Đổi mới cơ chế giám sát vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính- Bộ Tài chính Vũ Nhữ Thăng, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều chính sách đổi mới trong việc giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhằm có biện pháp xử lý kịp thời các DNNN kinh doanh thua lỗ, hoạt động không hiệu quả.

Đổi mới cơ chế giám sát vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Cần tiếp tục đổi mới cơ chế giám sát vốn Nhà nước vào doanh nghiệp. Ảnh: internet.
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, về cơ chế giám sát, theo phân công, phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DNNN do Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập; còn Bộ Tài chính thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu DNNN; Hội đồng quản trị là đại diện chủ sở hữu trực tiếp vốn Nhà nước tại DNNN có hội đồng quản trị. DNNN được quyền chủ động sử dụng vốn Nhà nước giao, các loại vốn khác, các quỹ do DNNN quản lý vào hoạt động kinh doanh; chịu trách nhiệm về bảo toàn, phát triển vốn, hiệu quả sử dụng vốn.

Trên thực tế, việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước đối với tập đoàn kinh tế Nhà nước còn những điểm chưa hợp lý, chưa rõ ràng, còn phân tán vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản tại các tập đoàn kinh tế.

Việc giám sát, đánh giá của chủ sở hữu trong thời gian qua chủ yếu căn cứ vào kết quả thực hiện so với kế hoạch do các DNNN tự xây dựng và đăng ký nên chưa phản ánh rõ được yêu cầu và đòi hỏi của chủ sở hữu Nhà nước đối với các DNNN, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế và tổng công ty quy mô lớn và quan trọng, dẫn đến nhiều cơ quan Nhà nước còn gặp khó khăn trong việc nắm bắt một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về vốn, tài sản Nhà nước và tình hình hoạt động tại các tập đoàn kinh tế. Một số sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước chỉ phát hiện sau thanh tra, kiểm tra tại các tập đoàn kinh tế hoặc có khiếu nại, tố cáo.

Do vậy, để khắc phục những tồn tại về cơ chế giám sát trong các văn bản quy phạm trước đây không còn phù hợp, ngày 25/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2013/NĐ-CP về quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp (DN) do Nhà nước là chủ sở hữu và DN có vốn Nhà nước.

Theo đó, chủ thể giám sát tài chính trong DN do Nhà nước làm chủ sở hữu cũng được phân cấp cho bộ quản lý ngành, UBND tỉnh và cơ quan quản lý tài chính từ Trung ương (Bộ Tài chính) đến địa phương (Sở Tài chính) trong DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và không quá 50% vốn điều lệ.

Việc tổ chức giám sát cũng được quy định từ chủ sở hữu, Bộ Tài chính đến DN. Trong đó, Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành thực hiện giám sát tài chính, tổng hợp báo cáo giám sát tài chính và đưa ra những khuyến nghị, cũng như quy định các nguyên tắc chung trong đánh giá hiệu quả hoạt động của DN.

Cũng theo ông Vũ Nhữ Thăng, Nghị định 61/2013/NĐ-CP cũng quy định về giám sát tài chính đặc biệt đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và những quy định về công khai thông tin tài chính về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trích lập sử dụng các quỹ, đóng góp vào ngân sách nhà nước, thu nhập của viên chức quản lý và người lao động cũng như tình hình quản trị DN.

Việc quy định cơ chế giám sát rõ ràng, cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của các bộ, ngành, UBND cũng như nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc quản lý, giám sát phần vốn Nhà nước trong các DNNN sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả quản lý giám sát tài chính Nhà nước tại DNNN.

Theo đó, nội dung giám sát trong Nghị định 61/2013/NĐ-CP được quy định cụ thể cho các DN 100% vốn Nhà nước và DN có trên hoặc dưới 50% vốn Nhà nước như: Tập trung vào quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN; giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn; giám sát hoạt động kinh doanh của DN, kế hoạch đầu tư, thực hiện dự án đầu tư, tình hình huy động vốn, vay nợ nước ngoài của DN; thực hiện chính sách đối với người lao động trong DN; phân phối lợi nhuận và phân chia rủi ro từ phần vốn góp.

Quy chế mới này sẽ góp phần đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động của DN, kịp thời giúp DN khắc phục những tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh; nâng cao trách nhiệm của DN trong việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước; giúp Nhà nước, chủ sở hữu vốn đầu tư vào DN khác, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính DN kịp thời phát hiện các yếu kém trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh.

Bên cạnh đó cũng tăng cường quy định các chế tài xử lý vi phạm và hình thức kỷ luật đối với các chủ thể khi vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ giám sát tài chính DN sẽ góp phần đảm bảo tính minh bạch, là cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn Nhà nước.