Dồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân

Theo Thông tin Tài chính

Được thừa nhận là khu vực kinh tế năng động nhất trong nền kinh tế, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã có nhiều đóng góp to lớn, tạo ra việc làm, ổn định xã hội, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, do chưa phát huy hết tiềm lực và dư địa phát triển, nên đóng góp của DNTN cho nền kinh tế chưa xứng với tiềm năng vốn có. Vì vậy, cần dồn lực để hỗ trợ DNTN phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần tạo động lực tăng trưởng bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Doanh nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng chính

Ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, DNTN đang ngày càng khẳng định vị thế, vai trò đối với nền kinh tế. Có kỳ vọng rằng, chính khối DNTN sẽ đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh “Vượt lên dẫn đầu”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 500 nghìn DNTN, dự báo năm 2015, khu vực này sẽ đóng góp vào khoảng 30% ngân sách nhà nước và 40% GDP. Chính phủ đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và cam kết kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhằm tạo môi trường thuận lơi, bình đẳng, cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2015 được đánh giá là năm kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn. Các khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đang trở lại và đặt nhiều kỳ vọng vào môi trường kinh doanh trong thời gian tới khi tỷ lệ các doanh nghiệp dự định mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Theo số liệu thống kê của Vietnam Report, các năm gần đây, trung bình có thêm 80 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp nhà nước đang bị thu hẹp từ 10 nghìn xuống 1 nghìn doanh nghiệp như hiện nay và sẽ tiếp tục giảm, còn số DNTN trong nước tăng trưởng nhanh và đều (năm 2013: 64%, năm 2014: 66%, năm 2015: 68%).

Vẫn còn khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được nhờ tận dụng những thế mạnh như: Vốn đầu tư ban đầu ít, thu hồi vốn nhanh và hiệu quả; bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất gọn nhẹ; có khả năng thâm nhập vào những thị trường ngách và lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có lợi nhuận không cao; khả năng ứng biến linh hoạt…. DNTN nước ta cũng có những khó khăn, hạn chế như: Quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, tính chất phi chính thức cao, khả năng quản trị kém, công nghệ thấp… sức cạnh tranh không cao nên khó tiếp cận nguồn vốn và thị trường…, khiến cho DNTN rất nhạy cảm trước những thay đổi của môi trường kinh tế - xã hội.

TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, trong số các DNTN đang hoạt động, chỉ có chưa đến 2% là doanh nghiệp lớn; 2% là doanh nghiệp vừa; còn lại 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp gần 49% GDP, trong khi khu vực kinh doanh cá thể lại tạo ra 33% GDP.

Ở góc độ khác, theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động trong 7 đầu tháng năm 2015 đã lên đến hơn 32.000 doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó 22.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ đóng mã số hoặc không đăng ký. Trong tổng số các doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động này phần lớn là doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khu vực DNTN kinh doanh kém hiệu quả, song, chủ yếu là do yếu kém nội tại của doanh nghiệp và những hạn chế từ chính sách.

Trước thực trạng đó, đã có nhiều chính sách, giải pháp về vốn, công nghệ, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực… đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp vực dậy, trụ vững và tiếp tục vươn lên. Song, đối với không ít DNTN, nhiều chính sách hỗ trợ chưa đến được doanh nghiệp

Dồn lực cho doanh nghiệp tư nhân

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã khẳng định, Chính phủ cam kết mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, đất đai, cấp phép đầu tư… để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp hoạt động. Việc tham gia các FTA song phương, đa phương sẽ tạo cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng cũng sẽ là thách thức. Nếu doanh nghiệp vượt qua được khó khăn thì sẽ trở thành những doanh nghiệp dẫn đầu.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP Việt Nam cho rằng, việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) là xu thế tất yếu nhưng trong bối cảnh “lực yếu” thì các doanh nghiệp sẽ bị hạn chế khả năng cạnh tranh khi hội nhập. Những doanh nghiệp còn trụ được có nguy cơ bị thâu tóm, vì vậy rất cần có những ngân hàng lớn để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhiều hơn.

Ngoài ra, theo ông Vũ Tiến Lộc, để DNTN phát triển mạnh mẽ, điều cốt yếu là cần tăng cường công khai minh bạch các chính sách, pháp luật, rà soát và sửa đổi các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các DNTN. Xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng quan trọng, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế cũng như sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Để DNTN trong nước có thể đảm nhận được vai trò này, Chính phủ cần có chương trình hành động tổng thể về thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Ở góc độ các hiệp hội ngành nghề, Chủ tịch Hiệp hội ư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, để tìm ra giải pháp có hiệu quả, bên cạnh sự chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong những đóng góp thiết thực vào việc hình thành các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh. Từ hoạt động thực tiễn của mình, DNTN cần chủ động phát hiện và kiến nghị với cơ quan hữu quan những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các văn bản pháp luật, không nên dừng lại ở việc phàn nàn mà cần tích cực phản biện, hiến kế cho các cơ quan nhà nước trong xây dựng thể chế, chính sách. Từ đó, các cơ quan này xem xét sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, giúp cộng đồng DNTN phát triển vững mạnh. Để đạt được điều này, cần nâng cao vai trò cầu nối của các hiệp hội, còn Nhà nước cũng hỗ trợ cho các hiệp hội, tạo tiền đề thúc đẩy tốt hơn cho cộng đồng DNTN.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, việc cần phải làm ngay là tạo ra “sân chơi” bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp, nhất là trong việc xử lý nguồn vốn và tạo việc làm, giúp phân bổ nguồn lực một cách công bằng. Để DNTN có thể tham gia vào khu vực FDI, cần có sự liên kết và chính sách đúng, doanh nghiệp nhà nước cũng cần tạo thành mô hình chuỗi và điều kiện cho DNTN cùng tham gia. Sự hỗ trợ đầu tiên là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, xóa bỏ những phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế; tạo cơ hội cho DNTN tiếp cận đầu tư vào các lĩnh vực mà khu vực kinh tế nhà nước không nắm giữ, đồng thời phải có hỗ trợ “đầu tư mồi” của Nhà nước, nhất là đầu tư hạ tầng dùng chung ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch theo hướng chuyên môn hóa sâu. Có như vậy, DNTN mới phát triển đúng với khả năng, sức mạnh và tầm vóc của mình.