Dự cảm Ất Mùi

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhân dịp đầu Xuân Ất Mùi 2015, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã trò chuyện và dự báo về tương lai của đất nước.

Dự cảm Ất Mùi  - Ảnh 1
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ
Phóng viên: Thưa Trưởng ban, thành tựu kinh tế nào trong năm qua của đất nước là ấn tượng nhất?

Trưởng ban Vương Đình Huệ: Tôi cho rằng những điểm ấn tượng nhất của nền kinh tế đất nước trong năm qua thể hiện ở mấy điểm sau đây:

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định hơn 2013. GDP tăng cao hơn các nước đồng hạng; lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ tiết kiệm đầu tư cao hơn các nước đồng hạng và tài khoản vãng lai thì 4 năm liên tiếp có thặng dư; tăng trưởng đạt 5,98%, là năm đầu tiên kể từ năm 2011 cho tới nay đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu.

Thứ hai, thị trường tài chính, tiền tệ ổn định hơn, tỷ giá ít biến động, điều này hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu và củng cố tâm lý thị trường. Năm vừa qua, thị trường chứng khoán nước ta nằm trong 5 thị trường có tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Thứ ba, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.

Điều thú vị là những điểm sáng của nền kinh tế năm 2014 nhận được đánh giá đồng thuận của các chuyên gia, các cơ quan thông tấn báo chí trong ngoài nước và cả các tổ chức quốc tế. Các hãng đánh giá tín nhiệm nước ngoài có nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam. Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ mức B2 lên B1 cùng với đánh giá triển vọng và ổn định; Fitch Ratings nâng tín nhiệm nợ nội địa, nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ mức B+ lên BB- và kèm theo triển vọng tích cực.

Như Trưởng ban vừa nói, năm 2014 chúng ta đã tập trung nỗ lực vào nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế với ba lĩnh vực là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Trưởng ban đánh giá như thế nào về kết quả của quá trình này?

Có thể nói, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong năm qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Trong báo cáo tình hình thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng mà Ban Kinh tế Trung ương là đơn vị chủ trì soạn thảo, chúng tôi đã nghiên cứu một cách vừa tổng thể, vừa trọng tâm về tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời đề xuất những quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong năm 2014 đã đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15 cho phép thực hiện theo nguyên tắc thị trường.

Cổ phần hóa hiện cũng đang tiến triển không chỉ với doanh nghiệp nhỏ mà với cả những doanh nghiệp lớn, như Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

Đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, chúng ta đã đẩy lùi được nguy cơ đổ vỡ hệ thống, ổn định được thanh khoản, tích cực hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xử lý nợ xấu cũng đạt được kết quả bước đầu bằng việc mua nợ của VAMC và trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại.

Về tái cơ cấu đầu tư công, chúng ta đang triển khai đúng hướng, giảm dần được phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên. Trong giai đoạn 2006-2010, ICOR của toàn bộ nền kinh tế là 6,96, đã giảm xuống mức 6,5 trong giai đoạn 2011-2015.

Kết quả nhìn chung là khả quan, tuy nhiên điểm người dân quan tâm, đó là doanh nghiệp nhà nước làm gì thì làm, nhưng đồng vốn phải được sử dụng hiệu quả hơn, gắn với trách nhiệm rõ ràng đối với những người đứng đầu doanh nghiệp. Theo Trưởng Ban, đâu là những việc cần phải thực hiện tiếp theo đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015 và những năm tiếp theo?

Mục tiêu của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là để doanh nghiệp nhà nước mạnh lên, kinh doanh có hiệu quả hơn, tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước không cần phải chiếm nhiều trong nền kinh tế nhưng vẫn đóng góp nhiều cho ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và phải nêu gương, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác về trình độ khoa học, công nghệ, năng lực quản lý; năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ cũng cần phải có cách nhìn khách quan, công bằng hơn đối với doanh nghiệp nhà nước, và tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước được tự chịu trách nhiệm về sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp nhà nước cũng phải thực hiện cơ cấu lại một cách đồng bộ theo ba trụ cột: một là, phải tái cơ cấu lại tài chính, tăng cường khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán, thị trường vốn để giảm việc phụ thuộc vào ngân sách nhà nước cấp. Hai là, phải tập trung nâng cao năng lực quản trị, cơ cấu lại quản trị doanh nghiệp theo các tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế. Ba là, tái cơ cấu lại nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ Lãnh đạo quản lý, nghiệp vụ; nghiêm túc rà soát tiết giảm lao động gián tiếp, nâng cao năng suất lao động và kết quả sản xuất kinh doanh.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để khu vực này thực sự giữ vai trò nòng cốt trong kinh tế nhà nước; chỉ tập trung trong một số ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng, khu vực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện thể chế định giá đất và tài sản hữu hình và vô hình; tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị công ích, tách chức năng chủ sở hữu tài sản vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; thu hẹp và tiến tới xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với tài sản vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; sớm nghiên cứu thành lập một cơ quan cấp ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường kiểm tra kiểm soát của chủ sở hữu, thực hiện chế độ kiểm tra, kiểm soát, công khai, minh bạch đầu tư tài chính và các hoạt động khác của doanh nghiệp nhà nước. Trong năm 2015, Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2015, theo tôi, cái có thể tạo ra ngay xung lực mới là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phải tạo ra được động lực và áp lực trách nhiệm cho từng người, từng cơ quan. Thực tế cho thấy ngành nào, bộ nào, đơn vị nào, địa phương nào người đứng đầu gương mẫu, quyết liệt, năng động thì ở đó công việc khác hẳn. Nghĩa là cần phải nâng cao năng lực, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, tăng cường ý thức thượng tôn pháp luật, trật tự, kỷ cương để tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2015, Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, hình thành các liên minh kinh tế, thương mại. Thế nhưng nhìn lại việc gia nhập WTO sau 8 năm, chúng ta được cũng có và bỏ lỡ cơ hội cũng có. Vậy sắp tới, Trưởng ban có đề xuất gì về các chính sách kinh tế trong hội nhập?

