Doanh nghiệp Việt thừa sức sản xuất ốc vít: Vì sao không làm?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định như vậy tại Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải cho Sản phẩm Việt” do Phòng Thương mại và Công nghiệp tổ chức sáng ngày 1/11.

Doanh nghiệp Việt thừa sức sản xuất ốc vít: Vì sao không làm?
Năng lực cạnh tranh của DN Việt còn rất thấp. Nguồn: internet

Từ câu chuyện “chiếc ốc vít”…

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mở đầu bằng câu chuyện “chiếc ốc vít” – một thông tin gây xôn xao nền sản xuất trong nước thời gian gần đây khi Tập đoàn Samsung công bố danh sách 170 loại linh kiện đơn giản, trong đó có chiếc ốc vít mà không có một doanh nghiệp (DN) Việt nào sản xuất được.

“Cho đến thời điểm này, DN Việt Nam vẫn chỉ có thể cung cấp cho chúng tôi các sản phẩm về bao bì, đóng gói…”, đại diện Tập đoàn Sam sung cho biết. Bên cạnh đó, gần đây, Canon Việt Nam cũng tuyên bố tương tự. “DN Việt mới chỉ đáp ứng được hộp, bìa carton để đóng gói sản phẩm của Canon”.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển DN nói, câu chuyện về con ốc vít đã động chạm đến lòng tự ái của các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam.

Trên thực tế, trước những thông tin đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại về năng lực, trình độ sản xuất hàng hóa của DN Việt Nam. Tuy nhiên, “đúng là DN FDI đang sử dụng các sản phẩm đơn giản của Việt Nam nhưng không phải là DN Việt Nam chỉ sản xuất được các sản phẩm đơn giản”, ông Lộc khẳng định.

“Phải thừa nhận, năng lực cạnh tranh của DN Việt còn rất thấp, chủ yếu dựa vào lợi thế lao động và điều kiện tự nhiên, chứ chưa chú trọng đến yếu tố hàm lượng tri thức và công nghệ. Do trên 90% là DN là DN nhỏ và vừa đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết và lạc hậu về công nghệ, kỹ thuật. Chính điều này đã khiến chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định và giá thành sản phẩm cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của DN", ông Lộc phân tích thêm.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, DN Việt thừa sức để sản xuất ốc vít, vấn đề là có đáng để làm hay không? Chúng ta không nhất thiết cái gì cũng cần phải đẳng cấp quốc tế.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển DN, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất được ốc vít đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thị trường nhưng chắc chắn rằng sẽ chẳng có DN nào sẵn sàng đầu tư để sản xuất ra một mớ ốc vít đạt chuẩn mà chưa biết lắp vào đâu, dùng vào đâu.

DN Việt ghép vào đâu trong “cỗ máy kinh tế toàn cầu”?

Trước câu chuyện về việc không làm được chiếc ốc vít và giấc mơ vươn đến đẳng cấp quốc tế, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh DN của nước ta còn loay hoay không tìm được chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu thì đặt vấn đề sản phẩm Việt đẳng cấp quốc tế có phải là xa vời không?

Lý giải thêm về những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Thanglongtech cho rằng, DN vẫn loay hoay chưa làm được những sản phẩm đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu không phải do kém mà vì thiếu liên kết với nhau.

Chính vì vậy, theo ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bkav nói, chúng ta hãy bỏ qua vấn đề về con ốc vít để đi thẳng vào công nghệ lõi, liên kết liên minh và tạo lợi thế cạnh tranh. Tham gia chuỗi giá trị gia tăng cao nhất là con đường có thể làm thay đổi nền kinh tế Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương trước khi “mơ” đến giấc mơ đẳng cấp quốc tế thì sản phẩm Việt hãy tạo được lợi thế cạnh tranh, “chỗ đứng” cũng như phải đạt được tiêu chuẩn quốc tế.

 “Muốn như vậy, DN cần có được môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Sản phẩm Việt đằng sau công nghệ phải là sáng tạo, đi cùng bản quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu DN phải gắn với pháp lý và giá trị phải được tôn vinh", ông Thành nhấn mạnh.