Cơ chế tài chính những năm gần đây

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ một số đề án đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN nói chung và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN nói riêng. Không có cơ chế tài chính chỉ riêng cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập.

Thứ nhất, Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 171/2004/QĐ-TTg ngày 28/9/2004 có nội dung “Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN”. Đây là nội dung thứ 3 trong 6 nhóm nội dung và giải pháp chủ yếu trong Đề án đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN. Những giải pháp chính trong đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN gồm: Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho KH&CN; Đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN); Hoàn thiện cơ chế sử dụng nguồn tài chính tạo động lực cho KH&CN; Một số cơ chế được ban hành theo hướng đổi mới trong thời gian qua...

Để quản lý các dự án KH&CN, ngày 20/8/2004 Liên bộ Bộ Tài chính, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 85/2004/TTLT/BTC-BKHCN, hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án KH&CN được NSNN hỗ trợ và có thu hồi kinh phí. Thông tư 85/2004/TTLT/BTC-BKHCN quy định NSNN hỗ trợ tối đa 30% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm, các dự án chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học từ nước ngoài; Đồng thời, tối đa không quá 24 tháng sau khi dự án kết thúc, các dự án phải nộp trả NSNN số kinh phí thu hồi từ 60 - 100% mức kinh phí NSNN đã hỗ trợ thực hiện các dự án; Kinh phí thu hồi chủ yếu từ nguồn thu bán các sản phẩm là kết quả thực hiện của dự án. Sau một thời gian thực hiện, những quy định tại Thông tư nói trên đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Xét về bản chất thì Dự án thử nghiệm là khâu cuối của chu trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ với nội dung chính là triển khai thực nghiệm, thử nghiệm ở quy mô nhỏ để hoàn thiện kết quả nghiên cứu (sản phẩm mới, công nghệ mới) được tạo ra trong phòng thí nghiệm trước khi đưa vào sản xuất và đời sống. Trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm, các sản phẩm được tạo ra là các vật mẫu (prototype), quy trình sản xuất vật mẫu và tổ chức sản xuất thử loạt nhỏ - loạt “o” (zero) nhằm ổn định chất lượng của sản phẩm cũng như độ tin cậy của công nghệ đã được nghiên cứu và tạo ra trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, phần lớn sản phẩm của các Dự án sản xuất thử nghiệm chưa đi đến thương mại hóa và chưa thể mang lại hiệu quả sinh lợi bằng tiền ngay sau khi kết thúc. Trong thực tế, chỉ có doanh nghiệp mới đóng vai trò quyết định trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu trên cơ sở các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm do doanh nghiệp thực hiện.

- Loại hình các cơ quan nghiên cứu khoa học gồm: Loại hình các cơ quan nghiên cứu khoa học; Loại hình triển khai kỹ thuật; Loại hình nghiên cứu phúc lợi xã hội, cơ sở kỹ thuật và khoa học nông nghiệp.

- Phương thức chi ngân sách: Việc phân loại quản lý nguồn lực tài chính KH&CN, cơ chế chi ngân sách được thực hiện căn cứ vào loại hình hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học: Thứ nhất, chi phí cho các cơ quan nghiên cứu khoa học và kinh phí sự nghiệp KH&CN. Thứ hai, đối với các cơ quan nghiên cứu thuộc loại hình nghiên cứu cơ bản, kinh phí nghiên cứu khoa học từng bước thực hiện theo hướng chủ yếu dựa vào nguồn từ Quỹ phát triển KH&CN. Đối với các cơ quan nghiên cứu thuộc loại hình như sự nghiệp công ích, Nhà nước bao cấp một phần kinh phí nhất định…

Về nguyên tắc, Nhà nước không giảm bớt chi ngân sách cho kinh phí sự nghiệp KH&CN chung và tiếp tục tăng thêm hàng năm. Kinh phí sự nghiệp được giảm xuống vẫn sẽ dùng cho nghiên cứu khoa học, với phương thức vận hành ổn định và chi theo nhiệm vụ.

Đối với các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập, Dự án thử nghiệm là một khâu trong chu trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ nên hoạt động sản xuất thử nghiệm cũng mang đầy đủ các đặc tính của hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có tính rủi ro. Ngay cả khi kết quả nghiên cứu đã được thử nghiệm thành công ở quy mô nhỏ thông qua Dự án sản xuất thử nghiệm, cũng vẫn chịu những rủi ro (cả về công nghệ cũng như về thị trường) trong quá trình áp dụng vào thực tế sản xuất và đời sống, hoặc vẫn không thể áp dụng ngay vào quy mô lớn theo yêu cầu của sản xuất nếu không tiến hành đồng bộ các nghiên cứu khả thi về công nghệ, tài chính, thị trường, kinh tế, môi trường, xã hội...

