Đồng hành trong thực hiện an sinh xã hội

Theo Nguyễn Thúy/daibieunhandan.vn

Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Do đó, để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, theo các chuyên gia bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi chính sách, vai trò của cơ quan báo chí cũng góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận.

Thời gian qua, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đạt kết quả ấn tượng. Nguồn: Internet
Thời gian qua, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đạt kết quả ấn tượng. Nguồn: Internet

Đồng hành

Chia sẻ những kết quả ngành BHXH đạt được trong thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đạt kết quả ấn tượng; việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh; ngành BHXH đã nỗ lực cùng các bộ, ngành khác đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách…

Với sự nỗ lực của toàn ngành, sự phối hợp từ các cơ quan trung ương và địa phương cùng sự đồng hành của các cơ quan báo chí, đã giúp ngành BHXH hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngoài việc đưa chính sách vào cuộc sống, báo chí còn phản ánh chân thực bức tranh an sinh xã hội, qua đó giúp các ngành chức năng, trong đó có ngành BHXH có cái nhìn sát với thực tế, tiếp thu nguyện vọng của nhân dân để sửa đổi chính sách phù hợp.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, từ năm 2015 đến nay, ngành BHXH liên tục tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho các phóng viên và đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Giảng viên của lớp tập huấn là các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách có nhiều kinh nghiệm sẽ giúp các phóng viên có cái nhìn đa chiều về lĩnh vực an sinh xã hội.

Qua đó, giúp cơ quan BHXH và các phóng viên hiểu nhau hơn cũng như dễ dàng trao đổi thông tin với nhau. Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cũng cho biết, thời gian qua công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và các cơ quan báo chí đã được nâng lên tầm cao mới. Các cơ quan báo chí đã chú trọng đến việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục cố định để tuyên truyền về BHXH, BHYT.

Hầu như hàng ngày trên sóng của các đài phát thanh, đài truyền hình, trên các báo ở Trung ương và địa phương đều có tin, bài, ảnh, phóng sự, tọa đàm… về BHXH, BHYT. Hàng tuần, các chuyên mục về BHXH, BHYT với thời lượng từ 10 - 15 phút đều được phát cố định trên sóng truyền hình...

Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn thường xuyên tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT cho phóng viên của các cơ quan báo chí. Nhiều nội dung được BHXH Việt Nam cung cấp đầy đủ, kịp thời, giúp các phóng viên và cơ quan báo chí thực hiện viết tin, bài hoặc xây dựng các chương trình tuyên truyền sát với thực tế.

Đặc biệt, các phóng viên, biên tập viên đã có sự đầu tư thời gian, công sức sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí viết về BHXH, BHYT có chất lượng để tham dự các giải báo chí quốc. Có thể nói, đây là giai đoạn BHXH Việt Nam triển khai phối hợp tuyên truyền mạnh mẽ trên tất cả các loại hình báo chí và rộng khắp từ Trung ương đến các địa phương, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi và toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Vai trò quan trọng

Chia sẻ tại Hội nghị tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan báo chí năm 2018 do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp những năm qua là “kho” đề tài vô tận để các nhà báo khai thác.

Giữa nhà báo và cơ quan BHXH đã phối hợp ngày càng chặt chẽ để nâng cao nhận thức, đưa chủ trương đến với cuộc sống; nhiều bài báo sinh động, lôi cuốn người đọc, hình thức truyền thông cũng ngày càng phong phú và sâu sát với cuộc sống đã góp phần cổ vũ, động viên nhân dân và người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, báo chí cũng tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn sát thực tế, giúp hệ thống BHXH vận hành minh bạch.

Tuy nhiên, theo ông Lợi, hiện vẫn còn có một số bài viết về BHXH, BHYT chưa thật sự khách quan, có cái nhìn thiên lệch nên không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Thực tế trên đòi hỏi công tác truyền thông phải thật sự sắc sảo; mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia về an sinh xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi chính sách để có nguồn tin chính thống.

Khẳng định BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi chính sách.

Song, bên cạnh đó các cơ quan báo chí cũng góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận. Theo đó, tuyên truyền phải phản ánh đúng sự thật, đúng bản chất; tuyên truyền phải làm sao để người dân hiểu rõ chính sách; phải đả thông tư tưởng. Chưa kể, do các yếu tố đặc thù của chính sách, đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên phải thực sự am hiểu sâu sắc về chính sách, pháp luật thì việc tuyên truyền mới đạt hiệu quả.