Dòng chảy của nợ

Theo TTVN/Economist

Chúng ta đã tập trung quá nhiều vào nợ Chính phủ trong khi vấn đề lại nằm ở tổng nợ của toàn nền kinh tế, bao gồm cả nợ của khu vực tài chính, của các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.

 Dòng chảy của nợ
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Lạm phát, đình đốn, phá sản. Đó là những điều tồi tệ mà các nền kinh tế ngập trong nợ nần phải đối mặt kể từ khi khủng hoảng nổ ra trong giai đoạn 2007-2008. Thật tốt nếu như tăng trưởng có thể kéo các nền kinh tế ra khỏi đống hỗn độn hiện nay. Tuy nhiên, dường như điều đó là bất khả thi. Đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vẫn rất chậm chạp trong giai đoạn 2000 – 2009 (trước khi khủng hoảng nợ công ở châu Âu nổ ra và các nước tăng cường thắt lưng buộc bụng). 

Tại sao lại như vậy? Chúng ta đã tập trung quá nhiều vào nợ Chính phủ trong khi vấn đề lại nằm ở tổng nợ của toàn nền kinh tế, bao gồm cả nợ của khu vực tài chính, của các DN và người tiêu dùng. Đồng thời, nợ của khu vực Chính phủ cũng sẽ tăng rất nhanh nếu như các khu vực khác lâm vào suy thoái. Ví dụ, trong năm 2010, nợ của Chính phủ Síp chỉ ở mức 61% GDP. Sau hơn 2 năm, tỷ lệ đã tăng lên mức 74,05%.

Hãy coi các khoản nợ là 1 sự xác nhận đối với quyền sở hữu tài sản. Nếu ngân hàng cấp cho bạn 1 khoản tín dụng, bạn có tài sản dưới dạng tiền và có thể sử dụng số tiền này để mua hàng hóa và dịch vụ hoặc mua 1 tài sản như nhà ở. Ngân hàng cũng có tài sản được hạch toán trên bảng cân đối kế toán với tên gọi nợ. Như vậy, nợ có thể tăng lên tương đối so với GDP đồng thời giúp tăng sản lượng của nền kinh tế (do người đi vay tăng chi tiêu).

Mọi thứ vẫn ổn nếu như các chủ nợ tin rằng người đi vay có thể hoàn trả các khoản nợ. Trên thực tế, rất nhiều khoản nợ trong nền kinh tế hiện đại được quay vòng, các DN đảo nợ, các hộ gia đình thay thế bên cung cấp khoản vay thế chấp này bằng một bên khác. Và, các chủ nợ cũng tự tin rằng GDP đang tăng lên. 

Các cá nhân có thể có mức nợ cao gấp nhiều lần so với GDP. Do đó, tất nhiên của cải của 1 quốc gia (dưới dạng đất đai, tài nguyên khoáng sản…) có thể lớn gấp nhiều lần giá trị GDP và do đó nợ lớn hơn GDP là điều bình thường. 

Tuy nhiên, chỉ có một phần của cải có thể được hiện thực hóa. Nếu như tất cả người Mỹ đều muốn bán nhà để trả nợ, ai sẽ là người mua? 

Tương tự như vậy, khi nợ lớn gấp nhiều lần GDP, một phần lớn GDP sẽ phải được quay vòng. Tuy nhiên, nếu như người đi vay có thể dựa trên các nguồn lực sẵn có để trả nợ, sức tiêu dùng sẽ bị giảm xuống. Trong trường hợp người đi vay trả nợ bằng cách bán tài sản, giá tài sản sẽ giảm. Và, nếu như họ không thể trả nợ, bảng cân đối kế toán của các chủ nợ bị ảnh hưởng. Cả 3 kịch bản này đều làm nền kinh tế suy yếu. 

Cũng có thể ví các nước ngập trong nợ với 1 ngân hàng. Giống như việc 1 ngân hàng chỉ có thể hoạt động bình thường cho đến khi người gửi tiền không muốn rút tiền ra, nền kinh tế cũng chỉ có thể hoạt động khi các chủ nợ không muốn thu hồi nợ. Dòng vốn bị rút ra ồ ạt sẽ là 1 đòn chí mạng.

Khi khu vực kinh tế tư nhân vỡ nợ, Chính phủ phải đưa ra gói giải cứu và số nợ sẽ được ghi vào bảng cân đối kế toán của Chính phủ. Tình hình vẫn ổn nếu như các chủ nợ có niềm tin vào Chính phủ. Trường hợp điển hình là Nhật Bản: nước này đã giữ được ổn định trong 1 thời gian dài bởi phần lớn chủ nợ ở trong nước và họ tin vào Chính phủ. Tuy nhiên, nếu như các chủ nợ đến từ nước ngoài (như trường hợp của Eurozone) hoảng sợ, tình thế trở nên hoàn toàn khác biệt. 

Rõ ràng là chắc chắn sẽ có người phải chịu thiệt thòi nếu điều này xảy ra. Nếu bạn là 1 người dân Síp và có tài khoản tiết kiệm lớn hơn 100.000 USD tại 2 ngân hàng lớn nhất nước này, bạn đã không gặp may. Trên thực tế, tiền gửi là 1 khoản nợ dành cho ngân hàng. Đây cũng là lời khẳng định chủ quyền đối với của cải. Và, nếu như của cải ít hơn các lời khẳng định, ai đó sẽ phải chịu thiệt. Giống như những gì đã chỉ ra ở trên, những người gửi tiền sẽ là nạn nhân bởi họ là người có tiền. 

Có một cách để tránh vỡ nợ: tạo ra lạm phát – bơm thêm lượng tiền đủ lớn để các chủ nợ bị vỡ nợ thực tế chứ không phải theo danh nghĩa. Có thể đây chính là mục tiêu mà các gói nới lỏng định lượng cố gắng hoàn thành. Tuy nhiên, có vẻ như các Ngân hàng Trung ương đã không đạt được mục tiêu này. Đúng ra, lạm phát phải khiến thu nhập của các cá nhân tăng lên. Thay vào đó, phương Tây lại chứng kiến giá cả hàng hóa tăng vọt, dẫn đến tiền lương suy giảm và người dân càng gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ. 

Nói một cách ngắn gọn, cuộc khủng hoảng đã kéo dài gần 6 năm trong khi các nền kinh tế vẫn khá mong manh trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai (Síp là ví dụ mới nhất). Chúng ta cũng chưa quyết định được vỡ nợ hay lạm phát là lựa chọn hợp lý hơn. Cuối cùng thì, chính những người gửi tiền tiết kiệm nên cẩn trọng!