Đối mặt thách thức năm 2014

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH

(Tài chính) Năm 2014 được đánh giá là một năm tiếp tục khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Muốn đạt được những mục tiêu trước mắt cũng như chiến lược, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện cho đúng và dám dũng cảm đối mặt với những khó khăn, thách thức, tìm ra giải pháp hữu hiệu để vượt lên.

 Đối mặt thách thức năm 2014
Chỉ khi cải thiện được sức mua trên thị trường, các doanh nghiệp mới có khả năng sống sót và phát triển. Nguồn: internet

Đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ

Thách thức đầu tiên là khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế. Rõ ràng từ thực tế năm 2013, có thể thấy, chỉ tiêu 5,8% GDP năm 2014 không phải dễ dàng thực hiện được mà cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm. Quan trọng hơn là tiến trình cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tuy đã được bàn luận rất nhiều suốt từ đầu năm 2011 đến nay nhưng lại diễn ra rất chậm và lúng túng trong thực tế.

Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2014 vẫn lại chủ yếu dựa vào duy trì quy mô đầu tư khoảng 31% GDP, trong đó chủ yếu trông chờ vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư công bên cạnh việc tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu với đầu tàu là các doanh nghiệp FDI. Hơn lúc nào hết, xu thế sụt giảm mức độ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và nông nghiệp cần phải được chặn đứng và đảo ngược ngay từ năm 2014 - 2015. Đây là thách thức không dễ dàng vượt qua.

Thêm nữa, duy trì lạm phát dưới 7% giai đoạn 2014 - 2015 vẫn sẽ là thách thức không nhỏ khi mà tăng trưởng kinh tế đang và sẽ gây áp lực lên tăng thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN), tăng đầu tư công, tăng nợ công, tạo sức ép tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong khi tổng cầu tiêu dùng còn yếu và tỷ lệ tồn kho vẫn còn ở mức cao.

Bên cạnh đó, lộ trình điều chỉnh giá các nguyên nhiên vật liệu thiết yếu như xăng dầu, điện nước,... và dịch vụ công như giáo dục, y tế,... chắc chắn sẽ thách thức khả năng kiểm soát lạm phát nếu thiếu những bước đi thận trọng và phù hợp. Ngoài ra, biến động khôn lường của thị trường quốc tế năm 2014 có thể không còn "êm đềm" như năm 2012-2013 nên việc chuẩn bị sẵn những phương án đối phó càng trở nên cần thiết khi quy mô xuất nhập khẩu của nước ta đã lên tới 150-160% GDP.

Áp lực mới trong cơ cấu ngân sách nhà nước

Tuy việc tăng quy mô thâm hụt NSNN lên 5,3% GDP trong năm 2014 - 2015 chưa ảnh hưởng mạnh đến bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô song việc NSNN thâm hụt triền miên nhiều năm qua khiến cho nợ công tích lũy ngày càng nhiều, khiến cho nguồn chi NSNN, cả chi đầu tư phát triển cũng như chi thường xuyên, vốn đã eo hẹp lại càng khó khăn hơn.

Thách thức đối với NSNN năm 2014 càng lớn hơn khi khả năng thu bị hạn chế do khó khăn trong sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến nguồn thu. Trong khi đó, vẫn tồn tại vấn đề nguồn thu không tập trung và thất thu còn lớn tuy dự toán thu NSNN năm 2014 chỉ là 18,5% GDP (gần 783 nghìn tỷ đồng), thấp hơn hẳn so với con số tương ứng năm 2013 là 24,1% GDP (816 nghìn tỷ đồng). Rõ ràng, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và tạo môi trường bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thu nộp NSNN là thách thức lớn không chỉ trong năm 2014 mà cả các năm tiếp theo.

Như vậy, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng không thể thành công nếu không gắn bó chặt chẽ với cơ cấu lại NSNN, cả từ góc độ thu cũng như chi và bội chi. Đi đôi với đó là việc phải vượt qua thách thức tăng hiệu quả, kỷ luật chi và sử dụng nợ công khi dự toán chi NSNN năm 2014 là 23,8% GDP và nợ công lên hơn 60% GDP.

Tín dụng - làm sao tăng cả lượng và chất?

Trong bối cảnh vốn tín dụng ngân hàng vẫn chiếm vai trò đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp, thách thức lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng tiền tệ là bảo đảm tốc độ tăng tín dụng năm 2014 không dưới 10% so với năm trước nhưng vẫn phải duy trì chất lượng tín dụng. Áp lực càng lớn hơn khi quy mô tổng tín dụng cho nền kinh tế đã lên tới khoảng 100% GDP và dư địa để giảm lãi suất, cả lãi suất huy động và cho vay không còn nhiều, điều kiện tín dụng cho vay khó có thể nới lỏng lại đồng thời tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đi đôi với xử lý nợ xấu.

Những bước đi tiếp theo trong quá trình cơ cấu lại hệ thống và xử lý nợ xấu trong năm 2014 còn khó khăn hơn rất nhiều. Củng cố các ngân hàng thương mại yếu kém đã tái cơ cấu; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng không thuộc loại yếu kém, thậm chí thuộc loại trụ cột; xử lý hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu thông qua VAMC; triển khai thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro sau một năm trì hoãn; gắn cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng với cơ cấu lại hệ thống tài chính,... là những thách thức mà hệ thống tài chính ngân hàng không thể né tránh kể từ năm 2014.

 Đối mặt thách thức năm 2014  - Ảnh 1

Tuy chỉ số CPI đã được kiểm soát tốt trong năm 2013, nhưng sang năm 2014 khó kìm cương lạm phát.

Hội nhập sâu rộng hơn

Năm 2014 còn là năm chúng ta tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng hơn, tiến gần hơn tới các mốc hội nhập quan trọng năm 2015 và 2018. Thực thi hàng loạt cam kết đa phương trong khuôn khổ WTO, AFTA, CAFTA,... sắp tới là TPP cùng các cam kết song phương trở thành những thách thức cận kề nhất là khi nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện cơ chế thị trường, sức cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm còn yếu, bảo hộ sản xuất trong nước kém hiệu quả, tình trạng độc quyền, nhất là độc quyền của doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực vẫn còn, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, thiếu công khai minh bạch, thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà...

Nếu không vượt qua được những thách thức này thì không những sẽ vuột mất cơ hội lớn có được nhờ hội nhập kinh tế quốc tế mà còn có thể làm khoảng cách giữa Việt Nam với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới ngày càng doãng rộng ra.

Một câu nói đã quá quen thuộc, nhưng vẫn phải nhắc lại, đó là: Thách thức sẽ biến thành cơ hội nếu ta biết nhận ra và vượt qua nó. Hy vọng câu nói đó sẽ ứng nghiệm ngay trong tình hình kinh tế năm 2014 này.