Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tự chủ tài chính

Theo daibieunhandan.vn

Tại buổi làm việc với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT), Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông - Vận tải về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sáng 7/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, muốn tự chủ, trước tiên các đơn vị này cần tự chủ về tài chính.

Nhà nước đã ưu tiên dành nguồn lực đáng kể để chi cho phát triển cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công. Nguồn: internet.
Nhà nước đã ưu tiên dành nguồn lực đáng kể để chi cho phát triển cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công. Nguồn: internet.

Còn nhiều hạn chế

Theo báo cáo của Bộ Giao thông – Vận tải, hiện Bộ quản lý 68 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó 20 đơn vị tự chủ được chi thường xuyên, 42 đơn vị bảo đảm được một phần chi thường xuyên và 6 đơn vị được Nhà nước bảo đảm 100% chi phí chi thường xuyên. Bộ đã rút gọn từ 15 Ban Quản lý dự án xuống còn 8 Ban ở các khối cầu đường, đường sắt, hàng hải... và “không thể giảm hơn được nữa”.

Còn tại Bộ NN - PTNT, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, hiện Bộ quản lý 70 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 2 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, 67 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên, 1 đơn vị do ngân sách bảo đảm chi. Tại Bộ Công thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ đang quản lý 67 đơn vị sự nghiệp công lập với tổng số 15.421 lao động, giảm 1.324 người so với năm 2011.

Trong đó, có 3 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, 5 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, 57 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên. Ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số 97 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, có tới 67 đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động, 13 đơn vị bảo đảm một phần kinh phí hoạt động…

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các bộ, vẫn còn nhiều hạn chế trong đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chẳng hạn, đối với các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ, Nhà nước vẫn chưa có cơ chế, chính sách cụ thể gắn các chương trình khoa học và công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước; chưa có cơ chế quản lý hiệu quả trong việc gắn trách nhiệm của nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Sau khi chuyển đổi thành tổ chức tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các viện thực hiện đăng ký kinh doanh và được cơ quan quản lý nhanh chóng cấp đăng ký kinh doanh theo quy định. Tuy nhiên, con dấu phải đổi sang mẫu dấu của tổ chức kinh tế. Như vậy, không tạo được thuận lợi trong các giao dịch về hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Hay với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, mặc dù đã có quyền tự chủ tài chính ngày càng cao trong sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, tăng số lượng tuyển sinh… song việc triển khai cơ chế tự chủ còn hạn chế vì các quy định về cơ chế tự chủ tài chính vẫn chưa được hoàn thiện...

Tự chủ tài chính không phải là đẩy giá dịch vụ chót vót

Mặc dù trên thực tế, việc sắp xếp, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được triển khai, song theo đánh giá của Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải “hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập gần như giữ nguyên như thời bao cấp, chỉ có “đẻ” thêm gây nặng gánh cho Nhà nước chứ không có tinh giản để gọn nhẹ hơn”.

Do vậy, theo ông Hải, trong việc sắp xếp, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thì trước tiên, phải định hình lại khái niệm thế nào là đơn vị sự nghiệp công lập? Thứ hai, định nghĩa lại khái niệm tự chủ.

Muốn tự chủ “nên quan tâm nhiều đến thay đổi quản lý và hiệu quả chứ không phải gắn với chuyện tự lo lương, tự lo tiền bởi nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: Muốn tự chủ hoàn toàn, bảo đảm tài chính thì phải tăng quyền lên, nhưng để tăng quyền thì phải lo được tiền lương. Như vậy sẽ không biết cái nào trước, cái nào sau”, ông nói.

Thừa nhận tự chủ là xu thế tất yếu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cho rằng, đơn vị sự nghiệp công lập muốn tự chủ phải bắt đầu bằng tự chủ về tài chính. Khi đó sẽ cân nhắc, cân đối dùng tiền để đầu tư vào đâu cho hiệu quả.

Về thu, với tất cả đơn vị sự nghiệp công, cần phân loại, sàng lọc xem những lĩnh vực gì Nhà nước phải bảo đảm, lĩnh vực gì xã hội hóa được, có thể chuyển sang hoạt động như doanh nghiệp, song “cần có lộ trình như lộ trình cải cách doanh nghiệp nhà nước”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập nhấn mạnh, không thể không tự chủ được về tài chính mà đòi trao quyền quá nhiều về xác định biên chế và tuyển dụng cán bộ, nhân viên. Mức độ tự chủ khác phụ thuộc vào mức độ tự chủ về tài chính và phải lấy tự chủ tài chính để phân loại đơn vị sự nghiệp công lập.

Để tự chủ về tài chính, các bộ, ngành, địa phương làm rõ lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ công, tính đúng, tính đủ các yếu tố vào giá khi coi đây là điều kiện then chốt để chuyển sang xã hội hóa và tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, “không phải đưa giá dịch vụ lên cao chót vót là tự chủ tài chính”, bởi điều này còn liên quan đến ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân, đến yếu tố kiểm soát vĩ mô.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu 4 bộ cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối, tinh giản biên chế, bộ máy để giảm kinh phí thường xuyên hàng năm.

Tuy nhiên, đây không phải là cắt giảm một cách cơ học, mà phải xác định rõ đơn vị nào phân tán, chồng chéo, chức năng gần nhau thì sắp xếp lại. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu lực và chất lượng trong cung ứng dịch vụ công.