Nhiều chuyển biến tích cực

Sau hơn 20 năm đổi mới, sắp xếp lại hệ thống DNNN, số DN 100% vốn nhà nước đã giảm từ trên 12.000 DN xuống còn 5.655 DN vào năm 2000 và hiện tại giảm xuống còn 1.309 DNNN. Mặc dù vậy, số DNNN không cần nắm giữ vẫn còn rất nhiều, trong khi hiệu quả hoạt động không cao. Tại Đề án Tái cấu trúc DNNN được Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ, trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam phải tiến hành cổ phần hóa 367 DN. Trong 9 tháng đầu năm 2013, cả nước cổ phần hóa được khoảng 10 DN.

Theo Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, từ năm 2000 đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động 4.346 DN. Số DNNN còn lại là 1.309 đơn vị, đa phần có quy mô vừa và lớn. Quá trình sắp xếp đã đạt những mục tiêu cơ bản, huy động được nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), hầu hết các DN sau sắp xếp đã có tốc độ tăng trưởng tốt, kinh doanh hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Số DNNN còn lại đã được chuyển sang chế độ công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn, công tác quản trị, hiệu quả hoạt động đã được cải thiện hơn. Tính đến hết năm 2012, vốn chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty (TCT) đạt 735 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2010, tổng tài sản ước đạt 2.138 nghìn tỷ đồng, phần lớn số DN hoạt động có lãi (23/27 TĐKT, TCT, số lỗ và hòa vốn giảm đáng kể).

Để tạo điều kiện cho các DNNN tái cơ cấu, Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản quy phạm pháp luật và tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với DNNN. Trong đó, Nghị định số 61/2013/ NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về quy chế giám sát tài chính, đánh giá kết quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DNNN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước;

Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần...

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của DN, như: Nghị định về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Quyết định về quy chế đánh giá việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; Nghị định về sửa đổi, bổ sung quy định về bán, giao DNNN. Ngoài ra, việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN cũng đã được quy định rõ ràng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc đổi mới tổ chức quản lý và giám sát tại DNNN.

Có thể khẳng định, những động thái thực hiện đổi mới DNNN đã phản ánh được sự quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành cũng như sự chủ động của DN đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, cho dù môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn. Cụ thể như:

Một là, về mặt chiến lược phát triển, đang xuất hiện xu hướng tối ưu hóa ngành nghề kinh doanh ở cả các TĐKT/DN tư nhân lẫn các TĐKT/DNNN. Phát triển theo hướng mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã bắt đầu khởi sắc với việc ngày càng nhiều DN tham gia đầu tư ra nước ngoài.

Hai là, về chiến lược cạnh tranh, để đối phó với sự suy giảm kinh tế, các DN đã đẩy mạnh thực hiện cắt giảm chi phí và bán sản phẩm với giá thấp và đa dạng hóa sản phẩm nhằm khai thác tối đa các phân khúc thị trường.

Ba là, về xây dựng thương hiệu, trong giai đoạn 2011- 2013 chứng kiến một số chuyển biến tích cực của một số tập đoàn lớn trong phát triển thương hiệu. Những chuyển biến này đã giúp các DN có được sự tăng trưởng ổn định trong điều kiện kinh doanh không thuận lợi.

Bốn là, về nâng cao năng lực nguồn nhân lực, nhiều DN đã và đang điều chỉnh lại cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động chất lượng cao và chuyên gia kỹ thuật. Một xu hướng tích cực khác là các DN đang tăng cường khả năng đào tạo và cơ cấu lại nguồn nhân lực thông qua mở rộng các hoạt động đào tạo.

Năm là, về năng lực tự chủ tài chính, số liệu thu thập được từ báo cáo tài chính của các tập đoàn/DN lớn được niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy xu hướng nâng cao khả năng tự chủ tài chính ở các DN từ năm 2011 đến năm 2013.

