Đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ ở Việt Nam

Việc đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN nhằm đa dạng hóa, mở rộng phạm vi, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ đã được đề cập từ những năm 1980, thể hiện từ Quyết định số 175/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “khuyến khích các tổ chức KH&CN, các trường đại học, tổ chức kinh tế nhà nước và tập thể được mở rộng phạm vi ký kết hợp đồng kinh tế để thực hiện nhiệm vụ KH&CN trên cơ sở tự nguyện”, đến Nghị định số 115/2005/NĐ-CP “quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập nhằm tăng cường trách nhiệm và nâng cao tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của tổ chức KH&CN”. Cơ sở đó đã tạo điều kiện gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động KH&CN; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, từng bước nâng cao tiềm lực KH&CN của đất nước.

Kết quả đã đạt được:

(i) Việc đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN ở Việt Nam thời gian qua, bước đầu đã phù hợp với quá trình đổi mới của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhiều chính sách đã thể hiện tư tưởng đổi mới và có tác dụng tích cực như tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đa dạng hóa nguồn đầu tư; Bắt đầu hình thành thị trường KH&CN.

(ii) Nghị định số 115/2005/NĐ-CP đã góp phần thúc đẩy hoạt động của các tổ chức KH&CN theo hướng thị trường, tự chủ cơ cấu tổ chức, chủ động tìm kiếm công việc và tổ chức thực hiện.

(iii) Đã tạo được sự gắn kết giữa kết quả nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh, phát huy các tiềm năng về cơ sở vật chất, năng lực của nguồn nhân lực và nguồn tài chính để đổi mới mô hình hoạt động theo hướng đa chức năng, đa mục tiêu, đa ngành nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu và năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

(iv) Các cơ chế quản lý được bổ sung hoàn thiện bằng những quy định rõ ràng, minh bạch; Kinh phí được sử dụng đúng việc và hiệu quả; Tổ chức phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm cao hơn trong hoạt động nghiên cứu của đơn vị.

Hạn chế cần tiếp tục đổi mới:

Một là, cơ chế quản lý còn mang tính hành chính, bao cấp, chưa thật sự phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN; Chưa phát huy được những tiềm năng vốn có của các tổ chức, nhà khoa học; Việc sử dụng nguồn lực còn hạn chế, dẫn đến tiềm lực nghiên cứu của Việt Nam còn yếu so với nhu cầu phát triển đất nước.

Hai là, cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa xuyên suốt; Hoạt động nghiên cứu KH&CN mang tính đa ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cơ quan, viện để đạt được mục tiêu đề ra, nhưng quá trình thực thi thường vướng mắc các cơ chế chính sách ở sự chậm chễ, thiếu gắn bó, phối hợp giữa các bên liên quan như các cơ quan quản lý, tổ chức KH&CN, nhà khoa học, doanh nghiệp...

Ba là, cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN hiện nay còn quá chú trọng về quản lý đầu vào, trong khi kết quả đầu ra và hiệu quả chưa được quan tâm đúng mức; Công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự hiệu quả và thực chất; Chưa có hành lang pháp lý hoàn thiện bảo đảm cho thị trường KH&CN phát triển, dẫn đến sự tách biệt rời rạc giữa người nghiên cứu sáng tạo với người mua sản phẩm.

Bốn là, chưa hình thành cơ chế để tách bạch rõ ràng giữa quản lý nhà nước về KH&CN với việc trực tiếp tham gia hoạt động KH&CN. Sự không minh bạch này, dẫn đến các cơ quan nhà nước vừa quản lý nhà nước về KH&CN, lại vừa trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu KH&CN. Điều này đã không tạo được sự bình đẳng nhằm thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế khác.

Năm là, tại các tổ chức KH&CN chưa thực sự được tự chủ hoàn toàn về kế hoạch, tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất và hợp tác quốc tế để phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động và gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất kinh doanh. Do đó, cần xây dựng hệ thống tiêu chí chuẩn quốc gia để đánh giá chất lượng và hiệu quả của hoạt động KH&CN và các tổ chức KH&CN nói riêng.

Sáu là, nguồn NSNN đầu tư cho hoạt động KH&CN còn dàn trải, phân bổ nặng về xin – cho, chưa tập trung vào lĩnh vực, ngành trọng điểm, mũi nhọn để tạo đầu kéo; Chưa huy động được các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, các quỹ hỗ trợ, quỹ phát triển KH&CN để đầu tư vào KH&CN và ứng dụng vào đời sống xã hội; Chưa có chính sách phù hợp và đủ mạnh để thu hút, khuyến khích các nhà khoa học ở nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước.