Theo đánh giá của cơ quan quản lý KH&CN của các bộ ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế…) thì ngoài yếu tố rủi ro, thu hồi kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm gây thêm áp lực đối với các nhà khoa học và các tổ chức KH&CN công lập, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Áp lực thu hồi kinh phí cùng với yếu tố rủi ro trong nghiên cứu được xem là nguyên nhân chính của số lượng hạn chế các dự án sản xuất thử nghiệm, đồng nghĩa với tỷ lệ các kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tế sản xuất và đời sống còn thấp trong thời gian qua.

Bộ KH&CN đã trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý không thu hồi kinh phí đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được NSNN hỗ trợ (Quyết định số 62/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ). Trên cơ sở đó, liên Bộ Tài chính - KH&CN đã ban hành Thông tư 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21/2/2011 hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được NSNN hỗ trợ kinh phí.

Thứ hai, Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN” có nội dung “Đổi mới quy định hiện hành về dự toán và sử dụng kinh phí NSNN để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN”. Thực hiện Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 25/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015”, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN”. Ngày 17/02/2012, Đề án này đã được Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình 315/TTr-BKHCN. Đổi mới quy định hiện hành về dự toán và sử dụng kinh phí NSNN để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN là nhóm giải pháp để thực hiện đổi mới được nêu trong Đề án với những định hướng đổi mới sau:

Về mức đầu tư: Duy trì mức chi tối thiểu 2% tổng chi NSNN hàng năm cho hoạt động KH&CN, phấn đấu đạt 2,2% từ năm 2015; Huy động các nguồn vốn ngoài NSNN (sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp được trích tối thiểu 10% lợi nhuận chịu thuế để thành lập Quỹ KH&CN của doanh nghiệp hoặc đưa vào Quỹ Phát triển KH&CN của địa phương).

Xây dựng cơ chế để khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải phân tán nguồn NSNN đầu tư cho KH&CN, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả đầu tư: Xây dựng quy định về nguyên tắc, tiêu chí và quy trình phân bổ kinh phí ngân sách đầu tư cho KH&CN (đặc biệt lưu ý vai trò, quyền hạn của 3 Bộ quản lý tổng hợp liên quan trong xây dựng dự toán, quyết định phương án phân bổ); Xây dựng cơ chế có thể điều tiết ngân sách KH&CN đã phân bổ phù hợp với nhu cầu, năng lực và tình hình thực tế sử dụng ngân sách; Đổi mới quy trình, thủ tục lập kế hoạch ngân sách KH&CN hàng năm (thời điểm phê duyệt nhiệm vụ KH&CN linh hoạt); Xây dựng lộ trình tăng dần tỷ trọng vốn ngân sách sự nghiệp khoa học thông qua các quỹ như Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia.

Đổi mới quy định về dự toán và sử dụng ngân sách KH&CN theo hướng: Xây dựng định mức và quy định bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên của các tổ chức KH&CN công lập trong dự toán các nhiệm vụ KH&CN và nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; Hoàn thiện cơ chế khoán kinh phí (khoán theo sản phẩm cuối cùng); Đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán; Điều chỉnh và bổ sung các nội dung chi cũng như định mức kinh phí theo từng nội dung chi của nhiệm vụ KH&CN (mua sắm trang thiết bị, mua quyền sở hữu trí tuệ, mua thiết kế, bí quyết công nghệ, phần mềm, thuê chuyên gia, truyền thông, kinh phí dự phòng...); Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn và một số văn bản pháp quy liên quan đến công tác tài chính KH&CN.

Hoàn thiện cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN

Thứ nhất, nâng cấp cơ sở pháp lý về cơ chế tài chính cho KH&CN. Tiếp tục hoàn thiện Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN”, Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN”, đổi mới triệt để các quy định hiện hành về dự toán và sử dụng kinh phí NSNN thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Triệt để thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm bằng giao theo nhiệm vụ. Loại bỏ tư tưởng duy trì cơ chế hành chính kiểu “xin - cho” trong các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập.

Thứ hai, cấp bảo lãnh cho các khoản vay phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D). Ở Việt Nam, đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập thường vay vốn để nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, việc vay vốn từ các tổ chức tài chính là không dễ dàng vì các khoản vay này luôn bị các tổ chức tài chính coi là có tính rủi ro cao, do các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập dễ tổn thương trước các biến động từ thị trường và nền kinh tế. Vì vậy, để hỗ trợ đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập vay vốn đầu tư cải tiến công nghệ, các quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cần đưa vào vận hành cơ chế cấp bảo lãnh cho các khoản vay phục vụ R&D. Cơ chế này cần có một quy trình xét duyệt bảo lãnh đòi hỏi linh hoạt, nhưng không được thiếu tính chính xác, chặt chẽ và được kiểm toán đầy đủ. Nếu không thì việc duyệt bảo lãnh biến thành cơ chế xin cho tùy hứng, tạo cơ hội cho tham nhũng phát sinh.