Các vấn đề đặt ra

So với tiềm lực thì những kết quả trên vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như kỳ vọng của xã hội. Bên cạnh những đơn vị kinh doanh có hiệu quả thì một số DNNN vẫn thua lỗ triền miên. Lỗ phát sinh năm 2012 là khoảng 2.253 tỷ đồng. Năm 2013, các DNNN dự kiến tăng vốn đầu tư lên 506.995 tỷ đồng tương đương hơn 32% nhưng doanh thu, lợi nhuận đặt ra lại thấp hơn 2012. Công tác quản lý, giám sát các DNNN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Số DNNN vẫn đang hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DN diễn ra rất chậm, việc giải thể, phá sản rất khó khăn do vướng về cơ chế chính sách, thủ tục.

Với tư cách là chủ sở hữu, Nhà nước chưa sử dụng hiệu quả nguồn lực của mình tại các DN. Tuy vậy, con đường để thực hiện mục tiêu này là không hề dễ dàng. Vấn đề quan trọng nhất nằm ở nguồn nhân lực quản lý cấp cao, những người thực hiện trực tiếp quyền chủ sở hữu của Nhà nước tại các DN.

Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan nhưng thực tế công tác quản lý, giám sát các DNNN vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Các DNNN đã chuyển đổi sang mô hình TĐKT vẫn chưa có nhiều sự khác biệt so với thời điểm còn là TCT nhà nước; tình trạng một số TĐKT nhà nước sau khi ra đời đã hình thành nhiều công ty con, cháu, chắt, dẫn đến phát sinh nhiều tầng lớp quản lý, đầu tư chồng chéo, khó kiểm soát. Việc đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính tràn lan đến khi yêu cầu thoái vốn lại gặp nhiều khó khăn; việc quản lý nội bộ có nhiều bất cập, yếu kém, chưa theo kịp chuẩn mực quốc tế, hoạt động kiểm soát, quản trị rủi ro còn rất hạn chế.

Đặc biệt, hiệu quả của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực về vốn, đất đai, trong khi năng lực cạnh tranh kém, chưa làm tốt vai trò nòng cốt, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác. Nhiều DN chưa tách bạch được nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích, vì thế dẫn tới sự nhập nhằng, buông lỏng quản lý, làm cho không ít DN, TĐKT đã để xảy ra thất thoát và tham nhũng nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế như Vinashin, Vinaline.

Hiện nay, DNNN đã chuyển sang hoạt động theo Luật DN nhưng hệ thống quy định của pháp luật, cơ chế chính sách còn chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời, chế tài và công cụ kiểm tra, kiểm soát đối với DN và người quản lý DN chưa tương xứng với sự gia tăng về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN và người quản lý DN. Quá trình đổi mới vẫn mang tính thụ động, nhiều DN tiến hành đổi mới khi các DN đã lún sâu vào các khó khăn dẫn đến tình trạng thua lỗ kéo dài…

Trước những tồn tại trên, vấn đề đặt ra là cần có lực đẩy mạnh hơn nữa để đẩy nhanh tiến trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa những DNNN; đồng thời, quyết tâm giải thể những DN làm ăn kém hiệu quả để giảm gánh nặng bao cấp từ Nhà nước.

Giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh đổi mới DNNN, Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo các đơn vị quản lý gấp rút rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN. Theo đó, thời gian tới sẽ nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SXKD theo hướng, xác định rõ phạm vi, đối tượng, mục tiêu, hình thức và thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào DN. Đặc biệt, sẽ quy định rõ vốn nhà nước đầu tư vào DN là số vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào công ty mẹ, các TĐKT, TCT hoặc các DNNN độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, tránh tình trạng dùng nguồn vốn nhà nước đem đi đầu tư vào các công ty con, cháu, chắt, đầu tư ngoài ngành tràn lan; sẽ có quy định rõ việc đầu tư chéo giữa các DN cùng tổ hợp, không cho phép công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ cùng tập đoàn.

Đi liền với các biện pháp trên, Nhà nước sẽ ban hành quy định xác định rõ tổ chức, hình thức, tiêu chí và chế tài cụ thể để thực hiện việc quản lý, giám sát vốn nhà nước đầu tư vào DN và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN; hướng dẫn quản lý vốn, tài sản nhà nước tại DN do Nhà nước làm chủ sở hữu, trong đó sẽ làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể tham gia thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu và quyền nghĩa vụ của các chủ thể điều hành SXKD tại DN. Mặt khác, sẽ có hướng dẫn cụ thể việc phân phối lợi nhuận sau thuế của DN 100% vốn nhà nước và cổ tức, lợi nhuận được chia thuộc phần vốn nhà nước góp trong các DN khác để bổ sung vào quỹ sắp xếp DN hoặc bổ sung ngay vào NSNN hàng năm của các bộ, ngành và địa phương.

