Đồng bộ giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa hành vi gian lận thuế

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 4/2017

Đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua, nhiều thủ tục hành chính thuế đã được tinh giản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, không ít doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật thuế, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Nhìn lại nỗ lực của ngành Thuế trong việc đối phó, ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phòng ngừa hành vi gian lận thuế thời gian tới, đồng thời góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế

Thực hiện các biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), năm 2016, ngành Thuế đã đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Toàn Ngành tập trung thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, lĩnh vực có dư địa thu lớn, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu rủi ro cao về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT); DN có giao dịch liên kết…

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết năm 2016, toàn ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra được 84.472 DN. Số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 17.163 tỷ đồng; số tiền thuế nộp vào NSNN gần 12 nghìn tỷ đồng.

Riêng đối với DN có giao dịch liên kết, các cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 329 DN; truy thu, truy hoàn và phạt 607,52 tỷ đồng; giảm lỗ hơn 5.162 tỷ đồng; giảm khấu trừ 2,04 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.121 tỷ đồng.

Trong đó, việc thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 211,18 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 3.922 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 1.966 tỷ đồng. Trong năm 2016, cơ quan Thuế đã chuyển sang cơ quan Công an hồ sơ của 2.776 vụ việc và cơ quan Công an đã xử lý hình sự 23 vụ, kiến nghị thu thu hồi 1.159 tỷ đồng, bắt giữ, tạm giữ 20 đối tượng có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế…

Thời gian qua, nhiều cục thuế trong cả nước đã thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thanh Hoá, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Khánh Hoà, An Giang, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Phú Yên...

Trong đó, năm 2016, riêng Cục Thuế TP. Hà Nội đã tiến hành thanh tra 1.197 cuộc, đạt 101,5% kế hoạch giao, số thuế truy thu, truy hoàn, phạt đạt 1.171 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2015 (bình quân đạt 978 triệu đồng/cuộc); giảm thuế GTGT được khấu trừ 148,7 tỷ đồng; giảm lỗ 5.056 tỷ đồng…

Năm 2016, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra tại cơ quan thuế gần 150.800 hồ sơ kê khai thuế, số thuế kê khai bổ sung là 71 tỷ đồng, đồng thời thanh tra, kiểm tra tại hơn 20.200 DN với số thuế truy thu và phạt là 2.800 tỷ đồng.

Nỗ lực ngăn chặn các hành vi gian lận thuế

Nhìn lại công tác thuế trong thời gian qua, có thể thấy, các hành vi gian lận thuế ngày càng gia tăng và phức tạp. Các hành vi như: Thành lập DN để bán hoá đơn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, kê khai, khấu trừ thuế GTGT, hạch toán chi phí… diễn ra khá nghiêm trọng với mức độ ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, gây thất thoát tiền NSNN, tạo sự bất bình đẳng và bức xúc trong cộng đồng DN.

Không ít DN lợi dụng sự thông thoáng, kẽ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp với nhiều chiêu thức mới để qua mặt cơ quan thuế. Nhiều DN “ma” thường sử dụng thủ đoạn thuê các đối tượng kém hiểu biết, thậm chỉ cả người đang mắc bệnh hiểm nghèo làm đại diện pháp luật, thực hiện mua bán hóa đơn lòng vòng để bán cho các DN khác làm chứng từ hợp thức hóa đầu vào nhằm khấu trừ thuế, hoặc xin hoàn thuế.

DN “ma” còn dùng chiêu bài tạm ngừng nghỉ kinh doanh, thay đổi địa điểm kinh doanh, đổi tên DN, chuyển địa bàn hoạt động sang địa phương khác, thậm chí bỏ địa chỉ kinh doanh không đóng mã số thuế… Bên cạnh đó, không ít DN có vốn đầu tư nước ngoài có hành vi gian lận thuế thông qua việc chuyển giá, liên tục khai lỗ để không phải đóng thuế và đã bị cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện truy thu, truy hoàn cho NSNN với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Trước những diễn biến phức tạp của hành vi gian lận thuế, ngành Thuế đã thực hiện đổi mới phương thức, cách thức thanh kiểm tra theo rủi ro, tập trung chuyên sâu hơn vào các ngành nghề lĩnh vực có rủi ro về thuế cao, thanh tra theo chuyên đề liên quan đến nhóm ngành nghề: giá chuyển nhượng và các DN có quan hệ liên kết, bất động sản, đầu tư tài chính, cổ phần, cổ phiếu, các DN kinh doanh vận tải taxi, dược phẩm sử dụng hóa đơn trực tiếp lớn, kinh doanh games online, thương mại điện tử, kinh doanh nhà ở xã hội, DN có giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng...

Thanh tra Tổng cục Thuế đã đôn đốc, chỉ đạo các cục thuế tập trung nhân lực cho thanh tra, kiểm tra, đặc biệt đã tham mưu, trình Tổng cục Thuế chỉ đạo 3 địa phương là: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng thành lập các đoàn thanh tra tại 15 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Trong cả nước, nhiều địa phương đã đưa các giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội là một trong những điểm sáng trong công tác chống gian lận thuế.

Trong năm 2016, Cục Thuế TP. Hà Nội đã thành lập Tổ chống hành vi vi phạm hóa đơn nhằm nghiên cứu các hành vi vi phạm và giải pháp phòng ngừa; cảnh báo các DN có dấu hiệu vi phạm về thuế, về hóa đơn trên trang web của cơ quan thuế; xử lý nghiêm đối với tất cả các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng hoá đơn bất hợp pháp...