Đề xuất, khuyến nghị

Trong giai đoạn tới, đất nước sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Do đó, muốn nâng cao sức cạnh tranh của đất nước không có cách nào khác phải phát triển KH&CN, đưa KH&CN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp nhằm tạo ra đột phá về lực lượng sản xuất cho nền kinh tế; Phát huy trong thực tiễn vai trò nền tảng, động lực then chốt của các tổ chức KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Với những nghiên cứu về lý luận, những đánh giá thực tiễn ở phần trên và để đạt được các mục tiêu phát triển, phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức KH&CN giai đoạn tới, bài viết đề xuất một số khuyến nghị cơ bản như sau:

Thứ nhất, đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của tổ chức, quản lý:

(i) Ở tầm vĩ mô cần thể chế hóa đường lối đổi mới hoạt động của các tổ chức KH&CN; Coi KH&CN là nền tảng và động lực phát triển đất nước, đồng thời phải đưa vào thực tế hoạt động của tất cả các cấp, ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ở tầm vi mô, các tổ chức KH&CN cần nắm bắt và triển khai nhanh các quan điểm, đường lối về đổi mới hoạt động của các tổ chức KH&CN tại đơn vị mình trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và phải cụ thể hóa bằng những kế hoạch KH&CN chi tiết để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

(ii) Tạo môi trường pháp lý linh hoạt, thuận lợi và phù hợp để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN phát triển như: Cụ thể hóa các điều khoản trong Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ... thành các văn bản dưới luật để điều chỉnh và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức KH&CN đạt hiệu quả; Các tổ chức KH&CN cần xây dựng nội quy, quy chế, quy định trong hoạt động KH&CN, giáo dục nâng cao nhận thức để mỗi người đều hoàn thành chức trách, nhiệm vụ và làm việc theo nội quy, quy chế và pháp luật của Nhà nước.

(iii) Xây dựng thiết chế dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động KH&CN, đảm bảo cho hoạt động KH&CN phát triển mạnh và mang lại hiệu quả cao; Tạo ra chuỗi giá trị mà ở đó có sự gắn kết giữa năng lực công nghệ với nhu cầu khách hàng, giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp.

Thứ hai, đổi mới và đẩy mạnh việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo hướng thị trường:

(i) Cần thiết lập mô hình hoạt động linh hoạt, mềm dẻo. Đồng thời, cần nghiên cứu, thiết kế sản phẩm gì? Nghiên cứu cho ai? Nghiên cứu như thế nào? mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và xã hội. Đặc biệt, để đảm bảo tổ chức KH&CN hoạt động trong cơ chế thị trường có hiệu quả thì về cơ chế hoạt động cần được mở rộng và đa dạng hóa, có quyền chủ động ký hợp đồng công việc, hợp đồng lao động; Quyền tự chủ về tài chính, tín dụng; Quyền chủ động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp; Quyền cung cấp dịch vụ KH&CN và trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh; Quyền phân phối kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhất là chuyển dần hoạt động của các tổ chức KH&CN sang cơ chế hoạt động “theo nhu cầu”, khắc phục từng bước khoảng cách giữa năng lực thực tế với nhu cầu thiết thực của sự phát triển; Để thị trường điều chỉnh, làm năng động và đa dạng hóa mối quan hệ giữa các tổ chức KH&CN với các chủ thể khác trong nền kinh tế.

(ii) Phát triển nhanh loại hình doanh nghiệp KH&CN, tạo phương thức chuyển giao công nghệ nhanh nhất, hiệu quả nhất tới các doanh nghiệp thông qua chức năng cung cấp hàng hóa KH&CN, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu, các phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật; Gắn các nhà khoa học với thực tiễn và kết quả nghiên cứu được ứng dụng nhanh hơn, rộng rãi hơn. Theo Chiến lược phát triển KH&CN 2011 – 2020, Việt Nam phấn đấu tạo ra lực lượng sản xuất mới bao gồm 3.000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2015 và khoảng 5.000 vào năm 2020, chủ yếu ở các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Thứ ba, đổi mới và đẩy mạnh đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân lực KH&CN:

Nguồn nhân lực KH&CN, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, cần đổi mới cơ chế quản lý nhân lực KH&CN theo hướng mở: Trả công xứng đáng để tạo động lực cho họ tích cực nghiên cứu, phát minh, sáng chế và cho phép họ tham gia ký hợp đồng và được tham gia thành lập doanh nghiệp KH&CN. Muốn vậy, cần có những giải pháp sử dụng và đãi ngộ với nhân lực KH&CN như sau: Phải có chính sách liên kết giữa viện – trường – doanh nghiệp để hình thành mạng lưới nghiên cứu – đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao cho tổ chức KH&CN; Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chuyên môn hóa, có kinh nghiệm, có kỹ năng làm việc độc lập trong môi trường hội nhập quốc tế; Thực hiện chế độ trọng dụng cán bộ tài năng, tạo môi trường tốt, điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nghiệp; Tăng tỷ lệ nguồn nhân lực KH&CN đầu đàn và có chế độ đãi ngộ tương xứng; Xây dựng và hoàn thiện môi trường khoa học lành mạnh, hấp dẫn để tạo động lực sáng tạo của cán bộ KH&CN; Tổ chức vinh danh các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu xuất sắc trong nước và quốc tế hàng năm nhằm khuyến khích và ghi nhận công lao đóng góp cho KH&CN của các nhà khoa học.

