Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Cân nhắc chính sách miễn thuế

Theo Hà An/daibieunhandan.vn

Đồng tình với việc nên có các chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư, song nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần cân nhắc quy định miễn thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tạo sự cạnh tranh bình đẳng 

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có nhiều quy định về chính sách miễn thuế, trong đó có miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Theo đó, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời gian thuê đối với dự án đầu tư quy định đối với nhà đầu tư chiến lược có dự án đầu tư tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đáp ứng một trong những điều kiện như: Dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino với quy mô vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân theo cam kết quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 36 tháng kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với dự án đầu tư tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt…

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đã được quy định tại một số văn bản pháp luật hiện hành nhằm thu hút đầu tư nên để tạo ưu thế vượt trội cho đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đặt ra các chính sách như trên là cần thiết.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, khu kinh tế đặc biệt thì cần có chính sách đặc biệt, mang tính chiến lược lâu dài. Ngoài việc kéo dài thời gian sử dụng đất, cần có chính sách miễn, giảm thuế đối với các nhà đầu tư để thu hút đầu tư.

Ông Tuấn phân tích, trong giai đoạn đầu của dự án, nhà đầu tư buộc phải bỏ ra những khoản chi phí tài chính rất lớn. Do đó, các chính sách ưu đãi thuế sẽ tạo động lực để nhà đầu tư phát triển dự án tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, nên tính toán kỹ chính sách ưu đãi này để thu hút được các nhà đầu tư mạnh. Về nguyên tắc, không đánh đổi thu hút đầu tư với bảo vệ môi trường.

Đối với trường hợp Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng thì chính sách thuế đối với nhà đầu tư có thể cân đối lại, nhưng với trường hợp thu hút đầu tư vào ngay từ khâu xây dựng cơ sở hạ tầng thì chính sách ưu đãi thuế dành cho nhà đầu tư có thể khác. Do đó, cần tính toán việc miễn, giảm tiền thuê đất một phần hay trong một số năm cho phù hợp. Chính sách ưu đãi phải tạo được sự cạnh tranh bình đẳng, tạo nền tảng cho sự phát triển của các đặc khu.

Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ lại cho rằng, không nên miễn tiền thuê đất mà nên tính tiền thuê đất. Quy định miễn tiền thuê đất như dự thảo Luật là trái với nguyên lý kinh tế. Bởi lẽ, nguyên tắc đầu tư là có sử dụng đất thì phải trả tiền thuê đất.

Để thu hút đầu tư, theo ông Võ, vấn đề mấu chốt không nằm ở chính sách miễn, giảm thuế mà ở việc có giao đất dài hạn để tạo tâm lý ổn định cho nhà đầu tư hay không, các thủ tục hành chính ở các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có bảo đảm nhanh gọn, thuận lợi hay không?

Thu hẹp phạm vi miễn tiền thuê đất?

Thực tế cho thấy, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đều thành lập tại những vị trí hết sức thuận lợi, có sức thu hút đầu tư nhất định. Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, tạo động lực cho nhà đầu tư trong khai thác, sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả, có ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi các dự án được miễn hoàn toàn tiền thuê đất bao gồm: Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và môi trường phục vụ lợi ích công cộng và dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục - đào tạo.

Tại Phiên họp thứ 20, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu quan điểm, không nên miễn tiền thuê đất, mà chỉ nên quy định giảm có thời hạn.

Tạo cơ chế đặc thù cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là cần thiết, nhưng cũng cần tính toán kỹ để các chính sách vừa bảo đảm khả thi, vừa thúc đẩy các đặc khu phát triển. Như Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải lưu ý, nếu miễn, giảm nhiều thì không có nguồn lực để đầu tư phát triển và các đặc khu phải lớn lên bằng đôi chân của mình.