Đổi mới chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa
Những năm qua, chính sách tài chính đất đai đã từng bước được thể chế hoá theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thu hẹp sự phân biệt giữa tổ chức trong nước và ngoài nước. Nghị định số 59/2014/NĐ-CP và Thông tư số 156/2014/TT-BTC tiếp tục có nhiều điểm đổi mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực đất đai, tài sản Nhà nước và tạo nguồn thu lâu dài, bền vững cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Những điểm mới
Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích xã hội hóa, với các ưu đãi về chính sách tài chính đất đai. Cụ thể, năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; đồng thời Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 135/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định này nhằm tạo ra bước đột phá lớn trong khuyến khích xã hội hóa, thu hút nhiều nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực này. Tuy nhiên, do trong quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là trong lĩnh vực khuyến khích về đất đai, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP; đồng thời Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 156/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Với những đổi mới này, chính sách tài chính đất đai đã từng bước được thể chế hoá theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thu hẹp sự phân biệt giữa tổ chức trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính về đất khác đã thể hiện được sự ưu đãi và khuyến khích đầu tư của Nhà nước đối với các đối tượng sử dụng đất cần ưu đãi và chủ trương xã hội hóa. Nhờ đó, hệ thống chính sách tài chính đất đai đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực đất đai, tài sản Nhà nước và tạo nguồn thu lâu dài, bền vững cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Với những thay đổi tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, có thể thấy những điểm mới nổi bật so với các quy định trước đây, tạo được sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, cụ thể:
Một là, phạm vi điều chỉnh lĩnh vực xã hội hóa được mở rộng. Theo đó, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP đã bổ sung thêm một lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa nữa là giám định tư pháp. Trước đó, chỉ mới có 06 lĩnh vực (giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và môi trường) được pháp luật cho phép. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh với các ưu đãi về chính sách tài chính đất đai sẽ góp phần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Hai là, quy định về cho thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa theo hướng linh động dễ thực hiện. Theo đó, căn cứ khả năng ngân sách, nhu cầu khuyến khích xã hội hóa và quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có, Bộ, ngành chủ quản, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc xây dựng mới một phần hoặc toàn bộ cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa hoặc sử dụng quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có của đơn vị thuộc phạm vi quản lý để cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa thuê có thời hạn. Nếu ngân sách nhà nước không bố trí hoặc bố trí không đủ vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình xã hội hóa cho thuê thì các cơ sở thực hiện xã hội hóa được thỏa thuận để ứng trước tiền thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa để có nguồn vốn thực hiện việc đầu tư xây dựng. Giá cho thuê cơ sở vật chất được hình thành trên cơ sở giá thuê tài sản trên đất và tiền thuê đất (nếu có) sau khi đã được ưu đãi (miễn, giảm) theo quy định...
Ba là, thuận lợi hơn trong góp vốn, liên doanh, liên kết thực hiện dự án xã hội hóa. Theo đó, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP đã quy định được sử dụng tài sản đã đầu tư trên đất, lợi thế kinh doanh, lợi thế thương hiệu, lợi thế thương mại và các lợi thế khác có liên quan để góp vốn, liên doanh, liên kết thành lập Cơ sở thực hiện xã hội hóa. Ngoài ra, các đơn vị cũng được sử dụng số tiền cho thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa để góp vốn, liên doanh, liên kết với cơ sở thực hiện xã hội hóa và số tiền cho thuê được xác định là phần vốn góp của đơn vị tại cơ sở thực hiện xã hội hóa hình thành trong việc góp vốn, liên doanh, liên kết này.
Bốn là, ưu đãi tiền thuê đất và xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các sở thực hiện xã hội hóa được Nhà nước cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo hình thức cho thuê đất miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê. Riêng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị, sau 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất theo từng khu vực, lĩnh vực và công bố công khai sau khi có ý kiến thống nhất của thường trực HĐND cấp tỉnh.
Nếu UBND cấp tỉnh không cân đối được ngân sách địa phương để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch” cho cơ sở thực hiện xã hội hóa thuê thì cơ sở thực hiện xã hội hóa có trách nhiệm chi trả khoản chi phí này hoặc hoàn trả cho ngân sách nhà nước (trong trường hợp Nhà nước đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng). Cơ sở xã hội hóa được trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào tiền thuê đất phải nộp hoặc được quy đổi ra số năm tháng đã nộp tiền thuê đất. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cơ sở thực hiện xã hội hóa được tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Nhà nước và được trừ vào tiền thuê đất phải nộp hoặc tính vào chi phí đầu tư dự án.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số điểm mới khác như: Nếu nhà đầu tư tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình xã hội hóa mà phải chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương thì được Nhà nước cho thuê đất và được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này và quy định cụ thể cách xử lý số tiền mà nhà đầu tư đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Quy định kế thừa quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án xã hội hóa nếu chuyển nhượng dự án xã hội hóa...
Một số kiến nghị
Có thể nói, các quy định mới trong chính sách tài chính đất đai đã giúp các bên khi tham gia hợp tác thực hiện dự án xã hội hóa cùng có lợi, qua đó tạo động lực huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu khuyến khích xã hội hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, để chính sách này đi vào cuộc sống, thời gian tới các bên liên quan cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:
Một là, để đảm bảo chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa đi vào cuộc sống và được thực hiện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu khuyến khích xã hội hóa của từng địa phương, UBND các tỉnh cần nhanh chóng ban hành chế độ miễn, giảm tiền thuê đất tại địa phương. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, vẫn còn một số địa phương chưa ban hành chế độ này.
Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện nhất là trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai và bồi thường, giải phóng mặt bằng; rà soát thực hiện nghiêm việc thu hồi đất bị sử dụng lãng phí, sai mục đích và có phương án cụ thể để khai thác, sử dụng có hiệu quả...
Ba là, tích cực tổ chức các lớp tập huấn chính sách, hội thảo, chuyên đề chuyên sâu để tuyên truyền chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa tới các đối tượng thực hiện công việc chuyên môn có liên quan đến chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các đối tượng quan tâm hiểu rõ lợi ích khi tham gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Tài liệu họp báo chuyên đề “Định hướng đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập và Chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa” tháng 7/2015 của Bộ Tài chính;
2. Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/06/2014 của Chính phủ;
3. Thông tư số 156/2014/TT-BTC ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính.