Đột phá khâu thủ tục để thu hút đầu tư

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) sắp tới sẽ có nhiều bước đột phá về cải cách thủ tục nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, để tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến hủy bỏ giấy chứng nhận đầu tư. Xin Bộ trưởng cho biết vấn đề này sẽ được thực hiện như thế nào?

Đột phá khâu thủ tục để thu hút đầu tư - Ảnh 1
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Cấp phép đầu tư là hoạt động cần thiết, nước nào cũng làm. Mỗi chặng đường phát triển của kinh tế đều có những quy định khác nhau.  Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư, hiện nay được giao sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi. Quan điểm của Bộ KHĐT là làm sao đó để đơn giản nhất thủ tục này. Các thủ tục nếu không cần thiết thì phải bỏ. Luật Đầu tư sửa đổi sắp tới sẽ hướng đến việc bỏ giấy chứng nhận đầu tư của DN FDI.

Trước đó, chúng tôi tiến hành lấy ý kiến DN tại các tỉnh – thành như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Qua lấy ý kiến DN cho thấy, hầu hết đồng tình bỏ giấy chứng nhận đầu tư tuy vẫn không ít DN muốn có giấy phép đó để được hưởng ưu đãi đầu tư, vay vốn…

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ KHĐT là bỏ, còn lại 4 lĩnh vực đang nghiên cứu giữ lại. Thứ nhất, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải xem xét về giấy phép như: cấp phép hình thành ngân hàng. Mặc dù đây là ngành có quy định chuyên ngành nhưng vẫn cần giấy phép. Lĩnh vực thứ hai, liên quan đến đất đai khi sử dụng một vài trăm hecta (lượng đất lớn) cần phải xem xét. Thứ ba, xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với DN sản xuất những mặt hàng gây ô nhiễm môi trường lớn. Thứ tư, những lĩnh vực cần có giấy chứng nhận để ưu đãi đầu tư  cũng cần phải xem xét. 

Thưa Bộ trưởng, nếu bỏ giấy chứng nhận đầu tư thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý DN FDI như thế nào?

Chúng ta không thể bỏ hoàn toàn các thủ tục vì nếu bỏ hoàn toàn cơ quan quản lý không biết được có bao nhiêu DN FDI đầu tư vào các tỉnh – thành nói riêng và cả nước nói chung. Bộ đang nghiêm cứu kỹ về điều kiện chế tài trong chuyên ngành khi bỏ bớt giấy chứng nhận cấp phép đầu tư. Cần có cách thống kê thủ tục đăng ký để biết được, quản lý được. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang có sáng kiến cấp cho mỗi DN FDI một mã số, trong mã số đó cung cấp đầy đủ thông tin của DN. Khi cần chỉ kích vào mã đó sẽ có đầy đủ thông tin doanh nghiệp. Tuy nhiên đây mới chỉ là sáng kiến chứ chưa có trong thực tế nhưng làm được như thế thì tốt và cần nghiên cứu.

Ngoài bỏ cấp phép đầu tư ra sẽ có những đột phá gì trong thủ tục thu hút vốn đầu tư hay không?

Bỏ cấp phép đầu tư chỉ là một nội dung, còn nhiều vấn đề khác liên quan đến DN FDI. Chính phủ đang cải thiện môi trường tạo thông thoáng trong thu hút đầu tư. Ví dụ như: giảm thuế thu nhập DN còn 20% thay vì 25% như trước đây và 22% như vừa qua. Thủ tục giấy tờ khác đều được tinh giản, đất đai được minh bạch hóa hơn, yêu cầu của DN được giải tỏa nhiều. Chính phủ tạo điều kiện tối ưu để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Song theo tôi, các DN FDI cũng phải đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và địa phương của Việt Nam vì không phải chúng ta kêu gọi và mở cửa đầu tư vô điều kiện. Việt Nam qua rồi thời kỳ trải thảm đỏ mời các DN FDI đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đánh giá cao vai trò của các DN FDI đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc hơn để thấy rõ được gì, mất gì khi thu hút FDI. Chúng ta cần là công nghệ, trình độ quản lý cao, tạo thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.

Theo ông, ngoài việc xúc tiến thương mại thu hút đầu nước ngoài, Việt Nam cần tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển?

Sắp tới Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị toàn quốc với các DN tư nhân trong nước nhằm tìm giải pháp hỗ trợ, vì đây là lực lượng quan trọng chứ không thể chỉ có DN FDI mới được "o bế”. Đây là hành động mới mặc dù tư tưởng thì không mới. Cái gì chúng ta đã tạo điều kiện cho DN FDI thì cũng cần tạo điều kiện cho DN trong nước, bởi vì nếu tạo điều kiện tốt cho DN trong nước thì các DN cũng xây dựng được các thương hiệu có tầm như cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, Bưởi Năm Roi… Đây mới chính là vấn đề của Việt Nam trong việc tạo dựng thương hiệu đi ra khắp thế giới.

Đó là quan điểm của Chính phủ Việt Nam: không xem nhẹ DN FDI nhưng phải chú trọng xây dựng lực lượng DN trong nước đủ lớn mạnh. Thậm chí, phải xây dựng cho được những tập đoàn DN tư nhân mạnh mẽ, như thế nền kinh tế mới cân đối và phát triển tốt.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!