam có tiềm năng phát triển lâu dài do có dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao, khoảng 29% và dự báo dân số đô thị Việt Nam sẽ còn tăng lên 50% vào đầu những năm 2040.

Tại nhiều nước có nền thương mại phát triển, cứ khoảng 100 nghìn người dân cần có một trung tâm thương mại hoặc trung tâm mua sắm lớn, 10 nghìn người dân cần một siêu thị và 1.000 người dân cần từ 1 đến 3 cửa hàng tiện ích… thì suy ra với số dân của Việt Nam, mạng lưới bán lẻ còn đang thưa thớt và chưa được đáp ứng đầy đủ. Đây chính là khoảng trống dành cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Bộ Công thương cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cho mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại. Theo đó, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Dự báo đến 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội. Chính phủ cũng khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, mặc dù không có chính sách ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp bán lẻ ngoại, nhưng ở một số địa phương, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có được nhiều ưu ái hơn. Đơn cử như mặt bằng, trong khi các doanh nghiệp nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng ở nhiều tỉnh, thành nhưng không được giải quyết mà vị trí đó được dành cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngay kể cả đối với những doanh nghiệp vừa có năng lực sản xuất, vừa xây dựng chuỗi cung ứng với hệ thống các cửa hàng bán lẻ và có sự liên kết chặt chẽ với các nhà phân phối như May 10, Giám đốc Điều hành Tổng Công ty Thân Đức Việt cũng nhìn thấy rất nhiều thách thức, trong đó, sơ sở hạ tầng đất đai, mặt bằng tiện ích là vấn đề khó khăn hơn cả.

Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia gợi ý cho các nhà bán lẻ Việt Nam, đó là nên nghiên cứu và áp dụng mô hình liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối mà các doanh nghiệp phân phối nước ngoài như các tập đoàn Metro hay BigC đã khá thành công tại thị trường Việt Nam thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái Phạm Quốc Mạnh, phải có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó, yếu tốë quyết định thành công vẫn là nhà quản lý. Song, để giúp cho các doanh nghiệp có thể liên kết được tốt hơn, đưa ra các sản phẩm cạnh tranh hơn thì phải có một nguồn vốn giá rẻ, nhưng hiện nay so với các nước trong khu vực thì lãi suất vốn vay của nước ta vẫn còn cao…

Liên kết, đó là một lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường bán lẻ. Nhưng cẩn trọng trong liên kết cũng là khuyến cáo đầu tiên của các chuyên gia, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tính toán kỹ  cơ chế, chính sách khi đầu tư thì rất dễ bị thôn tính. Bởi, chỉ sau ngày 11/1/2015, Việt Nam cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ.