Những khó khăn, thách thức từ các rào cản phi thuế quan

Trong thương mại quốc tế, rào cản thương mại được chia làm hai loại: rào cản thuế quan và rào cản phi thuế quan (RCPTQ).

Các doanh nghiệp (DN) khi thực hiện xuất khẩu phải đối mặt với các loại RCPTQ sau: (i) các biện pháp hạn chế định lượng (như cấm nhập khẩu, hạn ngạch, giấy phép); (ii) các biện pháp quản lý giá (như trị giá tính thuế quan tối thiểu, giá nhập khẩu tối đa, phí thay đổi, phụ thu); (iii) các biện pháp quản lý đầu mối (như đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu); (iv) các biện pháp kỹ thuật (như quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, thủ tục xác định sự phù hợp, yêu cầu về nhãn mác, kiểm dịch động thực vật); (v) các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời (như tự vệ, trợ cấp và các biện pháp đối kháng, biện pháp chống bán phá giá); (vi) các biện pháp liên quan tới đầu tư (như thuế suất thuế nhập khẩu phụ thuộc tỷ lệ nội địa hóa, hạn chế tiếp cận ngoại tệ, yêu cầu xuất khẩu, ưu đãi gắn với thành tích xuất khẩu); (vii) các biện pháp khác (như tem thuế, biểu thuế nhập khẩu hay thay đổi, yêu cầu đảm bảo thanh toán, yêu cầu kết hối, thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, mua sắm chính phủ, quy tắc xuất xứ).

Những khó khăn, hạn chế của DN Việt Nam trong việc đối phó với RCPTQ hiện nay đối với ba nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may sang Hoa Kỳ; da giày sang EU; thủy sản sang Nhật Bản.

Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của của các DN Việt Nam sang thị trường Mỹ gặp phải Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, gồm:

- Tiêu chuẩn chất lượng: chất lượng sản phẩm dệt may thể hiện qua hệ thống tiêu chuẩn mà DN đạt được, chẳng hạn như chứng chỉ ISO - 9000. Những chứng chỉ này là điều kiện để xâm nhập và mở rộng thị trường. Nó chứng tỏ DN có hệ thống quản lý chất lượng đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc tế. Đối với một số thị trường, chứng chỉ này là yêu cầu bắt buộc để được phép xuất khẩu.

- Tiêu chuẩn về chống cháy: Các DN dệt may cũng đang đứng trước thách thức phải đáp ứng các yêu cầu về vấn đề sức khỏe và an toàn cho người sử dụng như tiêu chuẩn về chống cháy. Vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng luôn được Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và Chính phủ Mỹ quan tâm. Họ đưa ra các tiêu chuẩn, quy định về nguyên phụ liệu cho hàng may mặc rất cao, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, buộc nhà sản xuất và xuất khẩu phải đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất mới ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Đây thực sự là một rào cản lớn đối với các nhà sản xuất và kinh doanh ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam đang thiếu vốn và công nghệ hiện đại.

- Tiêu chuẩn bảo vệ môi trường: Hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ phải là các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn sinh thái theo quy định, an toàn về sức khoẻ đối với người sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất.

Bên cạnh Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật trên thì Hệ thống tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội (SA - 8000) cũng là trở ngại lớn nhất đối với các DN dệt may xuất khẩu Việt Nam. Những khó khăn chủ yếu trong việc áp dụng SA - 8000 tại Việt Nam hiện nay là nhận thức của DN về SA - 8000; các DN không muốn tiết lộ các ghi chép tài chính, đặc biệt trong các DN tư nhân; không có khả năng chi trả chi phí áp dụng SA - 8000; sự cách biệt văn hoá giữa khách hàng và nhà cung cấp; SA-8000 là mục tiêu ít được ưu tiên, đặc biệt trong những thời điểm kinh tế còn khó khăn, suy thoái.

Ngoài Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, Hệ thống tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SA - 8000 thì Tiêu chuẩn WRAP - trách nhiệm sản xuất hàng dệt may toàn cầu - cũng là những khó khăn cho DN Việt Nam. Khi xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ, các DN Việt Nam thường vướng phải các rào cản về trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn SA-8000 và WRAP, cả hai tiêu chuẩn này đều có những quy định cơ bản về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, sức khoẻ và an toàn, quyền tự do thành lập các hiệp hội về đàm phán tập thể, phân biệt đối xử, các hình thức kỷ luật, giờ làm việc và chế độ tiền lương…

Tương tự, khi DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng phải đối mặt với RCPTQ hết sức ngặt nghèo của Nhật Bản. Trước hết, nó làm cản trở việc xuất khẩu một số hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường này do vấp phải rào cản hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu, chứng nhận xuất xứ hàng hóa hay các mặt hàng hoa quả, rau tươi và rau đông lạnh... do không đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Hiện nay, một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại nằm trong danh sách các mặt hàng áp dụng hạn ngạch của Nhật Bản như: da giày, gạo, thủy sản...

Năm 2006, hàng thủy sản của Việt Nam liên tục bị trả lại vì có dư lượng chloramphenicol và có vi trùng đường ruột. Năm 2007, gạo Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Nhật Bản áp dụng lệnh kiểm tra 100% sau khi phát hiện gạo xuất khẩu của Việt Nam có dư chất acetamiprit (trên 0.01 ppm) và chất orysastrobin (trên 0.02 ppm)… Thực tế cho thấy, sau khi hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản bị trả lại hay có nghi ngờ về dư lượng các chất không được phép sử dụng thì lập tức các thị trường khác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga... cũng có những hành động kiểm tra hàng thủy sản của DN Việt Nam rất chặt chẽ.

Ngoài ra, các DN Việt Nam còn gặp phải những khó khăn khác mang yếu tố kỹ thuật, đó là cần phải đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định về Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa khối ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) và ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%. Đây là cơ hội cho các DN dệt may nước ta đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Tuy nhiên, để được hưởng thuế 0% theo hai hiệp định AJCEP và VJEPA, các DN trong nước phải đáp ứng hai yêu cầu là hàng hóa phải được sản xuất, gia công tại Việt Nam và nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu phải từ Việt Nam, Nhật Bản, ASEAN (trừ Indonesia, Philippine, Campuchia).

Những rào cản kỹ thuật khắt khe như vậy rõ ràng là thách thức lớn đối với các DN Việt Nam, do chính các DN nước ta còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Về nguồn nhân lực, mặc dù Việt Nam có nguồn lao động dồi dào nhưng số lượng lao động có tay nghề cao lại rất ít và hiện nay đang có sự chuyển dịch lao động lớn, do mức tiền lương công nhân quá thấp (chẳng hạn như ngành dệt may, giày da). Về trang thiết bị công nghệ, cho dù các DN Việt Nam trong thời gian gần đây đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, song nhìn chung so với một số nước khác cùng khu vực thì trình độ công nghệ của DN nước ta còn chưa cao. Bên cạnh đó, phần lớn nguyên liệu đều phải nhập khẩu, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh - xuất khẩu của Việt Nam chưa cao. Đối với hàng dệt may nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc (khoảng 24%), Hàn Quốc (chiếm 23%) và Nhật Bản (chiếm 8,89%)…

Hơn nữa, khả năng kiểm định, giám định sản phẩm còn hạn chế và giá thành kiểm định, giám định cao khiến cho sản phẩm của các DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua các rào cản kỹ thuật. Thêm vào đó, DN Việt Nam chưa nắm rõ thông tin vềcác rào cản kỹthuật của của các quốc gia nhập khẩu với những quy định khắt khe để bảo hộ nền sản xuất trong nước một cách tinh vi và luôn được thay đổi, bổ sung.

Giải pháp vượt qua rào cản phi thuế quan

Để vượt qua RCPTQ, DN Việt Nam cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện các hê ̣thống SA-8000, tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường… theo đúng quy định quốc tế. Ngoài ra, còn cần chú trọng mở rộng thị trường, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm… đặc biệt là tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm dệt may.

Để vượt qua rào cản phi thuế quan, DN Việt Nam cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện các hê thống SA-8000, tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường… theo đúng quy định quốc tế. Ngoài ra, còn cần chú trọng mở rộng thị trường, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Thời gian tới, các DN Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ để vượt qua được những RCPTQ, đó là:

Thứ nhất, đầu tư, đổi mới công nghệ, phát triển dây chuyền sản xuất hiện đai, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường thế giới. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường và quan tâm đến lợi ích của người lao động.

Thứ hai, phát triển các loại hình DN, đặc biệt là DN có quy mô lớn, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; mở rộng, tăng cường liên kết giữa các DN trong nước và DN nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức đa quốc gia, các thành phần kinh tế. Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các DN và tăng cường năng lực pháp lý của DN.

Thứ ba, tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả của hệ thống đại diện thương mại. Điều này sẽ giúp DN chủ động đối phó và vượt qua các rào cản trong thương mại quốc tế. Việc nghiên cứu thị trường tốt sẽ cung cấp cho các DN Việt Nam những thông tin có hệ thống về thị trường xuất khẩu bao gồm các thông tin về: các rào cản đang được áp dụng, dung lượng thị trường, các đối thủ cạnh tranh… Qua đó, DN có thể chủ động ứng phó với những rào cản kỹ thuâṭ, tạo ra thế chủ động khi thâm nhập thị trường, xây dựng và quảng bá được hình ảnh, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam.

Thứ tư, chú trọng tới việc xây dựng và phát triển thương hiệu, mẫu mã, đặt phương châm nâng cao chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Một DN có thương hiệu tốt là một DN uy tín trong lòng người tiêu dùng, do vậy việc xây dựng thương hiệu cần được các DN Việt Nam chú trọng xây dựng và phát triển. Cùng với việc xây dựng và phát triển thương hiệu cần đặc biệt quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ năm, chủ động tạo được nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước, để giảm bớt và dần loại bỏ việc nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài; Coi trọng việc quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như dệt may, thủy sản). Điều này sẽ có ý nghĩa quyết định tới năng lực cạnh tranh trong dài hạn của DN Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Thứ sáu, gắn chặt quyền lợi với các công ty nhập khẩu. Các DN Việt Nam phải đẩy mạnh kết hợp với các DN nhập khẩu trong hoạt động sản xuất, phân phối, chính điều này đã giúp các DN Việt Nam tránh được một số những rào cản mà nước nhập khẩu giành cho các sản phẩm xuất khẩu.

Thứ bảy, nâng cao năng lực nhận thức, đẩy mạnh các kênh thông tin và phổ biến thông tin đến các DN vềcác rào cản kỹ thuật thương mại của các nước, đặc biệt của những khối, nước chiếm thị phần và có kim ngạch xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… để các DN chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đối phó; Tổ chức tốt công tác thu thập và xử lý thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các nước nhập khẩu.

Thứ tám, hỗ trợ kiểm tra, giám sát và xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng theo chuẩn quốc tế. Qua cơ chế kiểm tra, giám sát này, hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua các yếu tố: chi phí sản xuất, thị trường xuất khẩu, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, kênh phân phối... sẽ được kiểm soát, từ đó có các tác động kịp thời nhằm tránh các trường hợp sản phẩm xuất khẩu của DN Việt Nam vi phạm các quy định trong hệ thống tiêu chuẩn chất lượng theo chuẩn quốc tế. Hỗ trợ DN trong việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và các tiêu chuẩn xã hội. Hỗ trợ và khuyến khích các DN sử dụng nhãn mác sinh thái để đối phó và vượt qua các rào cản môi trường tạo cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam.

Thứ chín, nâng cao hoạt động của Hiệp hội DN, đặc biệt là các Hiệp hội ngành hàng có hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… như Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Da giày Việt Nam… Vai trò quan trọng của các Hiệp hội ngành hàng được thể hiện trong việc tổ chức cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thị trường quốc tế cho các DN trong nước, tổ chức các hội chợ quốc tế, làm cầu nối giữa DN sản xuất hàng xuất khẩu Việt Nam với các thị trường quốc tế, cung cấp những dự báo chính xác và cảnh báo sớm cho DN.

Thứ mười, tích cực đàm phán với chính phủ các nước nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn, để dành được những ưu đãi phi thuế quan; Nâng cao vai trò đại diện của các cơ quan quản lý, cơ quan đại diện tại nước ngoài; Hoàn thiện hệ thống pháp luật thương mại Việt Nam phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Doanh nghiệp Việt Nam đối phó với rào cản phi thuế quan

PGS.,TS. NGUYỄN THỊ THƯƠNG HUYỀN

(Tài chính) Rào cản phi thuế quan là các rào cản ngoài thuế làm ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hoá quốc tế, nhằm duy trì và bảo hộ sản xuất cũng như người tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn phải đối mặt với các loại rào cản phi thuế quan, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh…

Xem thêm

Video nổi bật