Đổi mới tư duy, đẩy mạnh tái cấu trúc

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Năm 2013 sắp đi qua. Tại thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam được nhìn nhận là đang đi lên từ đáy. Để tăng trưởng năm 2014 có thể đạt mục tiêu là 5,8% và năm 2015 là khoảng 6-6,2%, đòi hỏi sự nỗ lực cải cách rất lớn.

Đổi mới tư duy, đẩy mạnh tái cấu trúc
Nền kinh tế Việt Nam đang được nhìn nhận là đang đi lên từ đáy. Nguồn: internet
Định hướng kinh doanh trong điều kiện mới

Theo ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV, kinh tế thế giới năm 2014 dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn. Với các giả định về nhân tố nội tại như tổng mức đầu tư toàn xã hội không đổi (vẫn ở mức khoảng 30% GDP), xuất khẩu tăng trưởng khoảng 15% nhưng sức cầu tăng mạnh hơn theo đà phục hồi... Từ đó có thể dự báo GDP năm 2014 có thể tăng trưởng cao hơn 2013, trong đó tín dụng có thể tăng trưởng 13-15%”. 

"Tuy nhiên theo tôi, để có sự phát triển bền vững, ngoài những yếu tố điều hành thì sâu xa hơn, quy trình đào tạo nhân lực cho nền kinh tế rất quan trọng. Khi hội nhập chúng ta cần phải biết tiết kiệm nhân lực và nâng cao năng suất lao động”, ông Lực lưu ý. Thực tế cho thấy, suốt một thời gian dài, nhân lực bị lãng phí một  phần là do thủ tục hành chính, nhưng cái chính là do tư duy chưa thay đổi, chưa theo kịp thực tế.

 Điều đó sẽ khó khăn hơn khi nền kinh tế hội nhập sâu, trong đó vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với những nền kinh tế tiên tiến, như Nhật Bản, Mỹ. Ngân hàng Thế giới từng đưa ra khuyến cáo, tuy tỷ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với nhiều nước, song một lực lượng lao động có kỹ năng cao mới sẽ là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế.

Còn TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để tăng tốc phát triển thì tổ chức sản xuất bây giờ không thể đơn lẻ được mà phải thành chuỗi. Phải có tầm nhìn chung để nâng giá trị, từ đó mới cùng nhau chia sẻ lợi ích. Từng ngành không thể giữ kế hoạch phát triển ngắn hạn, không thể cắt khúc chẻ nhỏ các vấn đề để tìm cái lợi trước mắt mà quên đi chiến lược phát triển trung và dài hạn.

Đơn giản như các ngành hàng dệt may, lúa gạo, cao su … trong giai đoạn hội nhập này cần phải phát huy hơn hết vai trò liên kết. Nếu như ngành hàng nào cũng làm ăn theo lối riêng, còn doanh nghiệp thì làm ăn theo kiểu mạnh ai nấy chạy thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ tự hại lẫn nhau. Nếu không đặt trong tổng thể mục tiêu chiến lược phát triển chung thì không thể phát triển bền vững được.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần định lại định hướng kinh doanh của mình trong điều kiện mới, trong đó có việc tìm kiếm và xác lập thị trường ổn định và chọn lựa được sản phẩm mũi nhọn để đầu tư hiệu quả và dứt điểm; có sức cạnh tranh,  kết nối cùng nhau, cùng đưa chuỗi của mình lên thì mới gia tăng được giá trị sản xuất. "Theo tôi, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý cần ngồi lại với nhau để hoạch định đường lối chung, tìm tiếng nói chung”, ông Cung nói. 

Chính sách tiền tệ: Thận trọng và linh hoạt

Về lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nêu ý kiến, trong bối cảnh nền kinh tế dự báo vẫn còn bị nhiều tác động từ bên ngoài, nội tại đang phải thực hiện những công việc mang tính quyết định như tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... thì ngành ngân hàng trong chính sách điều hành tiền tệ sẽ cố gắng để đảm bảo mục tiêu trong việc phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp luôn cao và trái chiều nhau.Người dân mong muốn gửi tiền vào ngân hàng phải có lãi suất cao, trong khi đó doanh nghiệp muốn đi vay ngân hàng lại muốn lãi suất thấp. Vì thế, năm 2014 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đặt mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ vẫn phải vừa thận trọng vừa linh hoạt, kiểm soát lạm phát, góp phẩn ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; nỗ lực đưa tổng phương tiện thanh toán tăng từ 16-18%, tín dụng tăng trưởng từ 12-14%.

Lãi suất sẽ điều hành ở mức hợp lý và bám sát diễn biến lạm phát, đảm bảo lãi suất thực dương, còn các mức lãi suất cho vay cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Nhìn chung, ý kiến giới chuyên gia lẫn nhà quản lý đều cho rằng, năm 2013 đi qua với nhiều thách thức nặng nề đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm, rất có ích trong phát triển kinh tế năm 2014. Đó là việc vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa phải uyển chuyển trong từng thời kỳ, trước từng tình huống; đồng thời phải đẩy mạnh tái cấu trúc- coi đó như nhiệm vụ cấp bách và cũng sẽ là nền tảng để phát triển bền vững trong tương lai.