Ngoài ra, cần tiến hành khảo sát, đánh giá lại thực trạng, nhu cầu vốn đầu tư, vốn điều lệ, nguồn bổ sung vốn của các TĐKT, từ đó rà soát và có giải pháp xử lý triệt để các khoản nợ tồn đọng không có khả năng thu hồi và nguồn để bù đắp; xây dựng phương án cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động SXKD chính. Đảm bảo việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản nhà nước cho các tổ chức, cá nhân ngoài tập đoàn, TCT và không bán, chuyển giao lại phần vốn đó cho các đơn vị trong nội bộ.

Riêng đối với hoạt động của DNNN, Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ cho các DN, TĐKT về tài chính, khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin giúp DN xây dựng hệ thống thông tin đồng nhất, phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu, xã hội, đảm bảo công khai, minh bạch. Đồng thời, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ lãnh đạo DN, nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị, phát triển của DN và thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong các DN, TĐKT, TCT nhà nước trong giai đoạn tới.

Ngoài các giải pháp trên, Nhà nước nên tính toán cơ cấu lại đầu tư nhà nước gắn với sắp xếp lại bộ phận DNNN vẫn giữ nguyên hình thức sở hữu nhà nước. Theo dự kiến của Ban Đổi mới DN, đến năm 2015, trong số 692 DN 100% vốn nhà nước sẽ được tổ chức thành 44 tập đoàn, TCT với 150 công ty con; trong số đó có 10 tập đoàn, 05 TCT 91, 26 TCT thuộc bộ, 03 TCT thuộc địa phương, 111 DN độc lập thuộc bộ và 387 DN độc lập thuộc địa phương.

Đến thời điểm đó, 48 tỉnh thành phố trong cả nước chỉ còn DNNN hoạt động công ích như: xổ số kiến thiết, môi trường đô thị. Có thể coi đây là tái cơ cấu DNNN theo nghĩa hẹp, mà trọng tâm là các TĐKT và TCT nhà nước. Để thực hiện được theo đúng dự kiến trên, trước tiên, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng các TĐKT, TCT nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, thành lập ngân hàng riêng, bỏ quên lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, tiến hành rà soát và thoái vốn tại các lĩnh vực kinh doanh trái ngành.

Đối với đầu tư nhà nước, cần xây dựng bộ tiêu chí phù hợp và được chuẩn hóa để tạo căn cứ lựa chọn và thông qua các dự án đầu tư công theo lĩnh vực và yêu cầu đầu tư, đáp ứng mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, cũng như các lợi ích quốc gia và của địa phương, ngành, cụ thể và dài hạn. Về lâu dài, nên tách bạch chức năng kinh doanh với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công và chức năng xã hội theo hướng chuyển sang đấu thầu cung cấp các gói dịch vụ công và nhiệm vụ xã hội cho tất cả các loại hình DN tham gia, không riêng cho DNNN.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới DNNN (Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN);

2. Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN (ngày 07/06/2013);

3. Tài liệu Hội thảo: Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 2011- 2015 và những điều chỉnh chiến lược (Ban Kinh tế Trung ương);

4. Đổi mới DN ở Việt Nam - TS. Nguyễn Minh Ngọc (Đại học Kinh tế Quốc dân).

Đổi mới doanh nghiệp nhà nước: Những vấn đề đặt ra

TS. ĐINH VĂN HẢI - Học viện Tài chính

(Tài chính) Tiến trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh trong hơn 20 năm qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Từ trên 12.000 doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước, qua quá trình sắp xếp, hiện đã giảm xuống còn khoảng trên 1.300 DN. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, số DNNN không cần nắm giữ vốn vẫn còn nhiều, trong khi hiệu quả hoạt động không cao. Chính vì vậy, vấn đề đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN này vẫn là yêu cầu cấp bách.

Xem thêm

Video nổi bật