Dự thảo hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với hộ nông dân nghèo

PV.

Bộ Tài chính đang tiến hành đề nghị xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp trình Chính phủ, trong đó có nội dung nổi bật là việc ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, một trong những mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm hỗ trợ phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo là các đối tượng dễ bị tổn thương khi xảy ra rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho họ có cơ hội đa dạng hóa các giải pháp tài chính để giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Đề cương Dự thảo Nghị định quy định về việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm các lĩnh vực:

Về nguyên tắc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; hoạt động kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm: sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, phân phối, giao kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, bồi thường và giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp;

Về chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp của Nhà nước: đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ; cơ chế, thủ tục, hình thức hỗ trợ; việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ...

Đồng thời, dự thảo nêu rõ nguyên tắc triển khai bảo hiểm nông nghiệp cụ thể như sau: Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, phù hợp với quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan khác.

Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được chủ động tham gia bảo hiểm nông nghiệp tại các doanh nghiệp bảo hiểm quy định. Ngân sách nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đáp ứng điều kiện quy định.

Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp là tất cả các loại cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.

Rủi ro được bảo hiểm gồm: Thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và các loại rủi ro thiên tai khác; Dịch, bệnh động vật như cúm gia cầm, tai xanh, bệnh lở mồm, long móng, nhiệt thán, xoắn khuẩn, bệnh thủy sản và dịch bệnh khác theo danh mục bệnh động vật phải công bố dịch bệnh; Dịch hại thực vật là sinh vật gây hại thực vật có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây hại nghiêm trọng đối với thực vật như dịch rầy nâu, xoắn lá, đạo ôn và sinh vật gây hại khác theo quy định của pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật...

Dự thảo cũng nêu rõ, ngân sách nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho các đối tượng đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Là hộ nông dân nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp được công nhận theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương còn hiệu lực tại thời điểm tham gia bảo hiểm; Đã giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với doanh nghiệp bảo hiểm để bảo hiểm cho các rủi ro thiên tai theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

Về mức hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm nông nghiệp Dự thảo quy định 

Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo và 75% cho hộ nông dân cận nghèo khi giao kết hợp đồng bảo hiểm cho các rủi ro thiên tai.

Trong trường hợp có nhiều chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, người dân được lựa chọn để hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đang tham gia các chính sách cũ phải thực hiện các thủ tục chấm dứt và hoàn trả cho ngân sách nhà nước phần kinh phí tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo chính sách cũ.

Đối với hộ nông dân đã được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm nông nghiệp, bị thiệt hại do thiên tai và đã được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường bảo hiểm, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ phần chênh lệch (nếu có) trong trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ của các chính sách khác của nhà nước.

Trường hợp được Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành có liên quan Ủy ban nhân dân các tình, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Nghị định theo đúng quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015, trình Chính phủ thông qua vào Quý II/2017. Thời gian thực hiện hỗ trợ thực hiện từ ngày 1/1/2018.