Thứ tư, đổi mới cơ chế tài chính đối với tổ chức KH&CN:

(i) Đối với nguồn tài chính từ NSNN, cần khắc phục tình tràng phân bổ dàn trải và chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư; Gắn quyền hạn với trách nhiệm sử dụng NSNN với hiệu quả hoạt động KH&CN, đầu tư tập trung có trọng tâm trọng điểm, có cơ chế vận hành hiệu quả các quỹ phát triển KH&CN; Quy định nội dung và định mức kinh phí đối với công trình sử dụng NSNN đảm bảo đầy đủ các nội dung chi; Đổi mới phương thức trả công lao động khoa học theo vai trò và thời gian; Hoàn thiện cơ chế khoán kinh phí thực hiện các công trình khoa học; Đơn giản hóa các thủ tục thanh quyết toán kinh phí KH&CN.

(ii) Tăng cường, mở rộng các nguồn tài chính đầu tư cho KH&CN. Theo đó, các tổ chức KH&CN có thể tìm kiếm, sử dụng các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, bổ sung nguồn tự có, nguồn viện trợ...; Tăng quỹ phát triển KH&CN các cấp thông qua tăng phần trích từ lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp (có thể tăng từ 10% đến 20%).

(iii) Thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, theo đó, quỹ này được thành lập trên cơ sở đóng góp của nhà nước và các nhà đầu tư, tài trợ cho hoạt động KH&CN để thực hiện các nhiệm vụ mạo hiểm có rủi ro cao.

(iv) Có cơ chế tín dụng và chính sách thuế ưu đãi đối với hoạt động KH&CN, theo đó phải hình thành khung pháp lý để các tổ chức KH&CN có điều kiện thế chấp khi vay vốn. Đồng thời, các ngân hàng cần có chính sách ưu đãi riêng do đặc thù của công trình nghiên cứu khoa học; Có chính sách miễn hoặc giảm thuế đối với hoạt động KH&CN.

Thứ năm, mở rộng hoạt động liên kết, liên doanh về KH&CN:

(i) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN. Đây là sự hợp tác giữa hai hay nhiều bên cùng mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Qua đó, các tổ chức KH&CN có thể tiếp thu kiến thức và công nghệ tiên tiến từ các bên ngoài, bổ sung trình độ, kỹ năng về nghiên cứu khoa học.

(ii) Đẩy mạnh liên kết, liên doanh trong nước, theo đó các tổ chức KH&CN phải tìm được và chia sẻ mục tiêu chung trong phát triển công nghệ của doanh nghiệp, thiết lập quan hệ ổn định, lâu dài hướng vào phục vụ doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cần tăng tính chủ động liên kết nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà quản lý trong quá trình giải quyết yêu cầu thực tiễn; Liên kết này phát huy được nội lực KH&CN, gắn chặt với nhu cầu sản xuất, tạo được thị trường KH&CN; Mối liên kết này tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, có khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực sản xuất lớn trong nền kinh tế.

Đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN là vấn đề khá phức tạp. Vì vậy, cần có thời gian để hoàn thiện cả tầm vĩ mô và vi mô. Bài viết trên cơ sở nghiên cứu lý luận và qua đánh giá thực tiễn quá trình đổi mới cơ chế hoạt động các tổ chức KH&CN giai đoạn vừa qua, đưa ra một số khuyến nghị cơ bản nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN ở Việt Nam trong giai đoạn từ nay tới năm 2020.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ KH&CN, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020;

2. Phạm Ngọc Ánh; Nguyễn Văn Hiệu, Thúc đẩy các tổ chức KH&CN chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, NXB Lao động – Xã hội, 2007;

3. Phạm Chí Trung, Đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 2013;

4. Vũ Cao Đàm, Đánh giá nghiên cứu khoa học, NXB Khoa học kỹ thuật, 2007.

Đổi mới cơ chế hoạt động đối với tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ

TS. NGUYỄN MẠNH THIỀU - Học viện Tài chính

(Tài chính) Trong nhiều năm qua, lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam vẫn thực hiện theo cơ chế xin – cho, gây nhiều hạn chế cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Thực tế trên, đòi hỏi phải có sự đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình sáng tạo và đổi mới công nghệ của đất nước.

Xem thêm

Video nổi bật