Bên cạnh đó, Cục Thuế TP. Hà Nội đã phối hợp cơ quan công an bàn chuyên đề đấu tranh chống tội phạm về thuế, đặc biệt là đấu tranh hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Mới đây, Cục Thuế TP. Hà Nội đã phối hợp với Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (Công an TP. Hà Nội) xác minh nhóm đối tượng thành lập công ty “ma” hoạt động mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng với quy mô, tổ chức lớn, thủ đoạn tinh vi.

Các đối tượng mua lại các công ty hoạt động kém hiệu quả, sau đó chuyển nhượng thay đổi người đại diện, trụ sở công ty... không hoạt động kinh doanh mà chỉ bán hóa đơn GTGT để thu lợi bất chính. Đến thời điểm bị triệt phá, nhóm đối tượng này đã buôn bán hàng nghìn hóa đơn với giá trị trên 1.000 tỷ đồng, gian lận hàng trăm tỷ đồng tiền thuế…

Từ cuối năm 2012, Cục Thuế TP. Hà Nội đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) xây dựng ứng dụng “đối chiếu hoá đơn”, thực hiện việc phân tích, sàng lọc, kiểm tra chéo dữ liệu DN, qua đó hỗ trợ cung cấp ứng dụng tra cứu hóa đơn của đơn vị bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh cho cán bộ thuế, nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hiệu quả nhất.

Qua kiểm tra, rà soát hồ sơ ngay tại trụ sở cơ quan thuế, Cục Thuế đã phát hiện và thông tin cảnh báo đến khoảng 23.000 nghìn lượt DN với hàng trăm nghìn số hóa hơn được xác định là có dấu hiệu bất hợp pháp. Ngoài ra, Cục Thuế xây dựng tiêu chí xác định DN có dấu hiệu thành lập DN để mua bán hóa đơn nhằm giúp nhận diện các DN vi phạm một cách dễ dàng hơn.

Đồng bộ giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa hành vi gian lận thuế

Trong năm 2017, Tổng cục Thuế đã giao kế hoạch cho các cục thuế xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đảm bảo tỷ lệ thanh tra tối thiểu 1% và kiểm tra tối thiểu đạt 18% số DN đang quản lý trong toàn Ngành. Để tiếp tục thực hiện ngăn chặn, phòng ngừa hành vi gian lận thuế có hiệu quả, cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

Một là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện. Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra tập trung vào các DN có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử; DN báo lỗ triền miên; DN có số nợ thuế lớn; DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra (về sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp, ưu đãi thuế, chuyển nhượng vốn, thương hiệu…); DN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, hoàn thuế… Các lĩnh vực thanh tra tập trung vào: Chuyển nhượng vốn, ngân hàng, dược phẩm, bất động sản, điện, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản…

Ngoài ra, để hạn chế các hình thức trốn thuế thông qua thành lập DN “ma” để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra sau cấp phép, tổ chức rà soát các hồ sơ khai thuế đối với các DN mới thành lập, nhất là DN có đại diện pháp lý là người địa phương khác; DN hoạt động trong các lĩnh vực có rủi ro như khai thác đất đá, cát sỏi, khoáng sản...

Hai là, tiếp tục phối hợp với cơ quan Công an, và các cơ quan liên quan để nắm bắt, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế; phối hợp kiểm tra, xác minh, cung cấp hồ sơ, thông tin nhanh chóng, kịp thời, nâng cao tính răn đe các đối tượng nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế…

Ngoài ra, thông qua việc tăng cường phối hợp với cơ quan công an, giúp các cơ quan thuế học hỏi kinh nghiệm nghiệp vụ, xây dựng mối quan hệ hợp tác chia sẻ thông tin tăng cường công tác quản lý người nộp thuế và ngăn chặn các hành vi vi phạm của người nộp thuế; phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành vi gian lận thuế, qua đó góp phần nâng cao tính tuân thủ tự nguyện và tạo được sự đồng thuận của cộng đồng xã hội và người nộp thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa gian lận thuế. Kinh nghiệm cho thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành Thuế đóng góp tích cực và hiệu quả đến việc ngăn chặn hành vi gian lận thuế.

Ngành Thuế đang triển khai thực hiện quản lý trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin tập trung (TMS), kết hợp với kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó, việc sử dụng hoá đơn điện tử khuyến khích sử dụng rộng rãi để thay thế cho hoá đơn giấy, góp phần ngăn chặn tình trạng in, phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp…

Bốn là, tích cực tuyên truyền cho người nộp thuế nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế. Theo đó, tạo sức lan tỏa và nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế thông qua việc mỗi cán bộ công chức thanh tra phải hướng dẫn tuyên truyền chính sách pháp luật thuế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn ngừa người nộp thuế cố tình trốn thuế, tăng cường giám sát hoạt động của công tác thanh tra.

Năm là, tập huấn, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Để đảm bảo quản lý thuế có hiệu quả, cần sắp xếp cán bộ một cách hợp lý, khoa học, phát huy kinh nghiệm cũng như kiến thức của từng cán bộ.

Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra nội bộ và có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị, cá nhân dung túng bao che, tiếp tay cho hành vi gian lận thuế.