Đổi mới để chống thất thu, giảm nợ thuế

Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế được Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2012 và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2014. Theo bà Nguyễn Vân Chi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế), mục đích sửa đổi lần này là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; tăng cường tính hiệu quả của việc quản lý thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế; tăng cường vai trò giám sát của Nhà nước, cộng đồng xã hội trong việc quản lý thuế; tạo sự thống nhất giữa cơ quan thuế và tổ chức có liên quan.

Đổi mới để chống thất thu, giảm nợ thuế

Quyết liệt chống chuyển giá

Bà Vân Chi cho biết: Thời gian qua, ngành thuế đã quyết liệt kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá nhưng hiệu quả chưa cao vì thiếu thông tin để chứng minh vấn đề gian lận mua - bán, khó xác minh bên mua - bên bán thực tế tại nước ngoài.

Đồng tình với quan điểm này, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế nhìn nhận: “Với chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là thành phần kinh tế có đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhưng, có tình trạng doanh nghiệp FDI lỗ giả, lãi thật do lợi dụng hình thức chuyển giá, tức mua bán nội bộ trong tập đoàn đa quốc gia không theo nguyên tắc thị trường”.

Vì vậy, để tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp FDI nhằm chống thất thu thuế và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp nội địa, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị bổ sung cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) với Quốc hội nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp FDI chuyển giá. APA cũng là nội dung chính được điều chỉnh tại các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế.

Theo cơ chế APA, doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam sẽ phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá, hoặc mức giá khi tiến hành mua, bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế với các cơ quan thuế ở Việt Nam. Cơ quan thuế sẽ tự mình, hoặc phối hợp với các cơ quan thuế nước ngoài có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam để giám sát danh mục giá các mặt hàng mà doanh nghiệp đăng ký.

Theo bà Vân Chi, việc bổ sung cơ chế APA sẽ tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác thu thuế. 

Liên quan tới tính xác thực của công tác kê khai giá của doanh nghiệp FDI trong bối cảnh tỷ giá biến động lớn, ông Tuấn nói: “Khi doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư ở Việt Nam, họ đã xây dựng chiến lược kinh doanh trong dài hạn, nên họ sẽ phải dự tính được vấn đề tỷ giá”.

Theo Tổng cục Thuế, cơ chế APA đã được áp dụng ở các nước thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia và Xinhgapo. Theo cơ chế này, cơ quan thuế và các công ty đa quốc gia đã cùng cam kết về giá cả theo nguyên tắc thị trường

Hoàn thuế nhanh, thu hẹp thời gian ân hạn nộp 

Về nhóm nội dung cải cách thủ tục hành chính, giúp người nộp thuế giảm chi phí hành chính, bà Chi cho biết: Nội dung được sửa đổi lần này sẽ giảm tần suất kê khai thuế từ 12 lần/năm xuống 4 lần/năm đối với người nộp thuế có quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh sẽ được kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) 3 tháng/lần, còn các doanh nghiệp lớn vẫn thực hiện kê khai 1 tháng/lần.

Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đại diện Vụ Chính sách Thuế cho rằng: Việc thu hẹp phạm vi áp dụng thời gian ân hạn nộp thuế đối với hàng hóa này cũng sẽ có điểm mới là vẫn cho thông quan hàng hóa nếu chưa nộp thuế hay nộp chậm nhưng phải có sự bảo lãnh. Theo Tổng cục Thuế, trong các quy định về thời hạn nộp thuế xuất nhập khẩu của Luật hiện hành, có những điều khoản quy định thời gian ân hạn nộp thuế. Điều này đã giúp doanh nghiệp chủ động và linh hoạt sử dụng các luồng tiền để nộp thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp và việc doanh nghiệp có thể không thường xuyên thực hiện giao dịch xuất nhập khẩu, nên có tình trạng lợi dụng chính sách để chây ỳ nợ thuế, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể.

Theo các chuyên gia trong ngành thuế: Đa số các nước như: Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Campuchia, Lào... không cho nợ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, phải nộp thuế trước khi nhận hàng. Một số nước cho chậm nộp thuế nhưng phải có bảo lãnh, hoặc cho nộp chậm với điều kiện có tài khoản do cơ quan Hải quan quản lý để đảm bảo việc nộp thuế. Vì vậy, Dự thảo Luật sửa đổi lần này sẽ theo hướng chỉ cho phép ân hạn nộp thuế khi người nộp thuế có bảo lãnh; trong thời gian được bảo lãnh. Theo đó, dù chưa nộp thuế nhưng doanh nghiệp vẫn được thông quan, giải phóng hàng hóa và phải trả lãi chậm nộp 0,05%/ngày trong thời gian bảo lãnh.