Năm 2015 là năm Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán và triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan và gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), hiệp định TPP cũng kỳ vọng sẽ được ký trong năm 2015. Có thể nói chưa khi nào Việt Nam lại gặt hái được những kết quả đàm phán như vậy, điều này tạo ra nhiều cơ hội nhưng thách thức là rất lớn. Tôi nghĩ, cần phải tích hợp, lồng ghép các cam kết trong các hiệp định với nhau, vừa phải theo chiều ngang từng hiệp định, mặt khác vừa phải theo chiều dọc từng lĩnh vực đã cam kết để Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, sát thực nhằm tận dụng tốt các cơ hội và giảm thiểu các thách thức, rủi ro trong quá trình thực thi các hiệp định.

Thưa Trưởng ban, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nông nghiệp được coi là một trong những bệ đỡ của nền kinh tế. Nhưng thực tế thì mức độ đầu tư vào nông nghiệp còn rất thấp, chỉ 1% số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Theo Trưởng ban, cần có những chính sách nào để đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

Con số này cho thấy rằng chúng ta cần phải có một cơ chế phù hợp để huy động được tổng lực, tiềm lực của doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế tập trung vào khu vực này. Trong ba năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Có thể kể đến như Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Tuy nhiên, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, theo tôi cần chú ý mấy điểm sau đây:

Thứ nhất, phải tập trung vào các nhiệm vụ, đề án về tái cơ cấu Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có hướng dẫn và các địa phương hiện nay phải tập trung vào tái cơ cấu, tổ chức lại nền nông nghiệp của nước ta theo hướng hàng hóa, hiệu quả, chuỗi giá trị thì chúng ta mới có thắng lợi trong lĩnh vực này.

Thứ hai, cần tiếp tục rà soát về thể chế, chính sách với mục đích quan trọng nhất để khơi dậy tiềm lực của khu vực này. Trong đó có hai thành tố hạt nhân rất cần được chú ý: Một là có những chính sách hấp dẫn, phân rõ những vùng miền có lợi thế khác nhau, để có thể thu hút được nhiều doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp; Hai là, trong tổ chức sản xuất phải củng cố, phát triển các dạng hợp tác xã theo kiểu mới, theo Luật Hợp tác xã 2012, có hiệu lực từ ngày 1.7.2013 vì nông dân hiện nay sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có sức mạnh khi đứng trong liên kết của chính mình và thông qua các tổ chức HTX xây dựng các chuỗi liên kết với nhà doanh nghiệp thì khi đó nguồn lực mới được huy động, khoa học kỹ thuật mới được ứng dụng, câu chuyện thị trường mới được giải quyết và vị thế người nông dân mới được củng cố.

Thứ ba, như trên đã nói, năm 2015 sẽ đánh dấu việc hội nhập sâu rộng, toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực. Như vậy, nhìn ở góc độ thị trường thì đây là cơ hội nhưng nhìn từ góc độ thách thức, nếu không chuẩn bị tốt về các phương diện từ nguồn nhân lực, thể chế, chính sách, cơ chế, hàng rào kỹ thuật… thì chúng ta chưa chắc đã chiến thắng, thậm chí còn bị thua ngay ở sân nhà.

Chỉ còn một năm nữa là kết thúc Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), và theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, thì chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy Trưởng ban dự báo thế nào về kinh tế 2015 và chúng ta cần phải nắm bắt những cơ hội nào hay hành động gì?

Những khó khăn, thách thức đối với kinh tế của 2014 sẽ tiếp tục diễn ra trong 2015 có mấy vấn đề sau: Thứ nhất, một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc, nhất là có thu – chi ngân sách nhà nước trong điều kiện nhu cầu chi tiêu lớn, nợ công cao và giá dầu thô thế giới giảm sâu hơn mức dự báo vào cuối năm 2014. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm. Thứ ba, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn, thách thức nữa là nợ công cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn, chúng ta còn phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều; nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm và chưa thực sự hiệu quả; tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, chưa đạt yêu cầu như mong muốn.

Về năm 2015, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục sẽ diễn ra, trong nước nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố, kết hợp hai vấn đề này cho thấy sẽ tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biết tích cực hơn trong năm 2015.

Năm 2015 là năm cuối cùng nhiệm kỳ, năm chạy nước rút để hoàn thành cao nhất chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng năm 2015 sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn của năm trước.

Xin cám ơn Trưởng ban!