Ngược lại, nếu cơ quan duyệt bảo lãnh vì sợ trách nhiệm mà làm việc quá chặt tay, thì các dự án đầu tư R&D – dù có triển vọng tốt nhưng trong bản chất tự thân đã có tính mạo hiểm, sẽ không được bảo lãnh, và không huy động được nguồn vốn cần thiết. Hiện nay, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia là phù hợp nhất. Khoản bảo lãnh này có nhiều hình thức, nhưng mục tiêu chung là đảm bảo các tổ chức cho vay thu hồi khoản nợ trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán. Nhờ vậy, khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay đối với các đơn vị sự nghiệp có dự án triển vọng tốt song không có đủ tài sản thế chấp, hoặc không có hồ sơ tín dụng đầy đặn phù hợp để chứng minh uy tín trả nợ.

Thứ ba, hỗ trợ kinh phí rút ngắn khoảng cách tụt hậu về KH&CN. Trong xu thế phát triển KH&CN hiện nay, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để các tổ chức KH&CN có thể tiến hành khắc phục khoảng cách tụt hậu về KH&CN qua ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Rút ngắn khoảng cách tụt hậu về sử dụng kết quả KH&CN; Giai đoạn 2: Rút ngắn khoảng cách tụt hậu về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ; Giai đoạn 3: Rút ngắn khoảng cách tụt hậu về nghiên cứu cơ bản.

Để rút ngắn khoảng cách về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, trước hết phải phát triển năng lực nghiên cứu ứng dụng của quốc gia, tăng cường tham gia mạng lưới nghiên cứu ứng dụng quốc tế. Cần hình thành một đội ngũ nhân lực KH&CN đủ mạnh và tương ứng là hệ thống tổ chức R&D, hệ thống thông tin phục vụ nghiên cứu, nguồn vốn đầu tư nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ mới, chiến lược phát triển quốc gia về R&D. Rõ ràng, rút ngắn khoảng cách ở đây khó hơn và khác hẳn việc rút ngắn tụt hậu về ứng dụng kết quả KH&CN. Để khắc phục tình trạng kết quả nghiên cứu bị giữ kín như là bí quyết cạnh tranh, viện nghiên cứu ở nước ta phải có những nghiên cứu khoa học đủ sức “giải mã” phần công nghệ ẩn giấu trong hàng hoá được tự do lưu thông trên thị trường.

Như vậy, có ba điểm mấu chốt trong cơ chế tài chính khi tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập từ nguồn ngân sách cần quan tâm đó là: Có sự độc lập tự chủ cao hơn về tài chính; Các quy trình thủ tục thể hiện một sự linh hoạt và lắng nghe cao hơn đối với các tác giả đề cương nghiên cứu, từ việc cân nhắc lựa chọn thành viên hội đồng thẩm định tới việc đàm phán tài chính cho nhiệm vụ; Nhà nước rất quan tâm tới tác động lan tỏa của đề tài nghiên cứu, không chỉ trong phạm vi chuyên ngành mà liên ngành và không chỉ trong cộng đồng khoa học mà cả cộng đồng xã hội, kể cả với các dự án nghiên cứu cơ bản.

Đối với Việt Nam, khi xem xét cơ chế tài chính cho các nhiệm vụ KH&CN, cần chú ý đến kết quả đầu ra và quan tâm tới tác động lan tỏa của đề tài nghiên cứu, kể cả với các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản. Cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN cần phải theo phương châm “thà ít mà tốt”. Chỉ có như vậy thì chính sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu KH&CN mới thực sự hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1. Các văn bản pháp quy và hướng dẫn hiện hành về tài chính cho KH&CN và một số hướng dẫn khác có liên quan;

2. Trang website http://www.nafosted.gov.vn.

Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ: Những vấn đề đặt ra

TS. BÙI TIẾN DŨNG - Bộ Khoa học và Công nghệ

(Tài chính) Nguồn ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung còn khiêm tốn so với các lĩnh vực khác, mặc dù gần đây nhiều quy định đang được đổi mới song vẫn chưa hiển thị rõ nét. Bài viết đề cập một số đổi mới cơ chế tài chính hiện hành của các đơn vị sự nghiệp (KH&CN) công lập và đề xuất một số gợi ý nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế tài chính hiện nay.

Xem thêm

Video nổi bật